📞

Không thể mãi “giải cứu”!

13:00 | 01/07/2017
Tại phiên họp Chính phủ thường kỳ hồi tháng Năm, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nêu thực tế chuyện giá thịt lợn hơi rớt thảm gây thiệt hại lớn cho nông dân. Người đứng đầu Chính phủ cũng yêu cầu các bộ rà soát ngay các quy hoạch, kế hoạch và tình hình sản xuất, chế biến, lưu thông, tiêu thụ sản phẩm thuộc phạm vi quản lý, không được để xảy ra những trường hợp tương tự.

Những cuộc “giải cứu” thịt lợn, thịt vịt, thịt gà, trứng… đã và đang được cả nước rầm rộ thực hiện. Trước đó là vô số những cuộc “giải cứu” dưa hấu, hành tím, bí, khoai lang, chuối… Nguyên nhân chung của những cuộc “giải cứu” đó đều là cung vượt xa cầu, dẫn đến hàng hóa ứ đọng, giá rớt thê thảm, người sản xuất thua lỗ nặng nề.

Những cuộc “giải cứu” đó đều là cung vượt xa cầu, dẫn đến hàng hóa ứ đọng, giá rớt thê thảm, người sản xuất thua lỗ nặng nề.

Nhân tố trực tiếp dẫn tới những cuộc “giải cứu” là những người sản xuất, mà ở đây chủ yếu là nông dân. Do thiếu kiến thức về thị trường, mỗi khi loại hàng hóa nào được giá, người nông dân lại tập trung mở rộng quy mô sản xuất, tăng mạnh sản lượng. Tuy nhiên, giá hàng hóa và nhu cầu thị trường thường mang tính thời điểm. Khi thời điểm giá cao, cầu mạnh qua đi, hàng hóa lại trở lại với mặt bằng cũ, thậm chí còn thấp hơn rất nhiều do lượng cung quá lớn. Hệ lụy là người nông dân “lãnh” đủ. Hàng sản xuất ra không tiêu thụ được hoặc tiêu thụ với giá thấp hơn giá thành sản xuất, dẫn tới thua lỗ nặng nề.

Trong các câu chuyện “giải cứu”, người nông dân luôn vừa là “chủ thể”, vừa là “nạn nhân”. Tuy nhiên, lỗi không hoàn toàn thuộc về họ. Bởi lẽ thứ nhất, người nông dân chưa được trang bị đầy đủ kiến thức về thị trường. Vì thế, họ khó có khả năng nắm bắt diễn biến của thị trường để điều chỉnh sản xuất cho phù hợp. Lẽ thứ hai, hầu hết các hộ sản xuất nông nghiệp ở Việt Nam đều mang quy mô nhỏ, không có khả năng tạo lập thị trường. Vì thế, họ chỉ là những người “chạy theo” diễn biến chứ không thể làm chủ thị trường để quyết định mức cung và giá cho hợp lý theo từng thời điểm. Chưa hết, nguồn vốn của người nông dân thường “mỏng” nên khả năng chống đỡ trước những diễn biến bất lợi của thị trường rất yếu.

Trách nhiệm để phải có những cuộc “giải cứu” có phần đáng kể của việc quy hoạch sản xuất. Khi các hộ sản xuất nông nghiệp đều nhỏ lẻ, các cơ quan quản lý ngành cần đưa ra những quy hoạch sản xuất phù hợp theo từng giai đoạn để hướng dẫn người nông dân biết nên tập trung sản xuất sản phẩm nào có khả năng tiêu thụ tốt trên thị trường. Mặt khác, trong câu chuyện “giải cứu” thịt lợn còn tồn tại vấn đề ở khâu tiêu thụ. Khoảng cách giữa giá lợn nguyên liệu và giá thịt lợn đến tay người tiêu dùng quá xa nhau. Điều đó có nghĩa, trong khi người nông dân thua lỗ, và người tiêu dùng vẫn phải sử dụng thịt lợn với giá cao, thì một khoản lợi nhuận rất lớn vào túi các khâu trung gian. Trách nhiệm giải quyết vấn đề này thuộc về các cơ quan quản lý thị trường.

Cụm từ “giải cứu” đang trở nên ngày càng quen thuộc trong những năm gần đây. Đó là sự chia sẻ của người dân cả nước đối với những người nông dân “một gió hai sương”. Tuy nhiên, sự chia sẻ ấy không thể tồn tại mãi. Bởi điều đó hại nhiều hơn lợi. Điều đó thể hiện tư duy sản xuất “chộp giật”. Bản thân người nông dân, các cơ quan chức năng phải có những giải pháp để xây dựng một nền sản xuất nông nghiệp bền vững. Được như thế, người nông dân mới luôn an tâm sản xuất. Người tiêu dùng, người dân cả nước không còn phải liên tục lo “giải cứu”!