Ngày 6/10/2024 là cột mốc quan trọng đối với Nhật Bản, đánh dấu 70 năm kể từ khi nước này bắt đầu chương trình Hỗ trợ Phát triển chính thức (ODA) vào năm 1954.
70 năm qua, trong vai trò một đối tác lớn toàn cầu, Nhật Bản đã mở rộng các chương trình hợp tác đến 190 quốc gia và khu vực, đóng góp vào sự phát triển kinh tế, xã hội cũng như hòa bình và thịnh vượng của cộng đồng toàn thế giới. Những nỗ lực hợp tác quốc tế của Nhật Bản được khởi động với mục đích xây dựng lại niềm tin trong cộng đồng quốc tế, song song với nghĩa vụ bồi thường sau chiến tranh cho các quốc gia châu Á.
Bắt đầu từ việc cung cấp chương trình đào tạo kỹ thuật cho các nước châu Á và sau đó là mở rộng các chương trình hợp tác, Nhật Bản đã trở thành một trong những đối tác phát triển song phương hàng đầu trên thế giới.
Cầu Nhật Tân được xây dựng bằng nguồn vốn ODA Nhật Bản. (Nguồn: JICA) |
Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) là đơn vị chịu trách nhiệm quản lý vốn ODA của chính phủ Nhật Bản, cung cấp nhiều chương trình hợp tác đa dạng, trong đó có hợp tác tài chính và đầu tư, hợp tác kỹ thuật cũng như các dịch vụ khác như viện trợ khẩn cấp và phái cử tình nguyện viên.
Phối hợp với sáng kiến trong nước của các quốc gia tiếp nhận, các chương trình hợp tác của JICA, như phát triển cơ sở hạ tầng và nguồn nhân lực đã đặt nền tảng vững chắc cho sự phát triển của những quốc gia này.
Ví dụ, tại Thái Lan, các hiệp định vay bằng đồng Yen và hợp tác kỹ thuật do Nhật Bản cung cấp trong những năm 1980 đã góp phần hỗ trợ khu vực bờ biển phía Đông phát triển, thu hút đầu tư vào ngành công nghiệp ô tô Thái Lan, từ đó thúc đẩy sản xuất và thương mại trong toàn khu vực.
Một ví dụ nổi bật khác là tại các quốc gia châu Phi, hoạt động hợp tác nông nghiệp của JICA đã giúp nâng gấp đôi sản lượng gạo và tăng cường an ninh lương thực của khu vực.
Tại Việt Nam, JICA đã hỗ trợ phát triển Cảng hàng không quốc tế Nội Bài là cửa ngõ của đất nước, cùng cầu Nhật Tân và tuyến đường nối hai công trình này, giúp Việt Nam nâng cao năng lực cạnh tranh.
Nguyên tắc cơ bản của JICA là tôn trọng quyền tự chủ và khả năng tự lực của quốc gia đối tác, đồng thời nhấn mạnh các cam kết kiên định với tầm nhìn dài hạn.
JICA coi trọng giá trị của quan hệ tương tác giữa con người với con người, kết hợp thế mạnh của các bên thông qua đối thoại thay vì chuyển giao công nghệ và kiến thức một chiều. Cách tiếp cận này cho phép chúng tôi cung cấp các giải pháp phù hợp với bối cảnh địa phương và bồi dưỡng được nguồn nhân lực cần thiết cho sự phát triển bền vững của quốc gia sở tại, đồng thời làm sâu sắc thêm sự hiểu biết và tin cậy lẫn nhau, từ đó củng cố quan hệ song phương giữa các nước đối tác của JICA và Nhật Bản.
Trước nỗ lực to lớn của cộng đồng quốc tế, nhiều thách thức toàn cầu vẫn chưa được giải quyết. Không chỉ vậy, những vấn đề như biến đổi khí hậu, xung đột vũ trang, đại dịch, thiên tai, khủng hoảng kinh tế và các mối đe dọa khác đang ngày càng phức tạp và liên quan mật thiết với nhau hơn, dẫn đến các cuộc khủng hoảng kép.
Một báo cáo của Liên Hợp Quốc cảnh báo rằng, chỉ có 17% các mục tiêu Phát triển bền vững (SDG) đang triển khai đúng tiến độ, trong khi chỉ còn 6 năm nữa là tới năm mục tiêu 2030. Hơn bao giờ hết, cộng đồng quốc tế cần nỗ lực và hợp tác chặt chẽ hơn nữa để vượt qua những cuộc khủng hoảng kép này.
Nhằm ứng phó với bối cảnh toàn cầu đang thay đổi, tháng 6/2023, chính phủ Nhật Bản đã sửa đổi Điều lệ Hợp tác phát triển làm cơ sở để tiến hành các hoạt động hợp tác phát triển theo cách hiệu quả và có chiến lược hơn. Theo bản điều lệ sửa đổi, an ninh con người được coi là nguyên tắc chủ đạo, là nền tảng trong mọi hoạt động hợp tác phát triển của Nhật Bản.
An ninh con người là trạng thái mà con người, với tư cách là các cá nhân, không còn sợ hãi, thiếu thốn và sống cuộc sống đầy đủ phẩm giá. Trong những cuộc khủng hoảng kép hiện nay, an ninh con người của rất nhiều cá nhân bị đe dọa; đặc biệt, các đối tượng dễ bị tổn thương ở các nước đang phát triển là những người chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất.
