Nhỏ Bình thường Lớn

Không nên cứu trợ kiểu 'mạnh ai nấy làm'

Để cứu trợ sau bão lũ hiệu quả, điều quan trọng là đi “thăm khám” để chọn địa bàn cần trao nhất, biết được cần trao gì nhất, từ đó giúp việc huy động đúng nguồn lực, trao đúng mục đích.
Cứu trợ sau bão lũ: Cần trao đúng 'cái cần câu'
Tác giả bài viết, cư sĩ Lưu Đình Long (trái) trong một chuyến cứu trợ bà con. (Ảnh: NVCC)

Cơn bão số 3 (Yagi) đổ bộ vào các tỉnh thành phía Bắc vừa qua được đánh giá cơn bão mạnh nhất 30 năm qua. Người đứng đầu Chính phủ khi trực tiếp xuống những nơi bị ảnh hưởng nặng nhứt của bão lũ, đặc biệt là tại Làng Nủ (Lào Cai) đã bật khóc vì độ thảm khốc, nỗi đau quá lớn của đồng bào.

Báo cáo tại “Hội nghị Thường trực Chính phủ với các địa phương bị ảnh hưởng do cơn bão số 3 về các giải pháp khắc phục hậu quả, hỗ trợ người dân, doanh nghiệp ổn định đời sống, khôi phục hoạt động sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng” tổ chức sáng 15/9, tại Hà Nội, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, ước tính sơ bộ, chưa đầy đủ, thiệt hại về tài sản do bão số 3 gây ra khoảng 40.000 tỷ đồng.

Trong số đó, khoảng 257.000 căn nhà, 1.300 trường học và nhiều công trình hạ tầng bị sập đổ, hư hại; 305 sự cố đê điều, chủ yếu là các tuyến đê lớn từ cấp III trở lên; trên 262.000ha lúa, hoa màu, cây ăn quả bị ngập úng, thiệt hại, gẫy đổ; 2.250 lồng bè nuôi trồng thủy sản bị hư hỏng, cuốn trôi; gần 2,3 triệu gia súc, gia cầm bị chết và gần 310.000 cây xanh đô thị gẫy đổ.

Đến nay, đã có 353 người chết, mất tích, khoảng 1.900 người bị thương và tác động sang chấn tâm lý nặng nề cho nhiều người dân tại khu vực thiên tai, nhất là trẻ em, người cao tuổi, đối tượng dễ bị tổn thương.

Nên "thăm khám" địa bàn

Trong bão lũ kinh hoàng lần này, sự chỉ đạo xuyên suốt của Đảng, Nhà nước, các cấp từ Trung ương đến địa phương, cùng tinh thần san sẻ của người dân đã phần nào xoa dịu, khắc phục bước đầu những thiệt hại. Vấn đề cần nhất trong lúc này, ngoài lương thực thực phẩm cứu đói tại chỗ với tinh thần không để bất cứ người dân nào đói, rét thì việc sửa chữa, phục hồi các công trình công cộng, dân sinh, trường học bị hư hại phải làm càng sớm càng tốt.

Càng về cuối năm, bão lũ càng phức tạp hơn nên cũng cần các phương án phòng chống hữu hiệu, tránh thiệt hại ở mức thấp nhất có thể. Sau khi lo cứu đói, chống rét cho dân, dựa vào các nguồn lực hỗ trợ, đóng góp của nhà nước, nhân dân, chung tay của các tổ chức, đoàn thể, doanh nghiệp… tùy theo mức độ thiệt hại của từng vùng, từng địa phương mà có hỗ trợ kịp thời, cụ thể, để người dân từng bước vực dậy.

Tin liên quan
Cứu trợ sau bão lũ: Cần trao quyền tự chủ nhiều hơn cho đội ngũ cán bộ cơ sở Cứu trợ sau bão lũ: Cần trao quyền tự chủ nhiều hơn cho đội ngũ cán bộ cơ sở

Thực tế hiện nay, các đoàn cứu trợ ở ta đa phần hoạt động theo hướng tự nguyện. Đã là tự nguyện nên tất cả đều tùy tâm. Do vậy, đôi khi các đoàn từ thiện chưa nắm địa bàn, chưa nắm đúng, đủ nhu cầu thực tế của người dân các địa phương trong vùng bão lũ nên chưa có sự điều tiết từ số lượng đến thể loại hàng cứu trợ phù hợp.

