Thưa bà, có ý kiến cho rằng quy trình đào tạo tiến sĩ ở nước ta giống như một “lò ấp”. Bà nhận định như thế nào về ý kiến này?
Tại sao lại có sự so sánh giữa việc “đào tạo tiến sĩ” với “lò ấp”? Có lẽ do một số người nhìn vào chất lượng đào tạo tiến sĩ và cách thức đào tạo hiện nay ở một số ngành, một số cơ sở còn tồn tại nhiều vấn đề. Tiêu biểu như kiểu "đến hẹn lại lên" sau một quy trình đào tạo, nhiều nghiên cứu sinh cũng trở thành tiến sĩ mặc dù chưa có sự thay đổi nhiều về “chất”, đặc biệt là năng lực nghiên cứu khoa học.
Thực tế, ở nhiều ngành, nhiều cơ sở đào tạo, họ vẫn rất coi trọng chất lượng. Sản phẩm của những cơ sở này không hề thua kém quốc tế. Nhưng thực trạng hiện nay vẫn có một số cơ sở dễ dãi trong đào tạo, chất lượng không đồng đều. Có lẽ, vấn đề nằm ở đòi hỏi công tác quản lý, giám sát, đảm bảo chất lượng minh bạch và một môi trường học thuật để nghiên cứu khoa học và đào tạo tiến sĩ có cơ hội phát triển.
Vậy giải pháp có phải là tăng chất lượng đào tạo thay vì giảm số lượng?
Chúng ta hãy nên quan tâm đến chất lượng và làm thế nào để đảm bảo chất lượng. Ở đây không chỉ là chất lượng "đầu ra" của một tiến sĩ mà còn là môi trường để người có học vị tiến sĩ tiếp tục được làm việc, phát triển sau khi tốt nghiệp. Quá trình học nghiên cứu sinh chỉ là sự bắt đầu của việc học tập để nghiên cứu chuyên sâu.
Nhiều người học xong tiến sĩ, sau đó trong quá trình công tác, do không có cơ hội phát huy nên bằng tiến sĩ của họ trở thành... “giấy”. Điều này cho thấy, một mặt những tiến sĩ này đã không có được sự chủ động trong nghiên cứu – một phẩm chất cần có của một người nghiên cứu khoa học. Mặt khác, họ còn chịu tác động của những rào cản từ môi trường làm việc.
Tất nhiên, còn phải kể đến một số trường hợp, có học vị tiến sĩ nhưng lại không làm trong lĩnh vực giảng dạy, nghiên cứu. Điều đáng nói, con số này không hề nhỏ ở nước ta.
PGS. TS. Chu Cẩm Thơ. (Ảnh: NVCC) |
Vậy so với các nước trên thế giới và trong khu vực, số lượng tiến sĩ của Việt Nam là nhiều hay ít?
Tôi không có đủ số liệu để tiến hành so sánh về số lượng tiến sĩ của Việt Nam so với các nước trên thế giới và khu vực, nhưng nhìn vào những con số mới được Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố, chúng ta cũng có thể để rút ra vài điều. Chẳng hạn, số lượng giảng viên đại học ở Việt Nam là 72.792 người, trong đó 16.514 tiến sĩ (chiếm hơn 22%). Trong khi, quy định rằng số giảng viên cơ hữu có trình độ tiến sĩ ở một trường đại học phải từ 40% trở lên. Nếu tính tỉ lệ giảng viên có trình độ tiến sĩ so với số lượng sinh viên 1,76 triệu (chưa đến 1%) thì chúng ta sẽ rất lo lắng cho chất lượng đào tạo đại học.
Nếu tiếp cận ở thành tựu khoa học, có thể thấy rằng, với số lượng tiến sĩ như hiện nay, chúng ta đáng lẽ phải có chất lượng nghiên cứu khoa học, công bố khoa học tốt hơn. Tuy nhiên, cá nhân tôi thấy rằng phải coi trọng hơn nữa việc xem xét cải thiện môi trường làm việc của các tiến sĩ để tạo ra chất lượng đào tạo và nghiên cứu.
Thời gian qua, dư luận có xôn xao về sai phạm trong việc phân công đội ngũ hướng dẫn nghiên cứu sinh vượt quá quy định nhiều lần. Theo PGS, điều này sẽ ảnh hưởng thế nào đến chất lượng của các luận án?
Trong đào tạo nghiên cứu sinh, việc quy định số nghiên cứu sinh được giao cho một thầy hướng dẫn (tùy vào học hàm, học vị, chẳng hạn nhiều cơ sở quy định một giáo sư được hướng dẫn cùng lúc không quá 5 nghiên cứu sinh) nhằm đảm bảo chất lượng của luận án. Do đó, nếu làm sai quy định này, đương nhiên chất lượng của luận án bị nghi ngờ.
Đào tạo tiến sĩ chất lượng là một thách thức không nhỏ. (Nguồn: Getty Images) |
Theo bà, chúng ta có thể tham khảo những kinh nghiệm nào từ quốc tế?
Tôi là một người được đào tạo ở trong nước. Rất may, trong quá trình làm việc, tôi có cơ hội được tiếp xúc với rất nhiều người làm công tác đào tạo tiến sĩ ở nước ngoài. Bạn bè, đồng nghiệp của tôi cũng có nhiều người trưởng thành từ những cơ sở đào tạo uy tín trên thế giới. Vì thế, tôi cũng được học hỏi và mở mang nhiều, giúp bản thân mình vận dụng kiến thức vào quá trình làm việc.
Từ thực tế này, tôi thấy chúng ta cần thay đổi môi trường và cách quản lý chất lượng đào tạo. Chẳng hạn, các cơ sở đào tạo cần phải công khai luận án, áp dụng các phần mềm hỗ trợ chống gian dối, đạo văn. Ngoài ra, các cơ sở phải tổ chức các sinh hoạt khoa học và đầu tư cho nghiên cứu khoa học mạnh mẽ hơn.
Hiện nay, chi phí đào tạo nghiên cứu sinh quá thấp, người học và người hướng dẫn không chủ động được nguồn kinh phí cũng như đầu ra của sản phẩm khoa học. Nếu đề tài nghiên cứu được tài trợ hoặc là một phần của những nghiên cứu lớn như quốc tế sẽ rất tốt, từ đó chất lượng hẳn sẽ nâng hơn.
Các nghiên cứu sinh vừa học, vừa làm nghiên cứu, môi trường, hệ thống hỗ trợ gần như không có, khiến họ rất vất vả. Sau khi tốt nghiệp, họ cũng không ứng dụng, phát triển được hướng nghiên cứu trong quá trình làm việc. Những điều này thực sự là rào cản không nhỏ cho việc đào tạo tiến sĩ hiện nay.
Xin cảm ơn bà!