Nền kinh tế vững vàng hơn
Theo nhận định của mạng tin “Cartas desde Cuba”, kể từ khi Chủ tịch Cuba Raúl Castro thông báo trước Quốc hội nước này về tình hình kinh tế khó khăn, những lời đồn thổi về một cuộc khủng hoảng tương tự như những năm 1990 đã không ngừng xuất hiện. Tuy nhiên, hiện trạng kinh tế của đảo quốc Caribe này đã khác rất nhiều so với “Thời kỳ đặc biệt”.
Ảnh minh họa: Nền kinh tế Cuba đã vững vàng hơn. (Nguồn: FICA) |
Đúng là Cuba đang bắt đầu một kế hoạch tiết kiệm bắt buộc nhưng nền kinh tế hiện nay đã vững vàng hơn, với lượng đối tác thương mại tăng đáng kể, các ngành kinh tế và các nguồn thu ngoại tệ cũng đa dạng hơn.
Dĩ nhiên, những tác động của kế hoạch cắt giảm này có những ảnh hưởng trông thấy đến đời sống người dân và hoạt động của giới doanh nghiệp. Kinh tế Cuba đang tăng trưởng chậm lại do giá dầu thô sụt giảm, hiện tượng khá nghịch lý với một quốc gia nhập khẩu dầu lửa.
Vấn đề nằm ở chỗ do yếu tố giá cả này, Venezuela đã cắt giảm khoảng 20% lượng dầu thô ưu đãi gửi cho Cuba trong nửa đầu năm nay (xuống mức khoảng 80.000 thùng/ngày).
Hậu quả của cuộc khủng hoảng năng lượng đã hiện rõ, với mức tăng trưởng kinh tế trong 6 tháng qua của Cuba chỉ đạt 1%, thấp hơn nhiều so với mức 4,7% của cùng kỳ năm trước và chỉ bằng một nửa so với mục tiêu đề ra.
Theo Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Marino Murillo, người được coi là kiến trúc sư của công cuộc cải cách kinh tế tại Cuba, mức tăng trưởng thấp này xuất phát từ việc giá trị nhập khẩu nguyên liệu sản xuất giảm tới 2,5 tỷ USD trong thời gian này.
Ngoài ra, La Habana cũng đã đình chỉ tới 17% các khoản đầu tư dự định trước trong năm nay và sẽ chưa sử dụng tới các khoản tín dụng mà các ngân hàng quốc tế, các chính phủ và các nhà cung cấp tư nhân đồng ý cấp cho Cuba. Những con số này đã thừa đủ để dự báo một giai đoạn suy thoái ở phía trước.
La Habana đã công bố kế hoạch tiết kiệm 30% nhiên liệu, chủ yếu là cắt giảm tại các doanh nghiệp nhà nước và chế độ tem phiếu xăng dầu cho các cán bộ cấp thấp. Các doanh nghiệp có năng suất thấp nhất chỉ được hoạt động nửa ngày, trong khi các trung tâm thương mại, ngân hàng và các cơ sở hành chính công phải tắt điều hòa nhiệt độ vài giờ mỗi ngày.
Chủ tịch Castro khẳng định kế hoạch này sẽ không ảnh hưởng tới dân chúng, nhưng trên thực tế Cuba đã bắt đầu các chiến dịch cắt điện luân phiên tại các khu dân cư, mặc dù kế hoạch này vẫn thường được áp dụng ở mức thấp hơn mỗi mùa Hè và vẫn còn xa so với mức “kinh hoàng” của những năm 1990 mà khi đó, mỗi ngày tất cả các khu phố phải chịu cắt điện luân phiên trong 8 giờ.
Một năm khó khăn
Chắc chắn, năm 2016 sẽ là một năm khó khăn với Cuba. Nền tài chính của La Habana, ngoài các khoản chi thường niên, sẽ phải gánh vác thêm cả việc mua dầu thô thiếu hụt theo giá thị trường, lẫn việc trang trải các nghĩa vụ tài chính mới được tái thỏa thuận với Câu lạc bộ Paris cùng các chủ nợ quốc tế khác.