Điều này dẫn tới việc, có thể có nơi nhận nhiều, nơi nhận ít; có những thứ người dân cần thực sự để xây dựng lại cuộc sống không được trao nhưng dư dả các nhu yếu phẩm khiến hư, mốc, hoặc sử dụng không hết phải bỏ. Cứu đói, cứu rét rất cần trong lúc nguy cấp, nhưng sau đó cần phải được tìm hiểu kỹ, để “đáp ứng” các nhu cầu thực tế của người dân. Theo tôi, đó mới là cách để thực hiện cứu trợ, từ thiện hiệu quả.

Cách cho và của cho trong thời nay không còn là câu chuyện thái độ đến với người nghèo khó, bị ảnh hưởng tai ương, dịch bệnh mà là làm như thế nào cho khoa học. Rất đau lòng khi có những nơi có quá nhiều đoàn cứu trợ đem mì ăn liền, bánh chưng, bánh tét tới, không dùng hết phải bỏ vì hư, thiu, quá hạn.

Thêm nữa, việc không thông thạo địa hình, giữa bão lũ còn ngổn ngang, các đoàn cứu trợ đôi khi thiếu các kỹ năng, làm không đúng chức năng dẫn tới những tai nạn đáng tiếc. Đây cũng là điều mà các đoàn cứu trợ cần lưu ý để có thể làm việc thiện dài hơi, lợi người lợi mình.

Yếu tố quan trọng để đảm bảo hiệu quả của các hoạt động cứu trợ, đó chính là “hiểu và thương”. Thương người đang khó, khổ, gặp thiên tai, mất mát là tình dân tộc, nghĩa đồng bào. Nhưng thương phải hiểu, đối tượng cần gì để mang tới chứ không phải đem tới cái mình có hoặc cái mình nghĩ rằng họ cần.

Cứu trợ sau bão lũ: Cần trao đúng 'cái cần câu'
Xe chở đồ ủng hộ của bà con xã Quảng Hải, Quảng Xương, Thanh Hóa đến với người dân vùng lũ lụt ở Lào Cai, hôm 13/9. (Nguồn: VNE)

Làm gì cũng cần phải có “la bàn” chỉ đường thì mới không lạc. Thực tế, trong hoàn cảnh này, vai trò dẫn đường chính là địa phương nơi xảy ra thiên tai. Các đoàn từ thiện có thể thông qua chính quyền địa phương, phối kết chặt chẽ với họ để có thể chia sẻ hữu hiệu các nguồn lực mình có, huy động được.

Nhiều năm trước, khi tham gia tình nguyện ở CLB Ngàn Hạc Giấy, anh Bùi Nghĩa Thuật, chủ nhiệm bấy giờ đã rất kinh nghiệm khi làm các hoạt động thiện nguyện, cứu trợ đã chia sẻ các bước để có thể trao đúng “cái cần câu” mà người dân địa phương ấy cần, trong đó quan trọng nhất là việc đi tiền trạm.

Đó chính là đi “thăm khám” để chọn địa bàn cần trao nhất, biết được họ cần trao gì nhất, từ đó giúp việc huy động đúng nguồn lực, trao đúng mục đích mới giúp hiệu quả. Chúng ta không thể đem bò giống ra vùng biển bảo người ta chăn nuôi và cũng không thể đem thuyền thúng lên núi kêu họ ra khơi, bảo giúp họ thoát nghèo, dù giá trị món quà lớn tới đâu.

Tránh làm theo phong trào

Cứu người trong thiên tai như cứu hỏa, nhưng không phải là chuyện chuyên môn của tất cả người dân. Tôi cũng như nhiều người xúc động khi thấy những chiếc xe lớn dìu xe bé hay người đi bộ tránh cơn gió to. Đó cũng là sự chia sẻ trong tình huống đặc biệt.

Nhưng sau bão lũ, các hoạt động chuyên nghiệp của Nhà nước thuộc các ngành như công an, quân đội, y bác sĩ, hội chữ thập đỏ, mặt trận Tổ quốc… sẽ giúp người dân nhanh chóng giải quyết các vấn đề căn cốt. Khi đó, người dân có thể hòa cùng, chung sức cho những nơi công cộng sớm được tái thiết bằng cách góp công góp sức.

Để cứu trợ hiệu quả, cần “thăm khám” để chọn địa bàn cần trao nhất, biết được họ cần trao gì nhất, từ đó giúp việc huy động đúng nguồn lực, trao đúng mục đích mới giúp hiệu quả. Chúng ta không thể đem bò giống ra vùng biển bảo người ta chăn nuôi và cũng không thể đem thuyền thúng lên núi kêu họ ra khơi, bảo giúp họ thoát nghèo, dù giá trị món quà lớn tới đâu.

