📞

Không còn thí sinh điểm cao đứng ngoài cổng trường ĐH?

07:22 | 03/08/2008
ác trường ĐH, CĐ đang vào giai đoạn "nước rút": công bố điểm thi tuyển sinh 2008. Sẽ không còn cảnh điểm cao vẫn đứng ngoài cổng trường? Với những thí sinh (TS) có điểm đạt 6,7 điểm/ môn sẽ có hy vọng cầm "vé" vào ĐH. Điều này thể hiện ở sự phân hóa trong mức điểm chuẩn nguyện vọng (NV)1 ở một số trường đã công bố. Tuy nhiên, với những trường/ ngành khó tuyển chưa hoặc chỉ dám ấn định điểm chuẩn dự kiến bằng sàn để mong xét tuyển được những TS điểm cao không đậu NV1. Đây sẽ là "cửa rộng" cho hàng ngàn TS bước vào ĐH bằng con đường NV2,3?

Điểm thi phân hóa rõ

Với mức điểm chuẩn biến động trong một vài năm gần đây đã khiến TS "khôn" hơn trong việc chọn trường dễ đậu. Tuy nhiên, sẽ là sự tiếc nuối cho không ít TS khi sợ điểm chuẩn cao mà "né" trường danh tiếng, vì mức điểm chuẩn dự kiến ở một số trường "top 1" năm nay chững hoặc giảm. Trường tăng nhẹ chỉ đếm trên đầu ngón tay....

Theo quy định, các trường công bố điểm chuẩn sau khi có điểm sàn của Bộ GD-ĐT công bố. Nhưng, với những trường không mấy lệ thuộc điểm sàn thì đã rục rịch công bố điểm chuẩn.

Với kết quả thi rất cao so với mặt bằng chung của khối A và khối D năm nay, GS.TS Hoàng Văn Châu, Hiệu trưởng Trường ĐH Ngoại thương cho biết, dự kiến điểm trúng tuyển sẽ tương đương năm 2007.

Cụ thể: điểm trúng tuyển của khối A sẽ là 25 điểm, khối D1 là 23 điểm và các khối D còn lại sẽ là 24 điểm. Mức điểm trường dự kiến là điểm “sàn” trúng tuyển vào trường. Trường sẽ xác định điểm trúng tuyển cho từng ngành. Hai ngành Kinh tế đối ngoại và Tài chính - ngân hàng dự kiến sẽ có điểm chuẩn cao nhất.

Để vào ĐH Bách khoa Hà Nội năm nay, TS có điểm đạt trung bình 7 điểm/ môn là đậu. Điểm chuẩn dự kiến Trường ĐH Bách khoa Hà Nội năm nay giảm 2 điểm so với năm trước (năm 2007 là 23 điểm).

Lý giải về mức điểm chuẩn giảm, ông Hồng nói: "Mặc dù, số thủ khoa tăng đột biến so với 2007 (chỉ có 1 thủ khoa) và điểm cao ở các môn nhiều nhưng điểm chuẩn vào trường giảm 2 điểm so với năm 2007, vì mặt bằng điểm chuẩn không cao như năm trước. Trong số 15 thủ khoa của Trường ĐH Bách khoa Hà Nội có 9 thí sinh có tổng điểm 3 môn đạt 29,75. Còn lại 6 thủ khoa với điểm đạt tuyệt đối 3 môn thi 3 điểm 10.

Bên cạnh, một số trường danh tiếng ấn định điểm chuẩn chỉ bằng hoặc giảm so với năm 2007 thì Học viện Ngân hàng và Học viện Tài chính tự hào với chất lượng TS thi đầu vào đạt cao.

Dự kiến điểm chuẩn vào Học viện Ngân hàng là 23, cao hơn 0,5 điểm so với năm trước. Còn Học viện Tài chính dự kiến mức điểm chuẩn khối A là 22,5 điểm, cao hơn năm 2007 là 1 điểm.

Ở phía Nam, vào ĐH Bách khoa TP HCM TS chỉ cần có tổng điểm 3 môn thi đạt 16 điểm - mức điểm được xem bình thường và TS chỉ cần có học lực trung bình là đậu! Mức điểm chuẩn 16, trường tính toán giảm 1-2 điểm so với năm trước, tùy theo ngành.