Các nhà đàm phán Cuba đã đạt được mục đích xóa bỏ phần lớn các khoản nợ, nhưng đổi lại La Habana sẽ phải chi trả đúng hạn các khoản lãi suất định kỳ. Hoàn thành nhiệm vụ này sẽ giúp Chính phủ Cuba được tiếp cận các khoản “tín dụng mềm” trên thị trường tài chính quốc tế, đồng nghĩa với việc tiết kiệm được khoảng 30% chi phí nhập khẩu hiện tại.
Có lẽ, những chủ nợ duy nhất chưa được Cuba thanh toán trong năm nay, và gần như chắc chắn là cả trong nửa đầu năm 2017, là các công ty trung gian của châu Âu, Canada và Mỹ Latinh. Chính Chủ tịch Castro đã đề cập tới vấn đề này tại Quốc hội: “Đã có một số chậm trễ trong việc thanh toán cho các chủ nợ. Tuy nhiên, tôi muốn nhấn mạnh quyết tâm của Chính phủ chỉ trả đầy đủ các khoản nợ còn tồn đọng”.
Việc giảm nhập khẩu, thanh toán với các chủ nợ nước ngoài và tiết kiệm nhiên liệu sẽ tác động tới cuộc sống thường nhật của người dân. Điện nước, lương thực, thực phẩm, vật liệu xây dựng sẽ ngày càng thiếu thốn, trong khi dịch vụ giao thông sẽ trở nên đắt đỏ hơn. Cho dù chính phủ đã áp dụng mức giá trần cho các dịch vụ giao thông tư nhân, song những chủ kinh doanh này vẫn tìm mọi cách để tăng giá. Phần lớn xăng dầu họ sử dụng là từ thị trường chợ đen, nơi mà một lít dầu diesel (nhiên liệu phổ biến nhất cho các loại taxi tuyến của Cuba) đã tăng gấp đôi.
Tự đứng trên chân mình
Nhưng giờ đây Cuba đã không còn là “Cuba của ngày hôm qua”, thời kỳ khi Liên bang Nga là đối tác thương mại gần như duy nhất và là nguồn cung cấp 100% dầu thô theo giá trợ cấp.
Cuba ngày nay đã tự sản xuất 50.000 thùng dầu/ngày (chủ yếu phục vụ các nhà máy nhiệt điện), bên cạnh việc nhập khẩu ưu đãi 80.000 thùng từ Venezuela và mua phần thiếu hụt trên thị trường quốc tế, đồng thời cũng đã phát triển nhiều nguồn năng lượng tái tạo.
Tua bin gió bên bờ biển Cuba. (Nguồn: Theo Ceis-caribenergy.org) |
Cuba ngày nay cũng đã có hơn 2 thập kỷ phát triển mạnh mẽ ngành du lịch, đưa số du khách quốc tế từ con số 0 trong đầu thập kỷ 1990 lên mức dự kiến 4 triệu vào năm nay.
Con số này sẽ còn tăng mạnh khi Mỹ xóa bỏ lệnh cấm công dân nước mình du lịch Cuba. Lượng ngoại hối của đảo quốc Caribe này đã tăng gấp 3 lần, đạt mức 2,5 tỷ USD/năm, trong khi ngành sản xuất xì gà nguyên chất ngày càng khẳng định thương hiệu trên thế giới và hiện đã đạt kịch trần sản lượng.
Và “viên ngọc trên vương miện” của nền kinh tế Cuba chính là hoạt động xuất khẩu các dịch vụ y tế kết hợp dược phẩm và công nghệ sinh học, với mức thu khoảng 8 tỷ USD/năm, chủ yếu từ các Sứ mệnh Xã hội và chương trình “Thêm Bác sĩ” tại Brazil.
Hiện nay, chắc chắn khoản đầu tư có “lợi nhuận kinh tế” cao nhất mà Cách mạng Cuba đã thực hiện chính là phát triển ngành giáo dục, với việc đào tạo hơn 1 triệu người có trình độ từ đại học trở lên (trên tổng số 11 triệu dân).