📞

Khôi phục Nhà thờ Đức Bà Paris: Cơ hội để Pháp thể hiện bước đi lịch sử táo bạo?

14:30 | 17/04/2019
Nhiều người sẽ muốn trung thành với cấu trúc nguyên bản của Nhà thờ Đức Bà Paris, nhưng có thể nước Pháp sẽ có một hướng đi táo bạo với một trong những di tích quốc gia mang tính biểu tượng nhất.    

Tuy nhiên, đối với một kiệt tác kiến ​​trúc Gothic nổi tiếng mà người ta phải mất 107 năm để xây dựng và tồn tại hơn 8 thế kỷ như Nhà thờ Đức Bà Paris, việc phục dựng lại lần này có thể được xem như một mốc khôi phục mới nhất trong rất nhiều lần tòa nhà đã được phục dựng và sửa chữa trong lịch sử 850 năm qua của nó.

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã nói rằng, người Pháp sẽ "xây dựng lại cùng nhau", và trong 24h sau khi ngọn lửa bùng cháy, Pháp đã gây quỹ được 670 triệu USD để xây dựng lại nhà thờ. Những khoản đóng góp hào phóng này cho thấy rằng, kinh phí, vốn là phần khó khăn nhất của bất kỳ dự án khôi phục lớn nào, lại không phải là việc đáng lo. Vậy, nếu tài chính được đảm bảo, thì chính xác quá trình xây dựng lại Nhà thờ Đức Bà Paris sẽ được thực hiện như thế nào?

Khi chỉ còn những đống tro tàn trong “chảo” than hồng của nhà thờ Đức Bà Paris, quá trình dọn dẹp, phục hồi công trình vĩ đại này có thể bắt đầu. (Nguồn: Getty Images)

An toàn là trên hết

Như với bất kỳ tòa nhà bị cháy nào, an toàn sẽ là mối quan tâm chính. Cấu trúc chính (và hai tháp chuông) có thể đã được "lưu giữ và bảo tồn", theo các nhà chức trách Pháp, nhưng các phần của nhà thờ vẫn có thể có nguy cơ sụp đổ cục bộ và gây ra các mảnh vỡ. Vì vậy, trước khi phân biệt giữa cái có thể “cứu vãn” và cái không thể phục hồi, cần phải thực hiện các bước ngay lập tức để ngăn ngừa thiệt hại thêm.

Theo nhà sử học kiến ​​trúc Jonathan Foyle, Nhà thờ đã bị ẩm ướt do quá trình cứu hỏa, vì vậy, sẽ cần đến một thứ giống như một mái nhà khổng lồ để che toàn bộ công trình khỏi tác hại của thời tiết. Đó thực sự không phải là một việc dễ dàng.

Bảo vệ tòa nhà

Vì tình hình thực tế, theo kiến ​​trúc sư giàu kinh nghiệm người Anh John Burton, ưu tiên hàng đầu của những người phục chế công trình sẽ là lắp đặt một mái nhà tạm thời trên nóc tòa nhà. Điều này sẽ giúp các chuyên gia thực hiện kiểm tra chi tiết các cấu trúc bên trong tòa nhà.

"Nguyên tắc của cấu trúc Gothic là sự cân bằng", Burton nói. "Tòa nhà đứng vững bởi tất cả các thành phần cấu tạo nên nó được gắn lại với nhau. Các trụ đá trong nhà thờ giờ đây có thể đã bị mất cân bằng” – kiến trúc sư người Anh cho biết.

Sau khi bảo vệ thành công khung của tòa nhà, các đội phục dựng sẽ bắt đầu đánh giá mức độ thiệt hại. Quá trình đó có thể mất nhiều năm, ông nói.

Nhà thờ Đức Bà Paris là nơi lưu giữ các tác phẩm nghệ thuật, kiến trúc, nhạc cụ, tượng, đồ gỗ và di tích tôn giáo vô giá. (Nguồn: AFP)

Cần tới cả “một đội quân” các nhà khảo cổ

Để các nhà chức trách Pháp đưa ra bất kỳ quyết định nào về cách xây dựng lại công trình vĩ đại, họ sẽ cần hiểu rõ hơn về cách người ta xây dựng nhà thờ thời Trung cổ.

"Mái nhà bị sập và công trình trên sẽ tiết lộ các “bí mật” về lịch sử xây dựng của tòa nhà mà có lẽ chúng ta chưa hiểu rõ", Foyle nói. Nhà thờ Đức Bà Paris hầu như không có hồ sơ xây dựng. Chúng tôi biết (công trình đó) bắt đầu được khởi công vào năm 1163 và về cơ bản đã hoàn thành vào khoảng năm 1240, nhưng không có tài liệu nào về quá trình xây dựng tòa nhà.

“Kết cấu vật lý của công trình sẽ cho biết về lịch sử xây dựng, vì vậy, bạn sẽ cần một đội ngũ các nhà khảo cổ học, những người hiểu rõ về kiến trúc thời Trung cổ để đưa ra những nhận định và giải pháp đúng cho việc khôi phục tòa nhà”, Foyle cho biết.

Cùng quan điểm này, Peter Riddington, một kiến ​​trúc sư tại Hiệp hội Donald Install Associates, người đã tham gia việc phục hồi lâu đài Windsor (Anh) sau khi nó bị hư hại bởi hỏa hoạn vào năm 1992, cũng cho rằng, cần ngay lập tức thực hiện việc khảo cổ.

