📞

Khúc tráng ca về một thời hoa lửa

07:28 | 03/08/2009
Nghĩa trang Liệt sĩ Quốc gia Đường 9 những ngày tháng Bảy ngào ngạt khói hương, hơn 10 nghìn ngọn nến được thắp lên trên 10 nghìn phần mộ của các liệt sĩ tỏa sáng lung linh huyền ảo. Những giọt nước mắt lăn dài trên khuôn mặt của các mẹ, các chị, những đôi vai gầy run bật nghẹn ngào. Các anh sẽ mãi ở lại yên giấc ngàn thu... cùng hồn Tổ quốc.

Chiến tranh đã lùi xa hơn 30 năm, nhưng ký ức về một thời hoa lửa hẳn sẽ còn in đậm, khôn nguôi trong tâm trí bao người… Thành cổ Quảng Trị, dòng sông Thạch Hãn - nơi hàng vạn người đã ngã xuống trong cuộc chiến giờ đây đã hồi sinh. Thời gian làm dịu nỗi đau, vết thương cũng đã lành, song những người đang sống hôm nay vẫn không bao giờ quên công lao và sự hy sinh to lớn của họ. Vì độc lập tự do của Tổ quốc, máu của họ đã hoà vào dòng Thạch Hãn, thấm vào cỏ non Thành Cổ. Hình hài của họ đã hoà quện cùng non sông đất nước… Trong dòng người từ khắp mọi miền tổ quốc về dự Đại lễ cầu siêu tưởng niệm anh linh các anh hùng liệt sĩ hy sinh tại chiến trường Quảng Trị, tôi chợt nghe trong thinh không tiếng chuông chiều vang lên từ tháp chuông Thành Cổ, tiếng ai đó dưới bến sông  vời vợi ngậm ngùi: Đò xuôi Thạch Hãn xin chèo nhẹ… Đáy sông còn đó bạn tôi nằm…Trong Đại lễ tưởng niệm anh linh các anh hùng liệt sĩ tại Nghĩa trang Liệt sĩ Quốc gia Đường 9, hàng vạn người từ khắp mọi miền Tổ quốc đã về đây cùng nhau thắp nén hương tri ân, tưởng niệm. Hoà thượng Thích Thanh Tứ - Phó Chủ tịch thường trực Hội đồng trị sự Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam xúc động nói: “Cả nước luôn hướng về anh linh các liệt sĩ, với truyền thống uống nước nhớ nguồn, ăn quả nhớ người trồng cây trong đạo lý của người Việt Nam, ngày 27/7 từ lâu đã trở thành một ngày đầy ý nghĩa với tất cả chúng ta. Truyền thống đó càng trở nên trọn vẹn nghĩa tình hơn với lòng tri ân, báo ân của đạo Phật. Hôm nay trong giờ phút thiêng liêng trang trọng này, chúng ta đang hiện hữu nơi đây và những người liên hệ gần xa với tất cả những tấm lòng đồng tập trung về Nghĩa trang liệt sĩ Quốc gia Đường 9 để tưởng niệm những anh hùng liệt sĩ. Nơi mảnh đất dòng sông này, các anh hùng liệt sĩ hãy an nghỉ cho ngàn thu in bóng. Mảnh hình hài hoà quện với non sông sẽ sống mãi trong lòng dân tộc, trong trang sử rạng ngời của đất nước Việt Nam quang vinh”.Tham dự buổi lễ còn có đại diện của 35 quốc gia (trong đó có 18 Đại sứ quán) và 100 thanh niên Việt kiều tiêu biểu đang sinh sống trên 26 quốc gia. Trong không khí trang nghiêm, Đại sứ Venezuela Jorge Rondon tại Việt Nam xúc động: “Tôi thật sự ngưỡng