Tổng thống Nga Vladimir Putin (phải) và người đồng cấp Ai Cập Abdel Fattah el-Sisi tại Hội nghị thượng đỉnh Nga-châu Phi lần thứ nhất ở Sochi năm 2019. (Nguồn: AFP/Getty Images) |
Ngày 27-28/7, Hội nghị thượng đỉnh Nga-châu Phi lần thứ hai diễn ra tại thành phố St. Petersburg (Nga). Tính đến thời điểm hiện tại, Điện Kremlin cho biết đại diện 49 quốc gia châu Phi xác nhận tham dự sự kiện. Tổng thống nước chủ nhà Vladimir Putin sẽ tham dự và phát biểu tại Hội nghị. Đặc biệt, các bên có thể thông qua tuyên bố chung, hướng tới phác thảo “các cách tiếp cận phối hợp để phát triển hợp tác Nga-châu Phi”.
Không khó để thấy rằng tình hình xung đột Nga-Ukraine, tương lai Sáng kiến Ngũ cốc Biển Đen và lực lượng quân sự tư nhân Wagner cũng là điểm nhấn đáng chú ý khác trong cuộc họp này. Tại sao lại có chuyện như vậy?
Trước hết, xung đột tại Ukraine chắc chắn là mối quan tâm hàng đầu đối với các nước châu Phi tại cuộc họp thượng đỉnh sắp tới và Điện Kremlin nhận thức rõ điều đó. Thông báo của cơ quan này nêu rõ: “Ngày 28/7, Tổng thống Vladimir Putin dự kiến dùng bữa trưa làm việc với nhóm lãnh đạo các quốc gia châu Phi để thảo luận về vấn đề Ukraine… Nga đánh giá cao nỗ lực chân thành của các đối tác châu Phi nhằm đạt được giải pháp chính trị cho xung đột”.
Rõ ràng chỉ “đánh giá cao” không thôi là chưa đủ. Trên thực tế, nỗ lực của châu Phi thúc đẩy hòa bình tại Ukraine chưa mang lại kết quả thực chất. Thậm chí, cuộc xung đột hiện nay đang đặt lục địa này ở một tình thế phức tạp. Kết quả các lần bỏ phiếu tại Đại hội đồng Liên hợp quốc nhằm chỉ trích Nga đã cho thấy sự chia rẽ trong lập trường của 54 quốc gia châu Phi về xung đột. Tuần qua, hơn ai hết, Nam Phi cảm nhận rõ “sức nóng” đó từ câu chuyện về khả năng Tổng thống Nga Vladimir Putin dự Hội nghị thượng đỉnh BRICS tại Cape Town.
Trong bối cảnh hiện nay, không loại trừ khả năng châu Phi tiếp tục phải đối mặt với những tình huống như vậy. Trước tình hình đó, sự trao đổi giữa châu Phi với Nga và xa hơn, chấm dứt xung đột tại Ukraine là cần thiết hơn bao giờ hết.
Tuy vậy, cấp bách hơn cả với châu Phi là câu chuyện về Sáng kiến Ngũ cốc Biển Đen. Thống kê cho thấy, phần lớn các nước ở châu Phi dựa nhiều vào nguồn ngũ cốc của Nga và Ukraine, với con số dao động từ 40% trở lên. Thậm chí, theo thống kê năm 2022 của Hội nghị Liên hợp quốc về thương mại và phát triển (UNCTAD), có ít nhất 16 nước châu Phi phụ thuộc hơn 50% vào ngũ cốc từ hai nước Đông Âu. Theo ông Michael Dunford, Giám đốc Chương trình Lương thực thế giới (WFP), giá ngũ cốc cùng chi phí vận chuyển tăng cao, điều kiện khí hậu khắc nghiệt đã khiến 80 triệu người tại châu Phi thiếu lương thực trầm trọng.
Thời gian qua, việc Nga rút khỏi thỏa thuận, tấn công một số kho ngũ cốc ở cảng Odessa và giới hạn hoạt động của tàu thuyền dân sự ở Biển Đen đã khiến châu Phi quan ngại. Do đó, Hội nghị thượng đỉnh tại St. Petersburg là cơ hội để Tổng thống Vladimir Putin trấn an họ, đồng thời đề xuất các biện pháp thay thế về nguồn cung ngũ cốc, qua đó mở rộng ảnh hưởng tại khu vực này.
Ngoài ra, lãnh đạo châu Phi cũng sẽ dành sự quan tâm cho tương lai của Wagner sau cuộc nổi dậy vừa qua. Lực lượng quân sự tư nhân này hiện đang hoạt động công khai tại ít nhất bốn nước châu Phi là Mali, Sudan, Cộng hòa Trung Phi và Libya, thậm chí tham gia bảo đảm an ninh cấp nguyên thủ. Trong bối cảnh Wagner chuyển sang đóng tại Belarus, châu Phi rõ ràng có quyền đặt câu hỏi về mối quan hệ giữa lực lượng này với Nga, từ đó đưa ra cách đối xử thích hợp.
Cuối cùng và đặc biệt quan trọng, đó là câu chuyện về hợp tác kinh tế giữa Nga và châu Phi. Tại Hội nghị thượng đỉnh châu Phi đầu tiên năm 2019, Tổng thống Putin từng cam kết rằng đầu tư của nước này trong châu Phi năm năm sau đó sẽ lên tới 40 tỷ USD. Song, hiện đầu tư của Nga chỉ là 18 tỷ USD, chiếm chưa đầy 1% đầu trực tiếp nước ngoài (FDI) tại châu Phi. Hiện giao thương giữa Moscow và lục địa này giảm còn 14 tỷ USD, với hơn 70% tập trung ở Ai Cập, Algeria, Morocco và Nam Phi và Nga xuất khẩu nhiều gấp bảy lần so với nhập khẩu.
Trong bối cảnh đó, hai ngày tới là dịp để Nga cùng châu Phi tạo sự “bình đẳng” cần thiết trong mối quan hệ này, như Đại sứ lưu động của Nga Oleg Ozerov tuyên bố: “Chúng tôi đối xử bình đẳng với các đối tác châu Phi theo nguyên tắc bình đẳng chủ quyền giữa các quốc gia… Lãnh đạo châu Phi tới St. Petersburg để xây dựng một nền tảng chung và tăng cường quan hệ với nhau về chính trị, kinh tế và mọi khía cạnh khác, từ đó tiến tới giải quyết các vấn đề phát triển hội nhập”.
Nhà phân tích Cameron Hudson thuộc Trung tâm nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS) cho rằng, thành công của Hội nghị thượng đỉnh sẽ đóng vai trò quan trọng trong mối quan hệ hiện nay, khi đây là một khoảnh khắc then chốt với mối quan hệ giữa châu Phi và nước Nga của ông Vladimir Putin.