Trong hơn 30 năm thực hiên tại Việt Nam, Nhật Bản luôn là nhà tài trợ ODA song phương lớn nhất. Đồng thời trong hơn 100 quốc gia nhận viện trợ ODA của Nhật Bản trên toàn cầu, Việt Nam là một trong các quốc gia có hợp tác lớn nhất và toàn diện nhất với đủ các hình thức hợp tác như viện trợ không hoàn lại (GA), vốn vay (Yen loan), hợp tác kỹ thuật (TC), chương trình đề xuất từ các doanh nghiệp Nhật Bản (JEPP), chương trình đối tác phát triển (JPP), chương trình cử tình nguyện viên và chương trình đầu tư ra nước ngoài. |
Bên cạnh nguyên tắc trên, trong vai trò cơ quan hợp tác phát triển của Nhật Bản, JICA còn Kết nối thế giới bằng lòng tin cam kết đảm bảo an ninh con người thông qua các nỗ lực giảm nghèo dựa trên tăng trưởng chất lượng.
Để đạt được những mục tiêu trên, JICA đang điều chỉnh chương trình hợp tác của mình để thu hút các bên tham gia đa dạng và hỗ trợ hoạt động hợp tác trong các nỗ lực phát triển. Nhiều vấn đề lớn về phát triển vẫn chưa được giải quyết, trong đó một số không nhỏ còn chưa có giải pháp rõ ràng.
Tính phức tạp của các thách thức phát triển đòi hỏi những giải pháp sáng tạo, hình thành từ sự hợp tác giữa khu vực công, khu vực tư nhân, giới nghiên cứu và các bên liên quan khác. Ngoài ra, vai trò dẫn dắt các quá trình chuyển đổi toàn cầu không phải là trách nhiệm riêng của các nước phát triển. Trên thực tế, nhiều nước đang phát triển đã đạt những thành tựu tăng trưởng kinh tế quan trọng và nhiều công ty khởi nghiệp từ các nước đang phát triển đã thâm nhập thị trường toàn cầu.
Trong tình hình đó, một trong những chìa khóa quan trọng để đẩy nhanh nỗ lực giải quyết các vấn đề phát triển là sử dụng ODA làm chất xúc tác cho quan hệ hợp tác, từ đó phát huy, tận dụng được trí tuệ và công nghệ của những lĩnh vực đa dạng này. ODA được kỳ vọng sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc hiện thực hóa và thúc đẩy quan hệ đồng sáng tạo đó.
Xây dựng quan hệ tương hỗ thông qua đối thoại liên tục với các quốc gia đối tác để hình thành giải pháp là truyền thống lâu bền trong hoạt động hợp tác của Nhật Bản, và trên cơ sở phát huy truyền thống đó, JICA luôn sẵn sàng thúc đẩy đồng sáng tạo.
Tầm nhìn của JICA là “Kết nối thế giới bằng lòng tin”. Hoạt động hợp tác phát triển của chúng tôi đã và đang tập trung vào an ninh con người, quan hệ đối tác bình đẳng và năng lực tự chủ của các nước đang phát triển.
Chúng tôi cam kết tiếp tục hợp tác với các nước đang phát triển cũng như đối tác phát triển có cùng chí hướng. Trong thế giới đầy biến động hiện nay, chúng ta cần duy trì các giá trị mà mỗi bên coi là thiết yếu, đồng thời cùng nhau xây dựng phương hướng mới để ứng phó với các thách thức mới dựa trên sự tin cậy mà Nhật Bản đã không ngừng xây dựng trong những năm qua.
| Thủ tướng Chính phủ chủ trì họp bàn Dự án đường sắt tốc độ cao Bắc-Nam và đường sắt kết nối với Trung Quốc Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh, dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc-Nam và các dự án đường sắt ... |
| Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang tiếp Đại sứ Nhật Bản tại Việt Nam Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang đề nghị Việt Nam và Nhật Bản sớm ký kết thỏa thuận về ODA thế hệ mới với nhiều ... |
| Tân Đại sứ Nhật Bản quyết tâm dành mọi sức lực để cụ thể hóa ý chí cấp cao Nhật-Việt Trong gần 2 giờ trò chuyện cùng phóng viên báo chí ngày 28/6, tân Đại sứ Nhật Bản tại Việt Nam Ito Naoki đã chia ... |
| Campuchia phê duyệt 23 dự án điện có vốn đầu tư 'khủng', tuyên bố đảm bảo đủ nhu cầu với giá phù hợp Các dự án năng lượng vừa phê duyệt giúp Campuchia đảm cung cấp đủ nguồn điện cho nhu cầu sử dụng điện năng ngày một ... |
| Dự báo thời tiết 10 ngày tới (5-14/10): Bắc Bộ nắng hanh kéo dài, sáng sớm sương mù, vùng núi trời rét; Trung Bộ, Tây Nguyên và Nam Bộ cục bộ mưa to Dự báo thời tiết 10 ngày tới (5-14/10) từ Trung tâm Dự báo khí tượng và thủy văn quốc gia. |