Trong đợt thiên tai này, Mặt trận Tổ quốc đã lần đầu tiên công bố kê khai khoản nhận. Nhiều tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp chung tay rất nhiều và họ theo dõi được sự đóng góp của chính mình. Theo tôi, việc giải ngân hiệu quả nguồn lực đóng góp của toàn dân cũng cần minh bạch để người dân thấy được giá trị cộng hưởng, thấy được đóng góp của họ đem lại sự thay đổi tích cực cho đối tượng thụ hưởng, chắc chắn “của ít lòng nhiều”, những lần sau họ sẽ gửi gắm một cách tích cực hơn.

Tôi nghĩ, khi nguồn lực được tập trung, không phân tán, kiểu "mạnh ai nấy làm" sẽ tạo ra những giá trị rõ rệt hơn, tránh lãng phí, chồng chéo... Ví dụ, qua theo dõi thông tin, tôi thấy làng đào ở Hà Nội bị ngâm nước và chết hết. Họ cần hồi phục sản xuất ra sao, địa phương, người dân rõ nhất trong vấn đề sinh kế này. Do vậy, sử dụng nguồn lực từ thiện hướng đến họ chính là giúp khôi phục làng đào.

Ở những địa phương khác cũng vậy, có người cần dựng lại nhà, để an cư, trước mắt khi an ổn chỗ ở thì họ sẽ bắt tay khôi phục sản xuất. Đó chính là cứu trợ khoa học, lâu dài. Tránh làm theo phong trào, "bắt đúng bệnh" thì trị mới mau khỏi, hỗ trợ sinh kế cho dân cũng vậy.

Ngày 15/9, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo trong việc rà soát các thôn bản bị vùi lấp, các gia đình mất nhà, tổ chức tái định cư tại nơi an toàn trước 31/12/2024 phải hoàn thành, yêu cầu là nơi ở mới phải tốt hơn nơi ở cũ, nhà ở có nền cứng, vách cứng, mái cứng. Như yêu cầu cấp bách của Thủ tướng, bên cạnh cứu trợ thì ổn định tình hình nhân dân, khôi phục sản xuất kinh doanh, kiểm soát lạm phát và thúc đẩy tăng trưởng chính là kim chỉ nam trong lúc này.

Cư sĩ Lưu Đình Long có 16 năm tổ chức hoạt động chia sẻ quà Tết "Niềm vui bất ngờ", "Vui Tết Trung thu cùng trẻ nghèo", thành viên Quỹ học bổng "Tiếp sức tương lai"... Anh là tác giả của các đầu sách: Lắng nghe hơi thở, Tâm kinh mình thuyết cho mình, Như mây thong dong, Như gió an lành, Bình an mà sống, Sống tích cực, thương chân thành.

Lũ lụt miền Bắc: Những chuyến xe chở nghĩa tình

Lũ lụt miền Bắc: Những chuyến xe chở nghĩa tình

Những chuyến xe từ thiện hướng về các vùng lũ miền Bắc không chỉ chở áo phao, nước uống, thức ăn mà còn chở nghĩa ...

Sao Việt tuần qua: Nhiều nghệ sĩ, diễn viên, ca sĩ cùng 'vào cuộc' ủng hộ bà con vùng lũ

Sao Việt tuần qua: Nhiều nghệ sĩ, diễn viên, ca sĩ cùng 'vào cuộc' ủng hộ bà con vùng lũ

Tối 14/9, diễn viên Phương Oanh bất ngờ chuyển khoản 100 triệu đồng ủng hộ thêm đồng bào vùng lũ phía Bắc.

Cô giáo Yên Bái lấm bùn ăn mì tôm gây sốt mạng xã hội

Cô giáo Yên Bái lấm bùn ăn mì tôm gây sốt mạng xã hội

Mới đây, mạng xã hội lan truyền hình ảnh một cô giáo ở Yên Bái nghỉ tay ăn mì gói khi dọn dẹp trường học ...

TP. Hồ Chí Minh: Nhiều trường đại học quyên góp hàng tỷ đồng cho vùng lũ, không nhận hoa khai giảng

TP. Hồ Chí Minh: Nhiều trường đại học quyên góp hàng tỷ đồng cho vùng lũ, không nhận hoa khai giảng

Nhiều trường đại học tại TP. Hồ Chí Minh không tổ chức khai giảng, quyên góp hàng tỷ đồng cho vùng lũ, không nhận hoa ...

TS. Cù Văn Trung: 'Tình người xuất hiện trong bão lũ miền Bắc gieo thêm niềm tin vào cuộc sống'

TS. Cù Văn Trung: 'Tình người xuất hiện trong bão lũ miền Bắc gieo thêm niềm tin vào cuộc sống'

Trong bão số 3 và lũ lụt ở một số tỉnh phía Bắc, tình người, sự san sẻ, những hành động tử tế xuất hiện ...