📞

Không thể thờ ơ

13:26 | 18/04/2008
Không thể thờ ơ hơn nữa với tình trạng thâm hụt tài khoản vãng lai trong cán cân thanh toán của Việt Nam, bởi đó là một trong ba ngòi nổ của khủng hoảng kinh tế.

Đó là quan điểm của Vụ trưởng Vụ Chiến lược phát triển các ngân hàng - Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN), ông Lê Xuân Nghĩa.

Cán cân thanh toán của Việt Nam thời điểm này, theo ông, có đáng lo ngại chưa?

- Cán cân thanh toán của một quốc gia là một trong ba ngòi nổ của khủng hoảng kinh tế (bên cạnh tình trạng bong bóng trên thị trường bất động sản và tính thanh khoản của hệ thống ngân hàng - NV).

Người ta đang nói nhiều về cán cân thanh toán của Mỹ trong đó thâm hụt thương mại lên tới trên 700 tỉ đô la, là vấn đề trầm trọng không chỉ với kinh tế Mỹ. Nhưng mức thâm hụt đó mới chỉ bằng 5% GDP của Mỹ, tuy cao nhưng chưa nguy hiểm. Trong khi Việt Nam hiện thâm hụt thương mại lên tới 16-17% GDP và quí 1 năm nay, mức thâm hụt lên đến 7,4 tỉ đô la Mỹ, là mức lớn nhất từ trước tới nay.

Cái tai hại của thâm hụt thương mại là được tài trợ bởi luồng vốn ngắn hạn. Trong trường hợp các luồng vốn ngắn hạn này ra khỏi Việt Nam (đảo chiều), các khoản nợ sẽ rất nghiêm trọng, lúc bấy giờ muốn phục hồi cán cân thương mại thì phải phá giá đồng tiền và mất ổn định kinh tế vĩ mô.

Vì sao cán cân thanh toán của Việt Nam có vấn đề?

- Theo tính toán của chúng tôi, có mấy con đường khiến cán cân thanh toán ngày càng trở nên trầm trọng. Thứ nhất, vốn nước ngoài vào làm thu nhập dân cư trong nước tăng lên trong khi các khoản đầu tư khác của Nhà nước vào khu vực sản xuất, hay đầu tư công của Chính phủ tuy lớn nhưng chưa cho ra sản phẩm và thu nhập ngay. Chính vì vậy, cầu tiêu dùng được đẩy lên rất lớn.

Thống kê về nhập khẩu được công bố cho thấy nhập khẩu hàng tiêu dùng không nhiều nhưng tôi cho rằng đó là con số thống kê không chính xác, bởi hàng hóa nước ngoài đang tràn ngập trên thị trường. Đại bộ phận hàng tiêu dùng hiện nay đều được nhập từ Thái Lan và Trung Quốc nhưng không biết đường nào, kể cả gạo. Hàng nhập qua đường tiểu ngạch chưa được thống kê, song phải nói là rất lớn.

Quí 1 vừa qua, một số nhà xuất khẩu có ngoại tệ không bán được cho ngân hàng nên tìm cách nhập hàng về bán trong nước lấy tiền đồng, vừa bán được ngoại tệ vừa có lợi nhuận nhờ nhập khẩu. Nhiều doanh nghiệp Việt Nam có giấy phép xuất nhập khẩu nên làm việc đó đơn giản. Điều đó khiến nhà nhập khẩu chuyên nghiệp khan hiếm ngoại tệ, phải vay trên thị trường ngân hàng. Và gần đây, thanh khoản ngoại tệ của ngân hàng bắt đầu khó khăn.

Một yếu tố khác, hầu hết hàng xuất khẩu Việt Nam có hàm lượng nhập khẩu lớn. Nhiều nguyên liệu gần đây trở nên đắt đỏ, giá trị nhập khẩu cũng tăng lên rất nhanh. Với việc kiên quyết chống lạm phát thì một ngày nào đó giá đầu ra sẽ không thể bù đắp chi phí đầu vào nên các doanh nghiệp nhỏ và vừa, vốn ít sẽ gặp khó khăn lớn, thậm chí có thể làm đình đốn một số cơ sở sản xuất trong nước.

Nếu xét theo một chuẩn khác thì trước khủng hoảng tài chính châu Á năm 1997, một loạt các nước Đông Nam Á có chỉ tiêu kinh tế vĩ mô lành mạnh, song chỉ có hai điểm không lành mạnh là bong bóng bất động sản và thâm hụt thương mại lên tới 12-13% GDP. Một số nhà kinh tế đã dự báo đó sẽ là ngòi nổ khủng hoảng, nhưng không mấy ai tin, và thực tế đã đúng vậy. Việt Nam hiện cũng vậy, ngoài những chỉ tiêu kinh tế vĩ mô chung như thâm hụt ngân sách, lạm phát, ICOR cao thì chúng ta cũng gặp bong bóng bất động sản.

Một quan chức của NHNN tuyên bố rằng dư nợ tín dụng bất động sản chỉ khoảng 10%, hình như ông quá lo về ngòi nổ này?

