📞

Khơi thông “dòng chảy” vốn vay ODA

Minh Hoà 09:00 | 21/09/2019
TGVN. Để khơi thông “dòng chảy” vốn vay ODA và vay ưu đãi nước ngoài cần có giải pháp hoàn thiện cơ chế chính sách khắc phục những điểm nghẽn.
Đường cao tốc Hà Nội - Lào Cai là một trong nhiều công trình dự án trọng điểm quốc gia đã sử dụng vốn ODA và vốn vay ưu đãi hiệu quả. (Nguồn: Sapaexpress)

Số liệu công bố tại Hội nghị trực tuyến về tiến độ giải ngân vốn ODA cho thấy, kế hoạch vốn đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020, vốn vay ODA và vay ưu đãi nước ngoài điều chỉnh theo Nghị quyết Quốc hội là 360.000 tỷ đồng.

Tính đến hết năm 2019, tổng số đã giao trong dự toán ngân sách nhà nước năm 2016-2019 là 244.300 tỷ đồng (còn 115.700 tỷ đồng), bằng 67,9% kế hoạch điều chỉnh. Số đã giải ngân lũy kế từ 2016 đến tháng 5/2019 là 133.042 tỷ đồng, bằng 54,5% kế hoạch đã giao và bằng 36,96% kế hoạch trung hạn điều chỉnh giai đoạn 2016-2020.

Đặc biệt, giải ngân 5 tháng đầu năm 2019 mới chỉ đạt 2,7% kế hoạch vốn năm 2019 được Quốc hội phê duyệt. Trong đó, ngành giao thông vận tải dù chiếm tỷ trọng vốn lớn và cũng có tốc độ giải ngân cao, nhưng tính đến hết tháng 8/2019 cũng chỉ đạt 27,6% kế hoạch được giao.

Khó hoàn thành kế hoạch

Các con số trên cho thấy, giải ngân nguồn vốn ODA và vay ưu đãi từ năm 2016 đến nay đều không đạt dự toán. Trước hết, tình trạng này làm phát sinh các chi phí, ngoài việc Chính phủ phải trả phí cam kết cao hơn, việc giải ngân vốn đầu tư công chậm trễ có thể dẫn tới tranh chấp hợp đồng với nhà thầu, ảnh hưởng đến uy tín của Việt Nam.

Ở bình diện chung, những công trình sử dụng vốn đầu tư công chậm được triển khai hoặc phải giãn tiến độ đã và đang gây ảnh hưởng tiêu cực tới đời sống kinh tế - xã hội.

Nguyên nhân của việc chậm trễ trong giải ngân vốn đầu tư công đến từ nhiều phía. Chẳng hạn, trong lĩnh vực cơ sở hạ tầng, theo bà Trần Thị Thanh Thúy, Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch - Đầu tư, Bộ Giao thông Vận tải, có 3 nguyên nhân chính dẫn tới việc giải ngân chưa đạt kế hoạch đề ra.

Thứ nhất là cơ chế chính sách. Các dự án ODA vừa phải tuân thủ các trình tự, thủ tục theo quy định của nhà tài trợ, vừa phải thực hiện theo các quy định của Việt Nam về đầu tư, xây dựng, đấu thầu, chính sách giải phóng mặt bằng, đánh giá tác động môi trường... dẫn đến mất nhiều thời gian để dự án được phê duyệt và triển khai thực hiện. Mặt khác, thủ tục sử dụng vốn dư ODA được thực hiện như một dự án mới do đó cũng đòi hỏi về mặt thời gian.

Thứ hai là việc giao kế hoạch đầu tư công. Do đây là lần đầu thực hiện kế hoạch đầu tư công trung hạn (kế hoạch vốn đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020- PV) nên còn nhiều lúng túng, vướng mắc trong quá trình triển khai. Đến giữa năm 2017, các dự án ODA mới được giao kế hoạch trung hạn giai đoạn 2016-2020 làm ảnh hưởng tới tiến độ thực hiện, giải ngân của các dự án. Hơn nữa. việc giao kế hoạch nhiều đợt trong năm, đặc biệt thời điểm giao hoặc bổ sung kế hoạch vốn năm muộn dẫn tới nhiều dự án không còn nhiều thời gian để thực hiện, nên không thể giải ngân hết kế hoạch được giao.

