Không ít doanh nghiệp đã lường trước những khó khăn, chuẩn bị tâm lý và cả nguồn tài chính cho phương án phòng chống dịch theo yêu cầu của Bộ Y tế và các địa phương. (Nguồn: Báo Đầu tư) |
Một số công ty, như Công ty TNHH Luxshare ICT, Công ty TNHH New Wing, Công ty TNHH Seojin Việt Nam, Công ty cổ phần May xuất khẩu Hà Bắc, Công ty Nichirin Việt Nam, Công ty TNHH Công nghệ Lens…, đã đưa ra chính sách hỗ trợ 1-2 triệu đồng/người/tháng nhằm thu hút công nhân trở lại làm việc. UBND tỉnh cũng đã lên phương án hỗ trợ doanh nghiệp đón lao động ngoại tỉnh vào làm việc. Về cơ bản, cuộc sống đã trở lại trong trạng thái mới ở Bắc Giang.
Nhưng đó là tin vui hiếm hoi khi nhiều tỉnh, thành phố khác buộc phải đưa ra những giới hạn mới nhằm kiềm tỏa sự lây lan ngày càng phức tạp của Covid-19. Điều này có nghĩa, các doanh nghiệp đang hoạt động, vừa trở lại hoạt động… sẽ tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn, nhất là sự chậm lại, thậm chí đứt đoạn của dòng chảy hàng hóa, dịch vụ, lao động.
Không ít doanh nghiệp đã lường trước những khó khăn, chuẩn bị tâm lý và cả nguồn tài chính cho phương án phòng chống dịch theo yêu cầu của Bộ Y tế và các địa phương.
Nhiều lãnh đạo doanh nghiệp chia sẻ, dù rất muốn, nhưng các kế hoạch, phương án mở cửa, kết nối sẽ không thể thực hiện được nếu không ai cảm thấy an tâm. Đây là lý do các doanh nghiệp rất nỗ lực tham gia chiến dịch phòng, chống Covid-19 của Chính phủ dưới mọi hình thức.
Vấn đề là, rủi ro đứt gãy sản xuất, đứt gãy lao động, đứt gãy vận tải đang hiện hữu và nếu không có giải pháp phù hợp với tình hình mới, thì chắc chắn sẽ tác động rất lớn tới hoạt động của doanh nghiệp, tới cuộc sống của người dân và cả sự vận hành của nền kinh tế. Sự thiếu hụt nguồn hàng trong khu vực TP. Hồ Chí Minh, những ách tắc tại cửa khẩu ra vào Thành phố ngày đầu thực hiện Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ là bài học cần rút kinh nghiệm.
Trong văn bản vừa gửi Thủ tướng Chính phủ, đồng kính gửi Trưởng ban chỉ đạo Quốc gia phòng chống Covid-19, Bộ Y tế, Bộ Giao thông - Vận tải, Bộ Công thương và UBND các tỉnh, thành phố đang bị ảnh hưởng bởi Covid-19, ông Lê Duy Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam (VLA) đã phải dùng đến từ “khẩn cấp” khi mong muốn các đề xuất, kiến nghị được xem xét.
Lý do là, việc thực hiện quy định xét nghiệm 2 lần cho người điều khiển phương tiện vận chuyển đi ra từ khu vực phong tỏa hoặc khu vực ổ dịch vào thời điểm trước khi đi và quay về đang đẩy lực lượng lao động là lái xe vào thế rủi ro, vì phải tập trung đến các điểm kiểm tra Covid-19 sau mỗi chuyến đi. Đó là chưa kể chi phí mà doanh nghiệp phải bỏ ra cho việc này.
Thay vào đó, VLA đề xuất quy tắc vận tải an toàn phòng dịch, với nguyên tắc lái xe không rời cabin khi ra, vào, giao nhận hàng hóa; đơn vị giao nhận hàng hóa tại địa phương có trách nhiệm bốc xếp hàng hóa, không tiếp xúc với lái xe. Doanh nghiệp sẽ cùng tham gia thực hiện, tuân thủ nghiêm túc yêu cầu của Bộ Y tế về việc ghi chép hành trình, đảm bảo thông thoáng phương tiện, thực hiện các biện pháp phòng chống dịch…
Với cách làm này, luồng xanh cho vận chuyển hàng hóa sẽ không chỉ dành cho một số địa phương, một số doanh nghiệp, sản phẩm theo các đề xuất riêng lẻ như lâu nay. Cùng với các giải pháp giữ an toàn cho lao động thông qua việc tổ chức lại sản xuất, sắp xếp lao động của doanh nghiệp, nếu dòng chảy hàng hóa được đảm bảo thông suốt, thì doanh nghiệp có thể an tâm duy trì sản xuất, tiến hành đàm phán đơn hàng mới ngay cả khi dịch bệnh diễn biến phức tạp.
Tất nhiên, lối thoát duy nhất để sớm thoát khỏi vòng vây của Covid-19 là vaccine, nhưng trong lúc chờ đợi, hãy đừng để các kết nối của nền kinh tế, của doanh nghiệp, của người dân bị gián đoạn.