📞

Không khí ô nhiễm làm biến đổi ADN ở trẻ sơ sinh

13:01 | 10/12/2016
Đây là kết luận do các nhà khoa học thuộc Viện hàn lâm Khoa học Cộng hòa Czech đưa ra sau khi nghiên cứu tác động của ô nhiễm không khí đối với phụ nữ mang thai và trẻ sơ sinh ở một số thành phố trong nước.

Các nhà khoa học đã tiến hành so sánh tình trạng không khí mùa Đông và mùa Hè tại các thành phố Karvina và Ceske Budejovice của Czech, sau đó xem xét ảnh hưởng đối với sức khỏe của trẻ sơ sinh.

Trong công trình nghiên cứu kéo dài 4 năm, họ đã lấy mẫu ADN của 400 trẻ sơ sinh và những người mẹ để so sánh. Việc phân tích dữ liệu chưa hoàn tất, song những kết luận ban đầu cho thấy trẻ em sinh ra tại các khu vực có không khí ô nhiễm gặp phải những biến đổi về ADN và hay bị ốm (nhất là hay mắc các bệnh về đường hô hấp) so với trẻ sinh ra ở những khu vực không bị ô nhiễm không khí.

Không khí ô nhiễm tại một khu vực ở Czech. (Nguồn: Radio Cz)

Chuyên gia y học thực nghiệm Radim Sram - trưởng nhóm nghiên cứu cho biết, nồng độ benzopiren (chất có nguy cơ gây ung thư) trong không khí ở những thành phố trên gây tổn thương cấu trúc ADN và ảnh hưởng xấu tới quá trình trao đổi chất, hệ miễn dịch và sự phát triển trí não của những người mẹ và đặc biệt là đối với trẻ sơ sinh trong khu vực được theo dõi này.

Theo số liệu của Viện Khí tượng thủy văn Czech, nồng độ benzopiren được đo hàng năm cao hơn mức cho phép tại hơn 20,3% lãnh thổ, nơi có gần một nửa dân số sinh sống. Nguồn phát tán chủ yếu chất benzopiren là khói thuốc lá, khói lò sưởi đốt củi, than, khói xăng, nhựa đường, nhựa than đá.

Trong khi đó, theo số liệu của Bộ Bảo vệ môi trường Czech, người dân tại 40% lãnh thổ nước này đang phải hít thở bầu không khí ô nhiễm, bất chấp kinh phí chi cho kế hoạch bảo vệ môi trường tại đây trong năm 2015 đã tăng 27,8%, đạt 40,1 tỷ Koruna (gần 1,5 tỷ Euro).

(theo TTXVN)