📞

Không để di sản ngủ quên

09:20 | 30/11/2018
Trên thế giới mới có hơn 100 địa điểm được UNESCO trao danh hiệu công viên địa chất toàn cầu (CVĐCTC). Ở Đông Nam Á, đến nay mới chỉ có 8 CVĐCTC. Bởi vậy, danh hiệu mà Công viên địa chất Non Nước Cao Bằng vừa chính thức đón nhận là một sự ghi nhận đặc biệt khẳng định giá trị hiếm có của di sản Việt Nam.

CVĐCTC là một danh hiệu quan trọng của UNESCO trong lĩnh vực khoa học tự nhiên. Di sản này cho phép biết được các biến động địa chất của Trái đất, những nguy cơ về núi lửa, động đất, sóng thần… để giúp đề ra các biện pháp giảm thiểu hậu quả. Cho tới nay, CVĐCTC thể hiện là một mô hình phát triển kinh tế - xã hội rất hiệu quả, đảm bảo hài hòa giữa cả mục tiêu phát triển tại địa phương có di sản cũng như mục tiêu bảo vệ, bảo tồn di sản. Tuy nhiên, những giá trị này cũng đặt ra những thử thách cho Cao Bằng để di sản quý của mình không “ngủ quên”...

Vẻ đẹp nguyên sơ của thác Bản Giốc. (Nguồn: Lao động)

Gìn giữ bản sắc riêng

“Được UNESCO công nhận đồng nghĩa với việc CVĐCTC Non Nước Cao Bằng sẽ mang tầm vị thế khác trên bản đồ du lịch thế giới, có sức hút mạnh mẽ với du khách năm châu” - Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Lê Hoài Trung - Chủ tịch Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam.

Phát biểu tại Lễ đón nhận danh hiệu CVĐCTC UNESCO Non nước Cao Bằng tối 24/11, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh Việt Nam có thể tự hào trước đánh giá cao của cộng đồng quốc tế đối với những giá trị độc đáo, đặc sắc, nổi bật về địa chất, đa dạng sinh học, di sản văn hóa, lịch sử, cảnh quan của Non nước Cao Bằng - nơi lưu giữ những dấu tích của biến động Trái đất 500 triệu năm qua.

CVĐCTC Non nước Cao Bằng có diện tích hơn 3.275 km2, nằm trên địa bàn của 9 huyện của tỉnh Cao Bằng. Đến nay, các nhà khoa học đã phát hiện, đánh giá, đề xuất xếp hạng trên 130 điểm di sản địa chất độc đáo, với các dạng địa hình, cảnh quan đá vôi hết sức phong phú, đa dạng... Ngoài ra, địa danh cũng chứa đựng rất nhiều loại di sản địa chất khác nhau, minh chứng cho lịch sử phát triển địa chất phức tạp hơn 500 triệu năm qua.

Một ưu thế nổi trội là nơi đây có nhiều danh lam thắng cảnh nổi tiếng như: Khu du lịch sinh thái Phja Oắc - Phja Đén, hồ Thang Hen, động Ngườm Ngao, đặc biệt thác Bản Giốc và là vùng đất có bề dày văn hóa, lịch sử với 215 di tích văn hóa, lịch sử được xếp hạng. Đặc biệt, vẻ đẹp của CVÐCTC thứ hai của Việt Nam còn ở những nét sinh hoạt văn hóa đa dạng, đậm đà bản sắc dân tộc như dệt thổ cẩm, rèn…

Xây dựng hương hiệu

“Ngoài mục tiêu giữ gìn, bảo vệ di sản văn hóa có giá trị, tỉnh Cao Bằng tập trung phát triển du lịch, đưa “ngành công nghiệp không khói” trở thành trọng tâm phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh trong thời gian tới”- ông Sầm Việt An, Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh Cao Bằng.

Nói về tiềm năng, cơ hội để đầu tư và hợp tác phát triển dịch vụ du lịch của vùng, ông Trương Thế Vinh - Phó Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch cho biết Cao Bằng hiện đã xây dựng 3 tuyến du lịch địa chất: Tuyến du lịch cụm phía Tây “Khám phá Phja Oắc - vùng  núi của những đổi thay”, Tuyến du lịch cụm phía Bắc “Hành trình về nguồn cội” và Tuyến du lịch cụm phía Đông “Trải nghiệm văn hóa bản địa ở xứ sở thần tiên”. Ngoài các điểm du lịch nổi tiếng trên, Cao Bằng còn nhiểu điểm du lịch khác có tiềm năng để khai thác và phát triển như: Động Ngườm Pục, động Tiên huyện Hà Quảng, hang Dơi và du lịch cộng đồng tại các địa điểm tiềm năng, như: Xóm Hoài Khao, Nà Chắn (huyện Nguyên Bình), xã Phong Nặm (huyện Trùng Khánh)...

Theo Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: “Cao Bằng cần phát triển thương hiệu du lịch miền núi cho Việt Nam với những cách làm sáng tạo, biến việc bảo tồn, phát huy di sản thành quốc kế dân sinh, giúp cải thiện trực tiếp đời sống vật chất, tinh thần của người dân. Cần đặc biệt lưu ý di sản không thể tái tạo, không thể thay thế, do đó, chúng ta có trách nhiệm kết hợp hài hòa giữa bảo tồn và phát triển để phục vụ lợi ích cộng đồng, không thể hy sinh di sản vì phát triển ngắn hạn”.

Chủ tịch UBND tỉnh Cao Bằng Hoàng Xuân Ánh cũng cam kết với UNESCO luôn coi trọng việc xây dựng gắn với phát triển bền vững. Để thực hiện việc này, địa phương tập trung vào công tác quy hoạch, xây dựng kế hoạch quản lý đúng yêu cầu của UNESCO cũng như mạng lưới CVĐCTC, tăng cường đào tạo nhân lực, có sự tham gia của cộng đồng dân cư tại địa phương, nâng cao chất lượng hệ thống đối tác, thuyết minh viên, quảng bá, đồng thời nâng cao nhận thức của người dân trong việc bảo tồn và phát huy giá trị của di sản địa chất.

Tại Cao Bằng, ông Guy Martini - Cố vấn cao cấp, Chủ tịch Hội đồng Mạng lưới CVĐCTC đã có những buổi làm việc với UBND tỉnh bàn các giải pháp xây dựng kế hoạch phát triển theo các tiêu chí UNESCO. Nói như Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, nếu biết cách tương tác giữa di sản với các yếu tố đặc sắc khác của Cao Bằng cũng như kết nối các di sản khác của vùng với các vùng trung tâm du lịch lớn thì di sản của Cao Bằng sẽ là nguồn lực rất quan trọng trong phát triển bền vững.

“Khi đã đạt được các tiêu chí của UNESCO rồi, có định hướng rồi, tỉnh Cao Bằng cần có kế hoạch phát triển để xứng với tầm quốc tế. Một khi đã được tham gia hệ thống này, Việt Nam có thể được các nước thành viên chia sẻ thêm nhiều kinh nghiệm, được hỗ trợ và nhận được những đánh giá khách quan về các hoạt động của mình” - Đại sứ, Trưởng Phái đoàn Việt Nam bên cạnh UNESCO Trần Thị Hoàng Mai.