Luôn công bố đồng thời cả điểm thi và điểm chuẩn, năm nay, điểm chuẩn chung vào ĐH Kinh tế quốc dân khối A là 22, khối D là 28 (tiếng Anh hệ số 2). Riêng 2 ngành có nhiều TS đăng ký là Tài chính-Ngân hàng và Kế toán, điểm chuẩn tương ứng là 26 và 26,5.

Tính về số TS dự thi thì Trường ĐH Thương mại đứng thứ 2, do trường định điểm trúng tuyển theo ngành với mức điểm cũng "dễ thở" nên được nhiều TS chọn. Tuy nhiên, Hiệu trưởng Nguyễn Bách Khoa cho biết, trong số 18.200 TS dự thi thì có đến 2/3 TS có tổng điểm 3 môn đạt dưới 15 điểm. Số đạt trên 15 điểm chiếm 33% tổng số TS dự thi.

Kết quả thi không cao do điểm môn Toán năm nay đạt thấp. Do vậy, tùy từng ngành, điểm chuẩn dự kiến sẽ giảm từ 1-1,5 điểm so với năm 2007. Trường sẽ công bố điểm chuẩn ngay sau khi có điểm sàn của Bộ GD-ĐT.

Trường ĐH Điện lực, dự kiến điểm chuẩn năm nay là 17, thấp hơn 2,5 điểm so với năm 2007. Với gần 4.000 TS dự thi vào trường có 596 thuộc diện trúng tuyển (chỉ tiêu tuyển mới là 500).

Theo trưởng Phòng đào tạo Học viện Mật mã Đỗ Thành An, so với năm trước, tỷ lệ TS đạt điểm trung bình thấp hơn. Do vậy, điểm chuẩn dự kiến tuyển NV1 là 17.

Trong số 7.700 TS dự thi vào Trường ĐH Giao thông vận tải Hà Nội, có đến 4.500 thí sinh có bài thi 3 môn dưới 15 điểm, chiếm tỷ lệ 59%. Trưởng phòng đào tạo Nguyễn Đăng Điệm cho biết. Do mặt bằng điểm đạt thấp hơn năm trước nên điểm chuẩn dự kiến có thể thấp hơn dự kiến ban đầu (năm 2007, điểm chuẩn cơ sở phía Bắc là 19,5; phía Nam là 15 điểm).

"Cửa rộng" cho TS vào ĐH bằng NV2,3?

Với những trường "top 1" vào "top giữa" có vẻ yên tâm hơn trong việc tuyển "đầu vào", thì những trường "top dưới" lại đang "đau đầu" với việc tìm phương án để tuyển đủ chỉ tiêu được giao là điều không dễ?

Ở phía Bắc, một số trường ĐH mới công bố điểm thi như Nông nghiệp 1, Mỏ-Địa chất đều có chung "nỗi niềm": Điểm đạt rất thấp! Điều này sẽ kéo theo khả năng điểm chuẩn sẽ có nhiều biến động theo chiều hướng giảm.

Trước đó, các Trường ĐH An Giang, ĐH Trà Vinh, ĐHSP Đồng Tháp điểm thi cũng không khá hơn. Với những trường này, đặt nhiều kỳ vọng dành phần lớn chỉ tiêu cho NV2.

Ông Phan Huy Phú, Hiệu trưởng Trường ĐH Thăng Long dự báo:  Nếu điểm sàn của Bộ GD-ĐT không vượt quá 15 điểm thì dự kiến điểm chuẩn NV 1 vào trường là 15 điểm (không nhân hệ số). Với mức điểm chuẩn này sẽ có khoảng 400- 450 TS trúng tuyển NV1 chiếm khoảng 25% chỉ tiêu. Số chỉ tiêu gần 900 còn lại trường xét tuyển NV2. Mức điểm xét tuyển dự kiến cao hơn điểm của NV1 khoảng 2 điểm.