mộ các Anh hùng liệt sĩ trên quê hương các bạn, họ đã dũng cảm chiến đấu hy sinh để bảo vệ Tổ quốc thân yêu của mình. Đất nước của chúng tôi cũng từng trải qua nhiều cuộc chiến tranh, hơn ai hết chúng tôi hiểu rõ giá trị của hoà bình”. Em Dương Thị Minh Hoa, Việt kiều Bỉ, phát biểu cảm ơn sự quan tâm của Đảng, Nhà nước đối với thế hệ trẻ người Việt Nam đang sinh sống ở nước ngoài. Cảm ơn Bộ Ngoại giao đã tạo điều kiện để các em được trở về quê Cha, đất Tổ tham gia các hoạt động bổ ích đầy ý nghĩa. Giúp các em hiểu thêm về lịch sử, đất nước con người Việt Nam, qua đó bày tỏ lòng tri ân đối với những Anh hùng liệt sĩ đã hy sinh vì độc lập tự do của Tổ quốc.  Cũng trong dịp này, UBND tỉnh Quảng Trị và các Nhà tài trợ đã làm lễ cắt băng khánh thành công trình tưởng niệm anh linh các anh hùng liệt sĩ gồm: Quảng trường, Nhà hành lễ, Bến thả hoa bên bờ sông Thạch Hãn. Công trình được quy hoạch đồng bộ, và sẽ là điểm nhấn trong quần thể di tích Thành cổ Quảng Trị, với tổng số vốn đầu tư 21 tỷ đồng. Đây là sự đóng góp, tâm nguyện của hơn 30 nghìn cán bộ công nhân viên Ngân hàng Thương mại Cổ phần Công Thương Việt Nam (VietinBank) và Tập đoàn Công nghiệp Tàu thủy Việt Nam (Vinashin). Phát biểu tại buổi lễ, đại diện nhà tài trợ, ông Phạm Huy Hùng, Chủ tịch HĐQT Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam đã cảm ơn Tỉnh uỷ, UBND tỉnh và các Ban, ngành đoàn thể ở tỉnh Quảng Trị đã quan tâm, tạo điều kiện để các nhà tài trợ hoàn thành tâm nguyện của mình. VietinBank là một trong 4 ngân hàng thương mại lớn nhất, có quy mô và chất lượng hoạt động kinh doanh hàng đầu tại thị trường tài chính Việt Nam. Bên cạnh các hoạt động kinh doanh, VietinBank còn luôn đi đầu trong các hoạt động xã hội từ thiện, đền ơn đáp nghĩa trên khắp mọi miền Tổ quốc. Những năm qua, VietinBank đã trích hàng trăm tỷ đồng từ quỹ phúc lợi và sự đóng góp của CBCNV trong toàn hệ thống vào các hoạt động xã hội từ thiện. Năm 2007 VietinBank tài trợ trên 4 tỷ đồng xây dựng Tháp chuông và Đại Hồng Chung nặng gần 9 tấn tại Thành cổ Quảng Trị. Năm 2009 tham gia tài trợ, khánh thành công trình Quảng trường, Nhà hành lễ, Bến thả hoa. Trong dịp 27/7/2009 VietinBank cũng là nhà tài trợ chính cho Đại lễ cầu siêu anh linh các anh hùng liệt sĩ diễn ra tại Nghĩa trang Liệt sĩ Quốc gia Đường 9; Hoạt động của 100 thanh niên Việt kiều do Bộ Ngoại giao tổ chức... Và đêm giao lưu với chủ đề Ký ức chiến tranh và Khát vọng hòa bình, được truyền hình trực tiếp trên VTV! từ Quảng trường Thành cổ đã khép lại những hoạt động kỷ niệm ngày 27/7 mang đậm tính nhân văn và đạo lý của VietinBank.Hà Huy Hoàng

