📞

Không chỉ Nga, bốn nước này cũng đang 'nhập cuộc' phi USD hóa; thời của Nhân dân tệ đã tới?

Linh Chi 08:33 | 10/05/2023
USD là đồng tiền dự trữ của thế giới kể từ sau Thế chiến II, đóng vai trò quan trọng trong thương mại toàn cầu. Tuy nhiên, hiện có nhiều quốc gia đang lựa chọn đồng tiền dự phòng, sau khi Mỹ và đồng minh đưa ra các biện pháp trừng phạt Nga vì chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine.
Đồng USD bị nhiều nước 'xa lánh' và NDT đang là một lựa chọn thay thế hàng đầu. (Nguồn: Reuters)

Trong khi đó, đồng Nhân dân tệ (NDT) của Trung Quốc đang nắm bắt cơ hội và gia tăng sự hiện diện tại nhiều quốc gia.

Theo một báo cáo nghiên cứu của Bloomberg Intelligence, tháng 3/2023, lần đầu tiên NDT vượt qua USD trở thành đồng tiền được nền kinh tế lớn thứ hai thế giới dùng nhiều nhất trong giao dịch xuyên biên giới. Cụ thể, tỷ lệ sử dụng NDT trong giao dịch xuyên biên giới của Trung Quốc đã tăng lên mức kỷ lục 48% trong tháng 3, từ mức gần 0% vào năm 2010.

Tháng 4/2023, trả lời phỏng vấn của CNN, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen thừa nhận, có một rủi ro khi nền kinh tế lớn nhất thế giới sử dụng các biện pháp trừng phạt tài chính liên quan đến vai trò của đồng USD. Theo thời gian, các biện pháp này có thể làm suy yếu quyền "bá chủ" của đồng bạc xanh.

Dưới đây là 5 quốc gia đã chuyển sang sử dụng đồng NDT trong thương mại và các giao dịch khác.

1. Nga

Nga, vốn đang phải đối mặt với các lệnh trừng phạt sâu rộng của phương Tây vì xung đột với Ukraine, là quốc gia đi đầu trong việc sử dụng đồng NDT của Trung Quốc cho các giao dịch.

Nền kinh tế Nga đã bị ảnh hưởng nặng nề bởi các lệnh trừng phạt khi một số ngân hàng nước này bị cấm sử dụng hệ thống tin nhắn thanh toán tài chính toàn cầu SWIFT. Bên cạnh đó, một nửa trong số 640 tỷ USD dự trữ ngoại tệ của Nga đã bị đóng băng do các hạn chế thương mại.

Tất cả những vấn đề trên đã buộc Moscow phải tìm kiếm các loại tiền tệ thay thế để sử dụng trong các giao dịch thương mại quốc tế.

Ngày 10/4, Ngân hàng Trung ương Nga cho biết, đồng NDT là một "ứng cử viên" hàng đầu. Số liệu tổng hợp của Bloomberg từ báo cáo hằng ngày trên Sàn giao dịch Moscow cho thấy, lần đầu tiên trong tháng 2/2023, khối lượng giao dịch đồng NDT trong nền kinh tế Nga đã vượt qua USD.

Trên thị trường ngoại hối của Nga, giao dịch đồng Ruble-NDT chiếm 39% tổng khối lượng, vượt xa tỷ lệ 34% trong giao dịch của đồng Ruble-USD.

Nội tệ Trung Quốc đã trở nên phổ biến đến mức có khả năng trở thành lựa chọn tiền tệ hàng đầu của Nga khi nước này bổ sung nguồn ngoại hối.

Bloomberg Economics cho hay, Moscow khả năng mua lượng NDT trị giá khoảng 200 triệu USD mỗi tháng.

NDT là một trong số ít các loại tiền tệ chính mà Nga có thể tiếp cận sau khi các biện pháp trừng phạt của phương Tây đã cắt nước này khỏi hệ thống tài chính thế giới.

2. Brazil

Tổng thống Brazil Luiz Inacio Lula da Silva là một trong những người ủng hộ mạnh mẽ việc thiết lập các loại tiền tệ thanh toán thương mại thay thế USD. Ngân hàng Trung ương của Brazil đã chọn đồng nội tệ Trung Quốc.

Theo ngân hàng trên, vào cuối năm 2022, NDT đã vượt qua đồng Euro để trở thành đồng tiền chiếm ưu thế thứ hai trong dự trữ ngoại hối của Brazil, sau USD.

