📞

Không có Mỹ, CPTPP vẫn hấp dẫn

08:00 | 18/03/2018
Trao đổi với Thế Giới & Việt Nam về Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) vừa được ký kết, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan khẳng định, CPTPP vẫn là sân chơi hấp dẫn khi không có Mỹ và việc tham gia vào sân chơi sẽ tạo động lực giúp Việt Nam thúc đẩy cải cách. 
Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan.

Hiệp định CPTPP đã chính thức được ký kết tại Chile vào ngày 8/3. Bà đánh giá như thế nào về nỗ lực của các nước thành viên trong việc thúc đẩy đàm phán, đi đến ký kết và hiện thực hóa Hiệp định?

Tôi rất mừng trước thông tin Hiệp định được ký kết sớm hơn so với kỳ vọng. Chỉ trong vòng hơn 3 tháng, từ Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC) 2017 vào tháng 11 tại Đà Nẵng, dù còn những khác biệt nhưng các nước thành viên đã có những nỗ lực không ngừng trong việc đàm phán, đưa đến thống nhất và ký kết Hiệp định. Điều này thể hiện quyết tâm rất lớn của các nước, trên cơ sở nhận thức được tầm quan trọng của CPTPP đối với từng nước cũng như đối với cả khu vực. 

Ngoài vai trò dẫn dắt của Nhật Bản, Việt Nam cũng đóng vai trò tích cực, đặc biệt là thể hiện tốt vai trò chủ nhà tại Tuần lễ Cấp cao APEC vừa qua. Nhờ quyết tâm của Việt Nam, tại sự kiện này, việc đàm phán Hiệp định Đối tác Kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP) đã có những bước tiến đáng ghi nhận khi các nước thống nhất đổi tên thành Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), tạo tiền đề cho việc ký kết Hiệp định sau này.

Hiện nay trên thế giới có nhiều tín hiệu cho thấy, chủ nghĩa bảo hộ đang gia tăng ở nhiều nơi, nhưng nhiều nước vẫn nhận thức rằng tự do hóa thương mại là cần thiết. Dù toàn cầu hóa đang bị thách thức nghiêm trọng nhưng nhiều nước cũng thấy rằng không thể xóa bỏ toàn cầu hóa. Đặc biệt, cuộc Cách mạng Công nghiệp 4.0 càng đòi hỏi sự gắn kết nhiều hơn nữa giữa các quốc gia. Nếu các nước không ý thức được điều đó mà quay sang chủ nghĩa bảo hộ, xa rời toàn cầu hóa, tự do hóa thương mại thì chỉ gây bất lợi cho bản thân nước mình cũng như sự phát triển chung của thế giới.

Tôi cho rằng việc CPTPP được ký kết đã khẳng định quyết tâm cao của lãnh đạo những nền kinh tế hàng đầu thế giới như Nhật Bản, Australia, Canada… cũng như các nước ở mức phát triển thấp hơn như Việt Nam, Chile cùng nhau đồng lòng, tiếp tục con đường tự do hóa thương mại, tăng cường liên kết khu vực và toàn cầu.

11 quốc gia thành viên ký kết CPTPP ngày 8/3. (Ảnh: Reuters)

Việc Mỹ không tham gia CPTPP liệu sẽ khiến cho sân chơi này kém phần hấp dẫn?

Cá nhân tôi cho rằng, sân chơi này vẫn hấp dẫn. Tôi tin rằng, 11 nước sẽ nỗ lực để làm tốt và chứng minh giá trị của Hiệp định. Ít nhất, khi phản ứng ban đầu sau khi Hiệp định được ký kết, đã có một số nước ngỏ ý muốn tham gia, như vậy chứng tỏ là nó có sự hấp dẫn. CPTPP chính là nền tảng tốt để những quốc gia nào muốn gắn kết có thể gắn kết với nhau. Và đấy cũng chính là điểm hấp dẫn của CPTPP.