Nỗi đau còn đóThật là một cảnh tượng cảm động tại Nghĩa trang Đường 9 khi đoàn gồm các nhà ngoại giao chúng tôi chứng kiến khi tham dự lễ tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ đã hy sinh vì sự nghiệp thống nhất đất nước ba thập kỷ trước đây. Nhưng tất cả mọi người đều cảm nhận được những nỗi đau và những hy sinh mất mát tại vùng đất Quảng Trị, vùng đất đã chứng kiến nhiều sự hy sinh nhất so với bất cứ địa phương nào trong cả nước.Ý tưởng tổ chức đoàn đi thăm Quảng Trị và Thừa Thiên-Huế do ông Phạm Sanh Châu, Vụ trưởng Vụ Văn hóa-UNESCO (Bộ Ngoại giao) và đồng nghiệp của ông đề xuất.Chuyến đi bắt đầu tại khu phi quân sự Hiền Lương lịch sử và Địa đạo Vĩnh Mốc, nơi chúng tôi được chứng kiến điều kiện sống khắc nghiệt mà người dân Quảng Trị phải chịu đựng để tránh những đợt ném bom như trút trong chiến tranh. Thật khó có thể tưởng tượng được làm sao những người phụ nữ và trẻ em có thể sống, sinh hoạt và ngủ trong các hang của địa đao, nơi mà chúng tôi được mô tả là cả trẻ em được sinh ra ở đó.Sau khi tham dự lễ tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ đã hy sinh tại chiến trường Quảng Trị, chúng tôi được mời tham gia lễ khánh thành Bến thả hoa, Nhà tưởng niệm và tổ chức thả hoa và đèn trên sông Thạch Hãn. Tôi thực sự cảm phục niềm tôn kính mà lãnh đạo Đảng và Nhà nước Việt Nam dành cho những anh hùng liệt sĩ, như thể họ vừa mới hy sinh vài tháng trước đây.

Sau đó, chúng tôi được xem một chương trình truyền hình đặc biệt của VTV1 và được thưởng thức những tiết mục đặc sắc của các nghệ sĩ với những bài hát cảm động về sự hy sinh của các anh hùng liệt sĩ vì sự nghiệp đấu tranh của dân tộc. Trong chương trình này, chúng tôi được xem một tiết mục, trong đó có những cựu chiến binh kể lại những kỷ niệm chiến trường, về những địa danh họ chiến đấu, những nỗi đau mà họ trải qua khi họ mất đi những đồng đội của mình... Chúng tôi đã không cầm nổi những giọt nước mắt!Sau đó, chúng tôi được gặp mặt một nhóm các bạn Việt kiều đến từ 26 quốc gia khi họ cùng đến để tri ân những anh hùng liệt sỹ. Họ hát những bài ca ca ngợi công ơn của Bác Hồ kính yêu...Ngày hôm sau, chúng tôi vào Huế, được chiêm ngưỡng dòng Sông Hương trên chiếc thuyền Rồng và được thưởng thức những tiết mục văn hóa truyền thống như Nhạc Cung đình, những điệu múa Chămpa tại Hoàng Cung Huế. Trước khi trở về Hà Nội, Chúng tôi ở bãi biển Lăng Cô, bãi biển đẹp nhất Việt Nam. Chúng tôi cũng có cuộc hội kiến với lãnh đạo Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Trị và Huế để làm sao tăng cường được các mối quan hệ hợp tác.Chúng tôi thật sự cảm động trước những hy sinh to lớn của các anh hùng liệt sĩ, những người đã hy sinh cho sự nghiệp thống nhất Tổ quốc và cảm động trước những tri ân và sự tôn kính mà người dân Việt Nam dành cho sự hy sinh của các anh hùng liệt sĩ. Khi chứng kiến cảnh các thanh niên Việt kiều kính cẩn trước anh linh các anh hùng liệt sĩ và Bác Hồ, chúng tôi thực sự cảm động. Chúng tôi không thể làm gì hơn ngoài việc chia sẻ những nỗi đau mà người dân Việt Nam đã phải trải qua, cho dù chiến tranh đã lùi xa. Lal T. Muana - Đại sứ Ấn Độ tại Việt Nam