Tháng 3/2023, Ngân hàng Banco BOCOM BBM tại quốc gia Nam Mỹ - thuộc sở hữu của ngân hàng BOCOM Trung Quốc - đã ký một thỏa thuận với quốc gia châu Á, cho phép giao dịch trực tiếp bằng đồng Real và NDT, thay vì sử dụng USD làm tiền tệ mặc định.

Cơ quan Xúc tiến đầu tư và thương mại Brazil cho biết: "Bước đi trên được thực hiện với kỳ vọng làm giảm chi phí giao dịch thương mại giữa hai bên".

Tổng thống Lula da Silva cũng đã kêu gọi các quốc gia thuộc BRICS thiết lập một đồng tiền chung cho các giao dịch.

Theo Financial Times, ông nói trong chuyến thăm cấp nhà nước tới Trung Quốc vào tháng 4/2023 rằng: "Tại sao chúng ta không thể giao dịch dựa trên đồng tiền của chính mình?".

Nhiều quốc gia đang đẩy nhanh tiến trình phi USD hóa. (Nguồn: Getty Images)

Tháng 4/2023, Bangladesh đã đồng ý trả cho Nga số tiền tương đương 318 triệu USD bằng NDT để xây dựng một nhà máy hạt nhân.

Hai nước đã rơi vào bế tắc trong một năm khi giải quyết vấn đề thanh toán do Bangladesh không thể trả tiền cho Nga bằng đồng USD.

Rosatom, công ty năng lượng hạt nhân của Nga đang xây dựng nhà máy ở Bangladesh đã yêu cầu nước này thanh toán bằng đồng Ruble.

Tuy nhiên, hai nước cuối cùng đã đồng ý giải quyết các khoản thanh toán bằng NDT và ủy quyền cho một số ngân hàng Bangladesh giấu tên giải quyết.

Ông Ahsan Mansur, Giám đốc điều hành của Viện Nghiên cứu chính sách ở Bangladesh cho hay, quốc gia Nam Á này phải hành động vì lợi ích quốc gia của chính mình và đưa ra quyết định thực tế cho an ninh năng lượng.

4. Argentina

Ngày 26/4, Argentina tuyên bố sẽ bắt đầu thanh toán hàng nhập khẩu từ Trung Quốc bằng đồng NDT thay vì USD.

Giới quan sát đánh giá, đây là động thái mới nhất của Argentina nhằm duy trì nguồn dự trữ USD trong bối cảnh nước này đang chật vật đối phó với cuộc khủng hoảng tài chính - xã hội nghiêm trọng với mức lạm phát lên đến 102% trong tháng 3/2023.

Argentina đã thanh toán lượng hàng nhập khẩu từ Trung Quốc trị giá 1,04 tỷ USD bằng đồng NDT trong tháng 4 vừa qua. Dự kiến, quốc gia Nam Mỹ cũng sẽ thanh toán khoản tiền tương ứng 790 triệu USD kể từ tháng 5.

Iran đã thảo luận về việc sử dụng nội tệ Trung Quốc để trao đổi thương mại từ năm 2010. Sau đó vào năm 2012, Bắc Kinh bắt đầu mua dầu thô từ Iran bằng đồng NDT.

Trong khi các biện pháp trừng phạt quốc tế đối với Tehran đã được dỡ bỏ vào năm 2016, sau khi quốc gia Hồi giáo và một số cường quốc thế giới đạt được thỏa thuận nhằm hạn chế khả năng phát triển vũ khí hạt nhân của nước này, thì tình trạng hòa hoãn đã không kéo dài.

Năm 2018, Washington tái áp đặt các lệnh trừng phạt đối với Tehran sau quyết định đơn phương của cựu Tổng thống Donald Trump rút Mỹ khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran.

Giống như Nga, các ngân hàng Iran đã bị cấm sử dụng SWIFT từ năm 2018, khiến Tehran phải tìm kiếm một hệ thống thanh toán thay thế.

Vào tháng 2/2023, Iran và Trung Quốc đã thảo luận về việc tăng cường sử dụng NDT và đồng Rial trong thương mại song phương.

Ngoài ra, Iran cũng đã liên kết với hệ thống thanh toán của Nga.

Ông Mohammadreza Farzin, Thống đốc Ngân hàng Trung ương Iran cho biết: "Kênh tài chính giữa Iran và thế giới đang được khôi phục".

(theo Insider)