📞

Không thể nói nợ công đang ở ngưỡng an toàn

05:00 | 03/04/2017
Dự thảo Luật Quản lý nợ công (sửa đổi) vừa được trình ra Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho thảo luận lần đầu tiên. GS. TSKH Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (VAFIE) đã có cuộc trao đổi với Thế giới & Việt Nam xung quanh vấn đề nợ công.

Tại cuộc họp mới đây, chính Bộ trưởng tài chính Đinh Tiến Dũng cũng như nhiều đại biểu Quốc hội đã thừa nhận, nợ công tăng là do chính bản thân chúng ta gây ra?

Điều này hoàn toàn chính xác. Nợ công thì có phần nợ ngoài nước, các khoản vay của Chính phủ, chủ yếu thông qua phát hành trái phiếu tại thị trường trong nước và vay vốn ODA, vay ưu đãi từ các nhà tài trợ nước ngoài. Tuy nhiên, những khoản vay ưu đãi thường đi kèm theo điều kiện là nhập khẩu phải nhập từ chính nước cho vay nợ, nếu đấu thầu thì phải cho chính các doanh nghiệp nước cho vay tham gia đấu thầu.

Mặc dù lãi suất vay ODA thường rất thấp, nhưng giá nhập thiết bị nhập khẩu lại cao hơn nhiều. Đơn cử, một bệnh viện nếu nhập thiết bị máy móc theo giá thương mại thì chắc chắn sẽ rẻ hơn từ 25 - 30% thiết bị nhập khẩu bằng ODA do các nước viện trợ.

Với đấu thầu, nếu doanh nghiệp Việt Nam làm thì sẽ rẻ hơn, còn nếu doanh nghiệp từ nước nhận ODA thì giá thành sẽ đắt hơn. Điều này sẽ làm cho lãi suất đội lên, dẫn đến khả năng trả nợ khó khăn hơn.

Về tỷ giá, hiện nay thế giới có xu hướng đa dạng hóa nguồn dự trữ ngoại hối, tức là không chỉ tích trữ bằng USD mà có thể là Yên Nhật, EURO, Nhân dân tệ… Việc đa dạng hóa nguồn dự trữ ngoại hối sẽ góp phần làm giảm bớt rủi ro khi tỷ giá có biến động.

Chẳng hạn nếu chúng ta vay Yên Nhật sau đó lại trả bằng USD, nếu đồng Yên tăng giá thì chúng ta phải trả nhiều hơn vay bằng USD. Do đó, tỷ giá sẽ ảnh hưởng rất lớn đến khả năng trả nợ cũng như tỷ lệ nợ công của một nước.

GS.TSKH Nguyễn Mại. (Nguồn: Báo Hải quan)

Ông đánh giá thế nào về cách tính nợ công của Việt Nam hiện nay?

Cách tính nợ công của Việt Nam và quốc tế đang có sự vênh nhau. Ở Việt Nam, nợ của doanh nghiệp Nhà nước, một số chính quyền địa phương hoặc tổ chức thuộc Nhà nước không được tính vào. Thực chất, hiện nay với khối nợ của doanh nghiệp Nhà nước cực kỳ lớn thì không thể nói nợ công đang ở ngưỡng an toàn.

Câu chuyện nợ công có rất nhiều vấn đề. Có ý kiến cho rằng, khi bàn về nợ công thì không chỉ nói đến việc vay bao nhiêu, trả bao nhiêu mà cần phải tính toán một cách toàn diện?

Thông thường, trong một thời gian nhất định nào đó các nước chủ nợ sẽ họp để xem xét nước vay nợ có được xóa hay giảm nợ hay không. Có những nước đi vay rất nhiều nhưng do họ có quan hệ tốt nên có thể được giảm một phần thậm chí được xóa những khoản nợ mà không thể trả được. Do “vận động” tốt nên Việt Nam đã từng vài lần được giảm nợ, cả nợ Nhà nước và doanh nghiệp.

Ngoài ra, trong điều kiện kinh tế nước đi vay quá khó khăn thì sẽ có cơ chế mua nợ, tức là các ngân hàng nước ngoài tìm đến nước gặp khó khăn để mua lại những khoản nợ với giá thấp hơn. Vào những năm 90, đã có một ngân hàng của Hà Lan muốn mua lại phần nợ công của Việt Nam với tỷ lệ giá trị khoảng 15%, tức là nếu Việt Nam đang nợ 1 triệu USD thì họ chỉ phải bỏ ra 150.000 USD. Như vậy, chúng ta có lợi, chủ nợ có lợi, người đi mua nợ cũng có lợi.

Tóm lại, cơ chế về nợ rất phức tạp, không chỉ là vấn đề trần nợ là bao nhiêu mà cần phải chú ý đến cả các mối quan hệ quốc tế. Ví dụ, nước cho Việt Nam vay ODA nhiều nhất hiện nay là Nhật Bản, mặc dù cũng có lúc họ phát hiện Việt Nam có hiện tượng quan liêu, hối lộ thì họ chỉ tạm ngừng một thời gian nhưng vẫn tiếp tục cho chúng ta vay. Điều này là do mối quan hệ chính trị giữa hai nước đang phát triển rất tốt đẹp.

Cần kiểm soát, xử lý các dự án đầu tư công kém hiệu quả. (Nguồn: Báo Đất Việt)

Nhiều nước phát triển đang rất có thiện cảm và ưu ái cho Việt Nam, đặc biệt họ sẵn sàng rút “hầu bao” cho chúng ta vay tiền để đầu tư phát triển. Vậy, chúng ta có nên tiếp nhận sự hỗ trợ này không, thưa ông?

Chẳng ngại gì mà không vay, cái quan trọng là khi vay thì phải tính toán kỹ đến khả năng trả nợ. Đây là việc của Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước, chứ không thể “ký đại” rồi chi tiêu “vung vít” dẫn đến không thu hồi lại được.

Bên cạnh đó, những doanh nghiệp được Nhà nước cho vay cần phải có quy định chặt chẽ về sử dụng vốn vay. Trước đây vẫn tồn tại tư duy vốn ODA là “vốn chùa”, nhưng phải hiểu dù lãi suất thấp nhưng chi phí cũng không phải ít.

Các cơ quan nhà nước đặc biệt là Bộ Tài Chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Ngân hàng Nhà nước cần phối hợp, theo dõi, giám sát nợ vay “thật chặt”. Cho đến bây giờ, thậm chí con số giữa 3 cơ quan này còn chưa thật “khớp nhau”.

Theo ông, Việt Nam cần phải có những giải pháp gì để giảm rủi ro của nợ công trong bối cảnh hiện nay?

Thứ nhất, việc tính toán tỷ lệ nợ công cần nhất quán theo thông lệ quốc tế nhằm nâng cao tính chịu trách nhiệm của các đối tượng có liên quan.

Thứ hai, cần kiểm soát, xử lý các dự án đầu tư công kém hiệu quả. Phân cấp đầu tư, tránh việc đầu tư dàn trải bằng vốn ngân sách trên tất cả các lĩnh vực, các ngành nghề như hiện nay.

Thứ ba, cần có sự giám sát chặt chẽ các khoản chi từ Trung ương cho địa phương, đảm bảo sử dụng vốn đúng mục đích, có hiệu quả ngay từ khâu kiểm tra, đánh giá dự án.

Thứ tư, cần tiếp tục cải cách hệ thống thuế, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp nhằm nuôi dưỡng nguồn thu trong tương lai. Cuối cùng là duy trì khả năng xuất khẩu, coi xuất khẩu là yếu tố then chốt để trả nợ.

Xin cảm ơn ông!

(thực hiện)