- Bong bóng bất động sản ở Mỹ so với giá trị thực chỉ có 10% đã nguy hiểm còn ở Việt Nam, bong bóng này so với giá trị thực bao nhiêu không ai biết. Bởi cơ chế quản lý, giá nhà nước một đường thị trường một nẻo, quyền mua bán thuộc chính quyền địa phương và những ai chạy được dự án mới có cơ hội nắm cung bất động sản. Đây mới là những cái lớn, nhà hoạch định chính sách cần để ý chứ không phải mấy cá nhân mua nhà này bán nhà kia. Hầu hết các dự án có được nhờ xin-cho mới là nơi tập trung phần lớn vốn bất động sản.

Bất động sản đang căng thẳng vì thiếu vốn, vì chứng khoán, vì những tác động xấu bên ngoài. Thị trường bất động sản nếu sụp đổ sẽ đánh thẳng vào hệ thống ngân hàng, nơi cả cho vay, cả thế chấp đang lên tới 50-60% tổng tài sản của các ngân hàng. Không ngân sách nào của Việt Nam chịu đựng nổi. Đó là điều rất đáng lo ngại.

NHNN liệu có đưa ra một Chỉ thị 03 bất động sản?

- Không, từng ngân hàng thương mại cũng sợ và đã cẩn thận hơn trong cho vay bất động sản. Song, cần nói lại là khả năng kiểm soát của NHNN cũng đáng nghi ngờ bởi đáng lẽ khi phát sinh những khoản đầu tư vào bất động sản anh phải biết rồi chứ không phải để chúng lên rất cao rồi mới thanh tra, cũng như khi phát hiện có ngân hàng cho vay chứng khoán quá nhiều rồi anh mới điều tra, mới công bố biện pháp thì quá chậm. Hệ thống thông tin quản lý quá yếu và không có công cụ nên chính sách giật cục là vì thế.

Vậy là chúng ta sẽ không thể đảo chiều thâm hụt thương mại ngay lập tức?

- Việc giảm thâm hụt thương mại có tác động kinh tế vĩ mô rất quan trọng, giúp kinh tế ổn định và giúp các doanh nghiệp trong nước, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa không bị tiêu diệt bởi hàng hóa ngoại. Một mình thâm hụt thương mại không ghê gớm nhưng nếu cộng với cân đối vĩ mô khác và bong bóng bất động sản, với tình trạng ta đã mở cửa thị trường vốn (vốn vào và ra đều có thể rất nhanh) nên đã đến lúc chúng ta không thể thờ ơ.

Chính phủ dường như đã nhận ra điều này và bắt đầu có nhiều biện pháp giảm nhập khẩu. Đó là những điều cần thiết. Điều quan trọng nhất trong điều kiện mở cửa là dự báo và phản ứng trước, nếu sai cũng đừng đột ngột quay trở lại mà phải từ từ vì không có gì đột ngột mà thành công được.

Bao nhiêu năm trời, chúng ta mới thâm hụt đến mức ấy, muốn đảo chiều thâm hụt thương mại mạnh mẽ nhất là làm tiền đồng yếu đi một cách quyết liệt, có thể đến mức 17.000 đồng hay 18.000 đồng ăn 1 đô la Mỹ. Lúc đó nhập khẩu có thể giảm ngay nhưng cái giá về tỷ giá phải trả là rất lớn. Cần phải thăm dò sức chịu đựng của thị trường trước khi đưa ra chính sách.

Chính chúng ta đã đẻ ra lạm phát do chạy theo tăng trưởng, vì vậy khi lạm phát đã lên cao rồi thì hãy lặng lẽ kéo về, không thể nóng vội bằng những biện pháp khẩn cấp. Lạm phát như cholesterol trong máu, khi tỷ lệ này quá cao ta phải hạ từ từ xuống, nhưng thanh khoản lại là máu, không có nó thì chống cholesterol vô nghĩa. Thanh khoản mà lung lay thì vô phương cứu chữa.

Nhưng chúng ta còn những khoản tài trợ khác với cán cân thanh toán?

- Thâm hụt thương mại được bù đắp một phần bằng kiều hối. Rất may là nguồn kiều hối của Việt Nam khá lớn. Trong cán cân thanh toán quốc tế năm 2007, kiều hối khoảng 6,5 tỉ đô la, bằng vốn đầu tư gián tiếp (FII). Nguồn này tương đối ổn định, không chạy ra chạy vào kiểu đầu cơ. Gần như một nửa thâm hụt thương mại của chúng ta được tài trợ bởi kiều hối.

NHNN có kế hoạch tăng dự trữ ngoại hối ra sao?

- Chính phủ đang tiếp tục tăng dự trữ ngoại hối. Dự trữ ngoại tệ của Việt Nam so với các nước trong khu vực hiện đang thấp, bằng khoảng một phần ba tổng kim ngạch nhập khẩu trong khi Thái Lan, Singapore hay Malaysia tỷ lệ này là hai phần ba đến ba phần tư.

