Thưa Ngài Chủ tịch nước, tôi rất ấn tượng về khái niệm Ấn Độ Dương - châu Á – Thái Bình Dương và sự lạc quan của Ngài về tương lai của khu vực này. Cơ sở nào khiến Ngài có quan niệm như vậy?
Chủ tịch nước Trần Đại Quang: Như tôi đã đánh giá, khu vực này có sự kết nối tự nhiên về địa lý, lịch sử, kinh tế, văn hóa từ nhiều thế kỷ. Đây là nền tảng thuận lợi cho quan hệ hữu nghị, hợp tác mà hiếm khu vực nào khác trên thế giới có được.
Chủ tịch nước Trần Đại Quang nói chuyện trước khoảng 300 chính khách, giáo sư, nhà nghiên cứu, học giả và các sinh viên Ấn Độ, sáng 4/3. |
Trong những năm qua, nền tảng đó ngày càng được củng cố bởi sự phát triển mạnh mẽ của các nước trong khu vực cũng như được thúc đẩy tích cực từ các xu thế chủ yếu trên thế giới là hòa bình, hợp tác, phát triển, toàn cầu hóa, khu vực hóa, liên kết và hội nhập.
Tất cả các sáng kiến liên kết khu vực mà lãnh đạo các nước đưa ra gần đây, nếu được thực hiện đúng như tuyên bố, sẽ góp phần tạo ra một tương lai hòa bình, hợp tác và thịnh vượng chung ở Ấn Độ Dương - châu Á - Thái Bình Dương.
Tôi nghĩ rằng, đó là thời cơ và thuận lợi cơ bản để chúng ta cùng nỗ lực tạo dựng một không gian an ninh và phát triển mới: Không gian Ấn Độ Dương - châu Á - Thái Bình Dương.
Xin Ngài Chủ tịch nước cho biết quan điểm về sự tương quan giữa “Chính sách hướng Đông” và “Hành động hướng Đông” với ý tưởng và tầm nhìn về sự kết nối giữa hai khu vực Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương?
Việc triển khai “Chính sách hướng Đông” và “Hành động hướng Đông” của Ấn Độ sẽ góp phần phát triển không gian Ấn Độ Dương - châu Á - Thái Bình Dương, thúc đẩy xây dựng một cấu trúc khu vực bền vững, bao trùm trên cơ sở luật pháp quốc tế, góp phần bảo đảm môi trường hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển ở khu vực và trên thế giới.
Chủ tịch nước Trần Đại Quang và các học giả Ấn Độ tại buổi gặp gỡ. |
Tôi cho rằng, Tầm nhìn Ấn Độ Dương - châu Á - Thái Bình Dương trở thành hiện thực sẽ tạo cơ sở cho chính sách “Hành động hướng Đông” đạt được các mục tiêu, lợi ích đề ra.
Xin Ngài Chủ tịch nước cho biết quan điểm về vai trò của ASEAN trong sự kết nối giữa hai khu vực Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương và tương lai của Ấn Độ Dương - châu Á - Thái Bình Dương?
Về mặt địa lý, các nước ASEAN nằm ở trung tâm khu vực Ấn Độ Dương - châu Á - Thái Bình Dương. Tất cả các tuyến đường hàng hải quan trọng nối Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương đều đi qua Đông Nam Á.
ASEAN là tổ chức khu vực duy nhất có khuôn khổ và cơ chế hợp tác chặt chẽ với tất cả các nước trong và ngoài khu vực. Do vậy, mọi sáng kiến liên kết khu vực đều có vai trò quan trọng đối với ASEAN. Một ASEAN tự cường, đoàn kết, có quan hệ cởi mở với bên ngoài là nhân tố quan trọng bảo đảm Ấn Độ Dương - châu Á - Thái Bình Dương hòa bình, ổn định và thịnh vượng.
Chúng tôi cho rằng, thời gian tới, các cơ chế của ASEAN sẽ có điều kiện phát huy hơn nữa vai trò và thế mạnh của mình trong tiến trình kết nối Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương, góp phần tạo dựng tương lai chung tươi sáng cho Ấn Độ Dương - châu Á - Thái Bình Dương.