Trong số các nước thành viên của CPTPP, Việt Nam là nước có chỉ số phát triển thấp nhất. Liệu Việt Nam sẽ chịu nhiều thua thiệt khi tham gia sân chơi này?

Tôi nghĩ Việt Nam có theo kịp hay không là do nỗ lực tự thân chúng ta. Các nhà lãnh đạo Việt Nam đã thể hiện quyết tâm mạnh mẽ khi tham gia CPTPP. Chúng ta đã hiểu phải cam kết những gì, phải làm những gì và đã có quyết tâm rất cao là phải làm và sẽ làm được. Chúng ta cũng biết rõ rằng trong cơ chế của CPTPP sẽ có sự giám sát của nước khác, vì vậy không thể chỉ cam kết mà không làm.

Tôi tin là Việt Nam sẽ làm được nếu có một quyết tâm chính trị cao. Những sức ép phải đổi mới mô hình tăng trưởng sẽ thúc đẩy Việt Nam thực hiện thành công những cam kết chất lượng cao trong CPTPP.

Bà kỳ vọng CPTPP sẽ góp phần thúc đẩy quá trình cải cách thể chế của Việt Nam như thế nào?

Theo báo cáo mới của Ngân hàng Thế giới (WB), ngay cả khi dựa trên những giả định khiêm tốn thì CPTPP dự kiến cũng sẽ góp phần làm tăng thêm 1,1% GDP tính đến thời điểm 2030. Rõ ràng CPTPP sẽ tạo động lực và tạo cơ sở để Việt Nam tăng trưởng, nâng cao năng suất.

Các Nghị quyết gần đây của Đảng cũng đã xác định cải cách thể chế là một trong ba đột phá chiến lược. Vừa qua, một loạt các vấn đề của thể chế như phát triển kinh tế tư nhân, đổi mới mô hình tăng trưởng… đều  được đưa vào trong các nghị quyết quan trọng của Đảng. Việc có thêm CPTPP sẽ có tác dụng cộng hưởng, tạo thêm động lực để thúc đẩy quá trình cải cách thể chế của Việt Nam. Một khi Việt Nam thực hiện thành công cải cách thể chế thì tôi tin chắc tăng trưởng của Việt Nam sẽ bền vững và có chất lượng chứ không chỉ tăng trưởng tốc độ cao nhưng chất lượng hạn chế như những năm trước đây.

Bà đánh giá như thế nào về sự chuẩn bị của doanh nghiệp cho sân chơi mới này?

Sự chuẩn bị có vẻ như chưa được nhiều lắm. Khi bắt đầu có thông tin về TPP, nhiều doanh nghiệp khá háo hức và bắt đầu tham gia tìm hiểu thông tin về TPP. Tuy nhiên, sau khi TPP bị chững lại thì sự chuẩn bị của doanh nghiệp có phần bị sao nhãng. Năm ngoái, các doanh nghiệp cũng chủ yếu tập trung vào việc tìm hiều các cơ hội về cạnh tranh trong bối cảnh Cách mạng Công nghiệp 4.0 nên việc tìm hiểu và chuẩn bị cho Hiệp định CPTPP chưa nhiều.

Dù vậy, CPTPP chủ yếu được xây dựng trên nền tảng của TPP nên những thông tin, sự chuẩn bị mà doanh nghiệp đã nghĩ tới cho TPP hoàn toàn có thể áp dụng được. Bên cạnh đó, sự chuẩn bị của doanh nghiệp cho cuộc cạnh tranh trong thời đại Cách mạng 4.0 cũng giúp doanh nghiệp chuẩn bị tốt hơn cho quá trình hội nhập tới.

Phần đông các doanh nghiệp hiện nay đều nhận thức được phải nâng cao năng lực cạnh tranh, nâng cao năng suất lao động, phải đổi mới hệ thống quản trị, thay đổi cách tiếp cận đối với thị trường…Đây sẽ là những vốn tri thức, vốn hiểu biết cho họ để sẵn sàng hơn trong sân chơi CPTPP.

Xin cám ơn bà!

(thực hiện)