Thứ ba là công tác quản lý triển khai thực hiện dự án bị vướng mắc về thủ tục, chậm trễ trong các khâu thanh quyết toán các dự án đã hoàn thành, điều chỉnh dự án, triển khai đấu thầu và đặc biệt là vướng trong công tác giải phóng mặt bằng.

Cần hoàn thiện cơ chế chính sách

Tại Hội nghị trực tuyến về tiến độ giải ngân vốn ODA mới đây, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng nhận định, việc thúc đẩy tiến độ giải ngân của các dự án không thể thực hiện được nếu không có sự chung tay, góp sức của các dự án, các cơ quan chủ quản, các Bộ, ngành quản lý như Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng như các nhà tài trợ. Trong đó, để đẩy nhanh tốc độ giải ngân vốn ODA và vốn vay ưu đãi nước ngoài, cần phải tiếp tục hoàn thiện cơ chế chính sách đồng bộ.

Đặc biệt, khi Quốc hội đã thông qua Luật Đầu tư công mới, cần khẩn trương xây dựng Nghị định mới về quản lý vốn ODA và vay ưu đãi theo hướng thông thoáng hơn; cần đơn giản hóa quy trình bổ sung kế hoạch vốn hàng năm; đơn giản hóa cơ chế điều chỉnh, điều chuyển kế hoạch vốn cũng như cơ chế hạch toán và chuyển nguồn đối với vốn vay ODA, vay ưu đãi.

Các Bộ, ngành, địa phương, các ban quản lý dự án cần phối hợp chặt chẽ với Bộ Tài chính, Kho bạc Nhà nước, các nhà tài trợ trong giải ngân rút vốn; tiếp tục phối hợp với Bộ Tài chính trong thẩm định các chương trình, dự án, trong đó có chương trình, dự án của ngân sách địa phương; phối hợp chặt chẽ trong đàm phán ký kết các hiệp định vay cũng như các thủ tục điều chỉnh; thúc đẩy thực hiện dự án, không để kéo dài thời hạn giải ngân rút vốn như hầu hết các hiệp định hiện nay.

Đối với lĩnh vực xây dựng cơ sở hạ tầng, để đẩy mạnh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, Bộ Giao thông Vận tải đã đề xuất một số giải pháp, theo đó, về cơ chế chính sách, cần tiếp tục rà soát báo cáo cấp có thẩm quyền hoàn thiện thể chế, chính sách về thu hút, quản lý và sử dụng nguồn vốn ODA và vốn vay ưu đãi; đẩy mạnh hài hòa quy trình, thủ tục giữa Việt Nam và nhà tài trợ; điều chỉnh một số quy định về trình tự, thủ tục theo hướng tăng cường phân cấp, giảm bớt thủ tục trong các nghị định hướng dẫn Luật Đầu tư công (sửa đổi) đối với việc sử dụng nguồn vốn ODA.

Về giao kế hoạch đầu tư công, cần sớm giao kế hoạch ngay từ đầu năm, đầu nhiệm kỳ để đảm bảo có đủ thời gian cho các Bộ, ngành triển khai thực hiện và giải ngân hết kế hoạch vốn được giao.

Về công tác chỉ đạo thực hiện và giải ngân kế hoạch vốn, cần tập trung chỉ đạo quyết liệt các chủ đầu tư/ ban quản lý dự án trong việc đẩy nhanh các thủ tục đầu tư các dự án ODA đã được bố trí vốn; tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, các vấn đề kỹ thuật phát sinh trong quá trình thực hiện; các thủ tục liên quan đến công tác thanh quyết toán dự án...