Năm đầu tiên tuyển sinh, Trường ĐH Phạm Văn Đồng có 2.315 thí sinh dự thi. Theo thống kê điểm, khối A có 1.536 thí sinh dự thi nhưng chỉ có 57 thí sinh đạt tổng điểm 3 môn từ 13 trở lên. 

Ở môn Toán khối A, trường có đến 98,89% thí sinh điểm dưới trung bình; Khối C có 545 TS dự thi thì: Môn Văn có 48 bài thi điểm từ 5 trở lên. Môn Lịch sử có 497/545 bài thi điểm dưới trung bình. Môn Địa lý có 512 bài thi điểm dưới 5, chiếm tỷ lệ 93,94%. Khối D1 có 234 TS dự thi. Môn Văn có đến 91,02% bài thi điểm dưới trung bình.

 

Trong tổng số 7.602 TS dự thi, Trường ĐH dân lập Lạc Hồng có 1.538 thí có điểm thi từ 13 trở lên. Năm nay, chỉ tiêu của trường là 2.000.

 

Với 16.167 TS dự thi, Trường ĐH An Giang chỉ có 1.655 TS đạt điểm thi từ 14 trở lên, trong khi chỉ tiêu tuyển năm nay là 2.050.

 

Trong đó, khối A có 7.295 TS dự thi nhưng với chuẩn 15 thì chỉ có 204 TS đạt; Tỷ lệ này ở khối B có 584 TS trong số 3.770 TS dự thi; Khối C có 382 TS đạt từ 14 trở lên trong số 2.249 TS thi; khối D lấy 13 điểm thì có 135 TS đạt trong 2.529 TS dự thi. Còn khối M chỉ có 23 TS đạt 13 điểm trong số 324 TS dự thi.

Chung cảnh điểm thấp, trong số trên 14.000 thí sinh dự thi ĐH Sư phạm Đồng Tháp thì chỉ có 2.096 TS có tổng 3 môn đạt 14 điểm trở lên, trong khi đó chỉ tiêu là 2.200.

Điểm thi vào Trường ĐH Trà Vinh cũng không khá hơn năm trước. Trong tổng số TS dự thi chỉ có 75 TS đạt điểm từ 15 trở lên cả hai khối A và B. Năm nay trường tuyển mới 1.500 chỉ tiêu cho sáu ngành với các khối A, B, D1. Vì vậy, trường sẽ dành đến 80% để xét tuyển NV2.

Trường ĐH Bách khoa TP.HCM cũng đã thông báo mức điểm nhận hồ sơ xét tuyển NV2 thấp hơn điểm trúng tuyển NV1 là 0,5 điểm. Chỉ tiêu trường tuyển NV2 là 900 vào 14 ngành đào tạo ĐH.

Với kết quả điểm thi ở các trường nói trên có thể ghi nhận những nỗ lực trong việc ra đề thi đã đảm bảo phân hóa. Những ngành "hot" như Tài chính, Ngân hàng...điểm chuẩn dự kiến vẫn ngất ngưởng.

Theo ông Dương Đức Hồng, mức độ ra đề khối A đúng với chủ trương: đảm bảo phân loại học sinh khá, giỏi. Điều đó thể hiện ở mỗi môn và trong từng túi bài thi. Mỗi môn có xấp xỉ 100 điểm 10, nhưng tính điểm chuẩn chung thì mặt bằng chỉ ở ngưỡng 21. 

Ý kiến của ông Hồng cũng là quan điểm của nhiều nhà quản lý giáo dục. Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Hà Nội Nguyễn Thị Tĩnh cho hay, tuy tỷ lệ bài thi dưới trung bình nhiều hơn trên trung bình, nhưng những chuyên ngành có điểm chuẩn cao năm nay vẫn sẽ cao.

Đề thi - yếu tố vốn vẫn được xem là thước đo chính của một kỳ thi...Những diễn biến về điểm thi và điểm chuẩn của gần 100 trường ĐH, Học viện, CĐ sẽ cho một kết thúc có "hậu": Sẽ không còn cảnh thí sinh điểm cao nhưng vẫn đứng ngoài cổng trường ĐH?

Theo VNN