📞

Không chủ quan với trời nồm

12:41 | 02/03/2009
Trong những ngày gần đây, thời tiết nồm ở miền Bắc đã khiến con số trẻ em phải nhập viện do viêm đường hô hấp và lây bệnh do virus tăng cao. Đây không phải là kiểu khí hậu lạ lẫm đối với người dân miền Bắc nhưng do không chủ động phòng bệnh nên rất nhiều người bị nhiễm bệnh.
Khi thấy sức khỏe của trẻ xấu đi, nên sớm đưa trẻ đến khám bệnh tại các cơ sở y tế.

Ủ và phát bệnh

 

Hiện tượng nồm thường xuất hiện vào cá tháng 2, 3, 4 và thường chỉ ở các tỉnh ven biển, đồng bằng Bắc Bộ. Đây là dạng thời tiết không mấy dễ chịu và trẻ em là đối tượng dễ bị nhiễm bệnh nhất khi mà độ ẩm tăng cao và các bệnh lây truyền có cơ hội tốt để ủ bệnh và phát triển.

 

Độ ẩm cao khiến cho sự lưu thông không khí trong môi trường không tốt, các bệnh lây qua đường không khí như bệnh về hô hấp, cúm, bệnh do virus... có cơ hội phát triển mạnh. Trẻ em thường mắc các bệnh viêm mũi, họng, phế quản, viêm đường hô hấp trên, viêm tiểu phế quản, viêm phổi kéo dài… Những trẻ có sức khỏe yếu và sức đề kháng thấp thường dễ bị biến chứng nặng như viêm phổi, bội nhiễm, viêm ruột, viêm não...

 

Với nhiều trẻ, trong thời gian trời nồm vẫn khỏe mạnh nhưng trẻ có thể đang ủ bệnh và sẽ phát bệnh ngay sau đó. Những nơi tập trung đông trẻ em như trường học, nhà trẻ… chính là nơi thuận lợi cho các bệnh lây truyền lan rộng. Người lớn sức khỏe yếu cũng dễ bị lây bệnh từ trẻ nhỏ.

 

Phòng bệnh cho trẻ

 

Với thời tiết này, nếu bố mẹ mặc quá ấm cho trẻ có thể dẫn đến hiện tượng đổ nhiều mồ hôi và thấm ngược. Ngược lại, nếu trẻ mặc quá phong phanh mà đi ra ngoài trời, đi gió cũng dễ nhiễm lạnh. Vì thế, các bậc phụ huynh cần chú ý theo dõi thân nhiệt của con, nếu thấy bé toát mồ hôi cần cởi bớt áo, thấm khô lưng tránh bị lạnh, dễ viêm phổi.

 

Cảm cúm thường làm giảm sức đề kháng của trẻ nên khiến các cháu dễ mắc thêm các bệnh khác, nhất là viêm phổi, hen... Vì vậy, khi trong nhà có người lớn bị cảm cúm thì nên hạn chế tiếp xúc với trẻ nhỏ. Với những phụ nữ đang trong thời kỳ cho con bú thì nên sử dụng khẩu trang khi cho trẻ bú sữa để hạn chế truyền virus cúm sang con.

 

Khi thấy trẻ có biểu hiện mệt mỏi, chán ăn, nóng lạnh bất thường, các phụ huynh không nên cho trẻ đến lớp mà nên theo dõi tại nhà. Điều này sẽ tránh cho trẻ không lây bệnh và bị lây bệnh từ bạn học. Khi thấy sức khỏe của trẻ xấu đi, nên sớm đưa trẻ đến khám bệnh tại các cơ sở y tế. Ngoài ra, cần tăng cường bồi bổ cho trẻ bằng nguồn thức ăn phong phú, nhiều rau xanh, bổ sung các vitamin tăng cường sức đề kháng, nhất là vitamin C.

 

Vệ sinh môi trường sống

 

Khi trời nồm, dù giặt bằng máy, quần áo đã được sấy gần khô nhưng phơi vài ngày vẫn có cảm giác ẩm ướt. Vì thế, bạn nên là khô quần áo cho cả gia đình trước khi mặc bởi mặc quần áo ẩm là nguyên nhân gây ra các bệnh ngoài da như nấm, lang ben… Những nốt muỗi đốt gây mẩn ngứa cũng có thể bị nhiễm trùng nếu mặc quần áo ẩm.

 

Khi tiết trời nồm, độ ẩm cao chính là môi trường thuận lợi để muỗi sinh sôi. Muỗi xuất hiện ở mọi nơi không chỉ gây khó chịu đối với con người mà nó còn là tác nhân truyền bệnh. Các điều tra dịch tễ học cho thấy, vi khuẩn, virus gây bệnh có thể tồn tại và giữ nguyên độc tính trong điều kiện lạnh ẩm. Vi khuẩn liên cầu tan máu tồn tại và giữ độc tính trong bụi được 10 tuần, phế cầu khuẩn sống được trong khoảng từ 55-140 ngày trong đờm khô. Chính hơi nước và protid ở những hạt bụi ẩm đã giúp cho các vi sinh vật gây bệnh có thể tồn tại lâu dài và gây bệnh.

 

Nhà cửa có nhiều bụi bẩn hoặc có người hút thuốc chính là một phần nguyên nhân khiến trẻ mắc bệnh trong những ngày trời nồm. Để chủ động phòng bệnh, trước và trong giai đoạn thời tiết chuyển mùa, các phụ huynh nên cho trẻ đi tiêm phòng đầy đủ các loại vắc-xin phòng bệnh để tăng miễn dịch.

 

Linh Đan