📞

Không còn lúng túng, châu Âu tự tin bước vào mùa Đông, Uniper 'cự tuyệt' khí đốt Nga

Linh Chi 16:02 | 19/09/2024
Giám đốc điều hành Uniper SE Michael Lewis nhận định, châu Âu đang ở vị thế vững chắc để duy trì nguồn cung cấp năng lượng ổn định trong mùa Đông năm nay, ngay cả khi tuyến đường vận chuyển khí đốt quan trọng của Nga sắp đóng cửa.
Khói bốc lên từ một nhà máy nhiệt điện than ở Đức. (Nguồn: Getty)

Trước chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga tại Ukraine, tháng 12/2019, Moscow và Kiev đã đồng ý về một thỏa thuận kéo dài 5 năm về việc vận chuyển khí đốt.

Theo thỏa thuận, sẽ có 45 tỷ m3 khí đốt Nga chảy qua Ukraine vào năm 2020 và 40 tỷ m3/năm vào thời điểm từ năm 2021-2024. Đây là thỏa thuận thương mại duy nhất còn sót lại của hai quốc gia đang xung đột.

Cuối năm nay, thỏa thuận nói trên sẽ kết thúc. Thỏa thuận này được cho rằng khó có thể gia hạn tiếp và điều đó sẽ ngăn chặn dòng chảy khí đốt Nga tới châu Âu - trực tiếp "tấn công" thị trường khu vực vào thời điểm quan trọng - mùa cần sưởi ấm.

Tuy nhiên, theo ông Michael Lewis, trong khi các quốc gia như Áo và Slovakia vẫn phụ thuộc vào nhiên liệu từ phương Đông, việc chấm dứt thỏa thuận trung chuyển giữa Nga và Ukraine vào ngày 31/12 tới sẽ không làm thay đổi nhiều đến thị trường khí đốt đang mạnh lên của châu Âu.

Giám đốc điều hành Uniper SE khẳng định chắc nịch: “Một lượng khí đốt nhất định khối lượng sẽ rời khỏi thị trường, nhưng điều đó được châu Âu lường trước. Vị thế chung của chúng tôi khá mạnh khi bước vào mùa Đông”.

Châu Âu đã tích trữ khí đốt sớm hơn so với thời điểm bắt đầu mùa sưởi ấm. Hiện tại, khu vực cũng nhận được nguồn cung ổn định từ Na Uy và tăng lượng khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) nhập khẩu từ các nhà sản xuất như Mỹ để giúp thay thế lượng khí đốt đã giảm từ Nga.

"Một lượng khí đốt nhất định khối lượng sẽ rời khỏi thị trường, nhưng điều đó được châu Âu lường trước. Vị thế chung của chúng tôi khá mạnh khi bước vào mùa Đông" - Giám đốc điều hành Uniper SE Michael Lewis.

Uniper và Đức nói chung không còn mua khí đốt từ Gazprom, công ty khí đốt nhà nước của Nga.

Ông Michael Lewis cho hay, Uniper đã được quốc hữu hóa trong cuộc khủng hoảng năng lượng năm 2022. Đây là một trong những chiến dịch cứu trợ doanh nghiệp lớn nhất trong lịch sử nước Đức - nền kinh tế lớn nhất châu Âu.

Tháng 2/2022, Nga tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine và sau đó hạn chế xuất khẩu khí đốt sang châu Âu.

Uniper từng là một trong những khách hàng chính của Gazprom - gã khổng lồ khí đốt Nga. Thời điểm đó, Uniper buộc phải trả hàng trăm triệu Euro mỗi ngày cho các nguồn cung cấp thay thế và họ buộc phải quốc hữu hóa.

Vào tháng 6/2024, Uniper đã được trao hơn 13 tỷ Euro (tương đương 14 tỷ USD) tiền bồi thường thiệt hại từ phán quyết trọng tài quốc tế đối với khối lượng khí đốt của Nga không được Gazprom cung cấp kể từ giữa năm 2022.

Từ tháng 2/2022 đến nay, lượng khí đốt nhập khẩu của châu Âu từ Nga đã giảm hơn 90% và Moscow đã mất đi thị trường sinh lợi hàng đầu.

Tập đoàn Gazprom cũng đã công bố khoản lỗ ròng năm 2023 là 7 tỷ USD - điều lần đầu tiên xảy ra trong một phần tư thế kỷ.

Khi được hỏi về các phương án thay thế cho thỏa thuận trung chuyển tại Kiev sắp hết hạn, ông Lewis nhận thấy: "Uniper không có ý định mua khí đốt của Nga".

Các cuộc đàm phán với Moscow liên quan đến vấn đề gia hạn thỏa thuận nói trên có vẻ ảm đạm bởi chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine vẫn đang tiếp diễn và đã bước sang năm thứ ba.

"Chúng ta phải thấy chiến dịch quân sự này kết thúc trước khi bất kỳ cuộc thảo luận hợp lý nào có thể diễn ra", ông Lewis nói.

Hiện tại, lượng khí đốt từ Nga chảy qua Ukraine đến châu Âu chỉ cung cấp chưa đến 5% nguồn cung cho châu lục này.

Về phía Ukraine, giới chuyên gia đánh giá, đất nước này có nguy cơ mất 800 triệu USD/năm tiền phí vận chuyển. Đồng thời, vị thế là một đường ống dẫn khí đáng tin cậy của Ukraine cũng bị mất nếu thỏa thuận không được gia hạn.

Dù vậy, Bộ trưởng Năng lượng Ukraine German Galushchenko thông báo, quốc gia này đã tổ chức các cuộc đàm phán về vận chuyển với Azerbaijan, quốc gia cung cấp khí đốt cho 8 nước châu Âu. Các thoả thuận với Kazakhstan và các nhà cung cấp khác ở Trung Á cũng là phương án khả thi.

Ông German Galushchenko nhận thấy, không chỉ Ukraine, cả châu Âu cũng cần một cách tiếp cận mạnh mẽ trước và sau khi hợp đồng quá cảnh khí đốt với Moscow hết hạn. Điều này sẽ giúp đảm bảo an ninh năng lượng của khu vực khi mùa Đông sắp tới gần.

(theo Bnnbloomberg)