Tham dự cuộc họp có đại diện các Bộ: Tài chính, Công thương, Lao động Thương binh và Xã hội, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Xây dựng, Giao thông Vận tải, Khoa học Công nghệ, Giáo dục Đào tạo, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam v.v… và các cơ quan phía Nhật Bản: Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam, Ủy ban Kinh tế Việt Nam – Nhật Bản, Hiệp hội doanh nghiệp Nhật Bản (KEIDANREN), Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA), Tổ chức xúc tiến thương mại Nhật Bản (JETRO), v.v…
Sáng kiến chung Việt Nam – Nhật Bản được khởi xướng từ tháng 4/2003, tạo diễn đàn đối thoại về chính sách giữa các nhà đầu tư Nhật Bản với các Bộ, ngành liên quan của Việt Nam với mục tiêu nhằm tạo dựng một môi trường đầu tư và kinh doanh thông thoáng, minh bạch tại Việt Nam cũng như góp phần đưa ra những khuyến nghị chính sách mang tính xây dựng, làm thông tin tham khảo trong quá trình hoàn thiện luật pháp, chính sách của các cơ quan chức năng của Việt Nam.
Cho đến nay, Sáng kiến chung Việt Nam – Nhật Bản đã thực hiện được 4 giai đoạn. Trong tổng số 337 hạng mục trong Kế hoạch hành động, 286 hạng mục đã được triển khai tốt và đúng tiến độ, chiếm 85% tổng số hạng mục cam kết. Sáng kiến chung Việt Nam – Nhật Bản được đánh giá thành công trong việc liên kết giữa khu vực nhà nước và tư nhân. Đây là một trong những kênh thông tin hữu hiệu cho các cơ quan chức năng của Việt Nam trong quá trình hoàn thiện luật pháp, chính sách. Mặt khác, nó cũng giúp cho các nhà đầu tư Nhật Bản nói riêng và cộng đồng doanh nghiệp nói chung được tham gia vào quá trình hoạch định chính sách của Chính phủ, tạo điều kiện cho hoạt động đầu tư – kinh doanh của các doanh nghiệp tại Việt Nam.
Trên cơ sở thành công của Sáng kiến chung Việt Nam – Nhật Bản trong 4 giai đoạn qua, hai bên đã thống nhất tiếp tục triển khai giai đoạn V Sáng kiến chung Việt Nam – Nhật Bản. Kế hoạch chung Việt Nam – Nhật Bản giai đoạn V sẽ bao gồm một số vấn đề tồn tại của giai đoạn IV, một số nội dung mới được đưa ra dựa trên các vấn đề vướng mắc, khó khăn mà phía Nhật Bản quan tâm và mong muốn trao đổi với các Bộ, ngành phía Việt Nam.
Kế hoạch hành động giai đoạn V gồm 13 vấn đề với 27 hạng mục và 100 tiểu hạng mục liên quan đến các nội dung như luật pháp chính sách, thuế, hải quan, đào tạo nguồn nhân lực, sở hữu trí tuệ, môi trường, an toàn thực phẩm, ngân hàng, dịch vụ, phát triển cơ sở hạ tầng, ổn định kinh tế vĩ mô. Đây là các vấn đề mà Chính phủ Việt Nam rất quan tâm và đã có nhiều biện pháp nỗ lực thực hiện nhằm cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh trong thời gian qua.
Bộ trưởng Bùi Quang Vinh và Đại sứ Nhật Bản tại Việt Nam Tanizaki Yasuaki cùng hai đồng Chủ tịch Ủy ban Kinh tế Việt Nam – Nhật Bản thuộc Hiệp hội doanh nghiệp Nhật Bản (Keidanren) ông Takahashi Kyohei và ông Nakamura Kuniharu đã ký kết Biên bản ghi nhớ Kế hoạch hành động giai đoạn V. Hai bên cũng thống nhất thời gian triển khai thực hiện Sáng kiến chung Việt Nam – Nhật Bản giai đoạn V trong vòng 18 tháng từ tháng 7/2013 - 12/2014. Theo đó, sẽ có hai cuộc họp đánh giá giữa kỳ (vào tháng 12/2013 và tháng 6/2014) và một cuộc họp cấp cao để đánh giá kết quả thực hiện Sáng kiến chung giai đoạn V vào tháng 12/2014.
P.V