Trong một cuộc phỏng vấn qua điện thoại với CNN, ông nói: "Điều cực kỳ hữu ích đối với chúng tôi (tại Lâu đài Windsor) là có một mảnh vỡ khảo cổ học".

Các nhà khảo cổ học có thể chia nhỏ diện tích công trình và phân công một đội để sàng lọc mọi nơi. Họ sẽ chọn bất cứ mảnh vụn gì có thể hữu ích.

Khi phần "pháp y" kết thúc, Burton cho biết, các ủy ban chuyên môn có thể sẽ được thành lập để đánh giá từng yếu tố - từ kính màu đến mạ vàng. Sau đó, các kiến ​​trúc sư bậc thầy sẽ cùng làm việc với nhau để đưa ra một thiết kế tổng thể. Những người có trách nhiệm sẽ cần phải quyết định những điều cơ bản nhất như, nhà thờ là gì và một khi được khôi phục, nó sẽ trông như thế nào!

Sáng tạo, phá hủy và sửa chữa

Mục tiêu của sự phục hồi không phải lúc nào cũng là tái tạo quá khứ. Lấy ví dụ, gần đây, người ta đã phải bỏ ra 50 triệu Bảng (65 triệu USD) để phục hồi tàu thủy Cutty Sark được sản xuất từ thế kỷ 19 tại Anh sau một vụ cháy kinh hoàng. Người ta đã thêm vào con tàu những cấu trúc kính kiện đại, nhà ở tiện nghi để biến nó thành một điểm thu hút khách du lịch ở London.

Tàu thủy Cutty Sark sau khi được sửa chữa. (Nguồn: Getty Images)

Các nhà chức trách có thể muốn trung thành với cấu trúc nguyên bản của nhà thờ, nhưng có thể nước Pháp sẽ có một hướng đi táo bạo với một trong những di tích quốc gia mang tính biểu tượng nhất.

"Chúng tôi cho rằng, có thể sai, rằng nhà thờ sẽ được phục hồi như trước đây, nhưng đó không phải là cách duy nhất. Trên thực tế, công trình đã từng bị hỏa hoạn trong quá khứ và nó đã được xây dựng lại theo nhiều phong cách khác nhau trong những năm qua" - Riddington nói.

Vào thế kỷ 19, công trình này đã bị cháy, và kiến ​​trúc sư Eugène Viollet-le-Duc đã dũng cảm phá vỡ quá khứ, ông xây dựng ngọn tháp của nhà thờ cao hơn và công phu hơn so với cái đã tồn tại trước đó.

Sự phục hồi đó cũng dẫn đến những thay đổi quan trọng khác đối với mặt tiền và nội thất của nhà thờ. "Nhà thờ Đức Bà Paris không phải là một tòa nhà đã bị “hóa thạch” trong 850 năm qua” - Foyle nói.

Đây có thể là cơ hội để người Pháp thực hiện một cuộc cải cách lớn đối với công trình vĩ đại. Đây có thể là một nỗi đau nhưng cũng có thể là cơ hội để chúng ta tạo ra, phá hủy và sửa chữa công trình theo chu kỳ. Hãy coi đây là một tập phim khác của Nhà thờ Đức Bà Paris" - Foyle nhận định.

Burton nói thêm, điều quan trọng là phải thừa nhận những gì đã xảy ra, "Chúng tôi không muốn xây dựng một bản sao của Notre Dame để nó trông giống như 800 năm trước. Chúng tôi muốn tôn trọng thực tế nó đã ở trong một đám cháy và để lại dấu vết của điều đó - đó là một phần của lịch sử của tòa nhà" - Burton nhận định.

Cơ hội đào tạo thợ thủ công lành nghề

Nhiều lao động lành nghề và thợ thủ công bao gồm thợ xây, thợ mộc, thợ nối và thợ chạm khắc sẽ phải được tuyển dụng để làm việc trong dự án quy mô lớn này.

John David, một thợ xây bậc thầy với hơn 45 năm kinh nghiệm, người đã tham gia rất nhiều vào việc phục hồi York Minster, nhà thờ lớn nhất ở Anh, một trong những “viên đá quý gothic” lớn nhất ở châu Âu, đã bị hư hại nặng nề trong trận hỏa hoạn năm 1984 cho rằng: "Điều mà tôi đã nghe nhiều lần hôm nay là mọi người nói rằng ‘chúng ta không thể làm điều này nữa, chúng ta đã không có những người thợ thủ công để làm điều đó’. Nhưng chúng tôi có. Chúng tôi có rất nhiều, và chúng tôi có rất nhiều người có thể đào tạo người khác".

Ông cũng nhìn thấy một cơ hội cho Pháp để ngay lúc này cần phải đào tạo thế hệ những công nhân lành nghề. John David cũng nhận định rằng, việc phục hồi có lẽ sẽ mất từ 10 đến 12 năm.

"Đây là cơ hội để Pháp đào tạo những người thợ thủ công không chỉ cho nhà thờ Đức Bà mà còn cho các công trình vĩ đại khác của đất nước. Rõ ràng, đây không phải là lần (hỏa hoạn) cuối cùng” - David nhấn mạnh.

(theo CNN)