Vẫn có các quan điểm khác nhau của các quốc gia Arab về việc Syria quay trở lại AL. (Nguồn: Shutterstock) |
Phát biểu trước báo giới trong nước, ông Al-Ansari nói thêm: "Mục đích chính của Hội nghị là thảo luận về tình hình ở Syria. Hiện có nhiều diễn biến liên quan tình hình nước này cũng như quan điểm của các quốc gia Arab về việc Damascus quay trở lại AL".
Dự kiến, ngoại trưởng các quốc gia thành viên Hội đồng hợp tác vùng Vịnh (GCC) cùng với Iraq, Jordan và Ai Cập sẽ gặp nhau tại thành phố Jeddah bên bờ Biển Đỏ của Saudi Arabia. GCC gồm có 6 thành viên là Saudi Arabia, Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE), Bahrain, Oman, Qatar và Kuwait.
Ngoài ra, theo ông Al-Ansari, thêm Qatar - quốc gia trước đây từng tuyên bố không có kế hoạch bình thường hóa quan hệ với Damascus và lên tiếng phản đối các nỗ lực bình thường hóa quan hệ với Syria của một số quốc gia - tới nay vẫn không thay đổi lập trường.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Qatar mới đây nêu rõ: "Bất kỳ sự thay đổi nào trong quan điểm hiện nay của chúng tôi về Damascus chủ yếu liên quan sự đồng thuận của khối Arab và một sự thay đổi trên thực địa nhằm đáp ứng nguyện vọng của người dân Syria".
Saudi Arabia dự định mời Tổng thống Syria Bashar Al-Assad tới dự Hội nghị thượng đỉnh AL, dự kiến diễn ra tại Riyadh vào ngày 19/5. Việc nhà lãnh đạo này tham dự sự kiện sẽ đánh dấu bước quan trọng nhất về sự trở lại của ông trong thế giới Arab kể từ năm 2011, thời điểm Syria bị đình chỉ tư cách thành viên AL.
Việc Syria quay trở lại AL gồm 22 quốc gia thành viên chủ yếu mang tính biểu tượng, song điều này cũng sẽ phản ánh sự thay đổi trong cách tiếp cận của khu vực đối với cuộc xung đột Syria.