Chúng ta mở cửa thị trường tài chính, nên nhà đầu tư sẽ nhìn vào dự trữ ngoại hối. Họ cần biết nếu họ tháo chạy (bằng ngoại tệ) thì liệu quốc gia đó có đủ ngoại tệ bán cho họ hay không. Dự trữ ngoại tệ là bảo lãnh cho đầu tư, đặc biệt là cho những nhà đầu tư gián tiếp. Dự trữ ngoại tệ có thể là nguồn tài trợ thương mại quan trọng trong trường hợp khẩn cấp và đối trọng với nợ nước ngoài. NHNN vẫn tiếp tục mua vào dự trữ ngoại tệ.

Cấp hạn ngạch cho vốn nước ngoài như một số ý kiến đề xuất lên Thủ tướng có phải là cách khôn ngoan?

- Tiền gián tiếp là thế, phải để nó ra nhanh thì nó mới vào, mình không thể tỏ ra khôn ngoan hơn nhà đầu tư được. Nếu thấy không an toàn họ sẽ không vào. Chúng ta phải sống với thói quen ấy, còn chuyện nó ra nhanh là lỗi của anh, không phải tội của nhà đầu tư gián tiếp.

Tất cả những kịch bản để quản lý vốn gián tiếp đều chứng minh rất tốn kém tiền của mà hiệu quả rất thấp, không thể quản lý được. Dòng vốn này có thể đi nhiều đường, qua nhiều người, có cấp hạn ngạch ta cũng không thể quản lý được vì nó có thể đứng tên nhiều người, khai nhiều kiểu.

Trung Quốc đã thất bại với kiểu làm như thế. Vốn gián tiếp vào Việt Nam đang là bao nhiêu? Trung Quốc từ năm 2005 đến nay chỉ số chứng khoán tăng từ 1.200 lên 6.000 thì chúng ta mới tăng gấp đôi nay lại về điểm xuất phát. Đồng tiền gián tiếp vào chứng khoán của ta rất nhỏ, chưa ghê gớm và chưa cần phải hốt hoảng.

Thuế là phương tiện sàng lọc tốt hơn cả. Nó có thể sàng lọc được loại vốn nào cho vào loại nào hạn chế theo trung, dài và ngắn hạn.

Có thể có những kịch bản gì khi vốn gián tiếp đảo chiều?

- Malaysia đã đóng cửa thị trường lại khi vốn gián tiếp bị rút quá nhiều. Một số nước khác dùng những hàng rào kỹ thuật, ví dụ đưa biên độ xuống thấp cũng là một cách. Hay bán ngoại tệ theo hạn mức, không bán ồ ạt cho mọi nhu cầu.

Biện pháp nhiều nước thành công nhất là áp dụng tỷ giá hối đoái kép, mua ngoại tệ của nhà xuất khẩu với tỷ giá có lợi cho họ, ví dụ mua 16.500 đồng/đô la Mỹ trong khi tôi mua ngoại tệ bên ngoài chỉ 15.500 đồng/đô la Mỹ. NHNN có đủ số liệu để biết ngoại tệ nào từ nguồn nào. Đài Loan, Singapore hay Malaysia đã một thời làm thế. Tất nhiên có sự rò rỉ chút ít, nhưng không quan trọng. Thụy Điển khi dòng vốn đảo chiều đã tăng lãi suất lên 100% khiến nhà đầu tư không thể ra đi vì “hời” quá.

Vậy chúng ta nên chấp nhận suy thoái kinh tế một thời gian?

- Những dự báo lạc quan nhất cho rằng kinh tế Mỹ suy thoái từ nay đến tháng 9. Nếu vậy thì may cho cả Việt Nam. Nhưng nếu Mỹ suy thoái kéo dài hơn (điều này nhiều khả năng hơn) thì quả là khó khăn. Nói Việt Nam phụ thuộc kinh tế Mỹ ở đây không phải phụ thuộc có tính chất hữu hình mà là lòng tin của thị trường. Nếu chỉ có chuyện trước đây xuất khẩu 6 tỉ đô la nay còn 3 tỉ thì quá đơn giản. Không đơn giản như vậy. Khủng hoảng tài chính không phải chỉ là tổn thương thực thể mà là lòng tin của con người.

Những dự báo lạc quan nhất cho rằng kinh tế Mỹ suy thoái từ nay đến tháng 9. Nếu vậy thì may cho cả Việt Nam. Nhưng nếu Mỹ suy thoái kéo dài hơn (điều này nhiều khả năng hơn) thì quả là khó khăn. Nói Việt Nam phụ thuộc kinh tế Mỹ ở đây không phải phụ thuộc có tính chất hữu hình mà là lòng tin của thị trường. Nếu chỉ có chuyện trước đây xuất khẩu 6 tỉ đô la nay còn 3 tỉ thì quá đơn giản. Không đơn giản như vậy. Khủng hoảng tài chính không phải chỉ là tổn thương thực thể mà là lòng tin của con người.

Kinh tế của Việt Nam sẽ suy giảm là chắc chắn, chỉ còn xem sẽ đến mức độ nào. Dự đoán của tôi, GDP năm nay chỉ khoảng 5,1-5,2%. Với con số này, nhiều người có thể cho rằng đó là suy thoái nhưng so với nhiều nước vẫn là mức cao.

Xin cảm ơn ông !

Nguồn tin TBKTSG