📞

Khung cảnh như ‘ngày tận thế’ sau khi siêu bão Beryl càn quét qua vùng Caribe

Kha Ninh 17:37 | 04/07/2024
Ở Đại Tây Dương, Beryl là cơn bão cấp 5 hình thành sớm nhất được ghi nhận trong lịch sử, làm dấy lên lo ngại về một mùa bão cực kỳ dữ dội trong năm nay.

Ngày 3/7, siêu bão Beryl tấn công các khu vực bờ biển Jamaica sau khi tàn phá trên diện rộng ở các đảo thuộc vùng Caribe, khiến ít nhất 6 người thiệt mạng và nhiều người mất tích. Theo các chuyên gia khí tượng, đây là cơn bão mạnh nhất từ trước tới nay được ghi nhận trong tháng 7. Trong ảnh, sóng đánh vào bờ biển ở Santo Domingo, Dominica, khi cơn bão Beryl di chuyển về phía Nam. (Nguồn: Reuters)

Trung tâm bão quốc gia Mỹ (NHC) cảnh báo bão Beryl là "tiền lệ đáng báo động" về tốc độ hình thành và đạt tới cấp mạnh nhất ngay từ đầu mùa bão ở Đại Tây Dương. Trước đó, bão chuyển cường độ từ cấp 1 lên cấp 4 chỉ trong vòng chưa đầy 24 giờ. Trong ảnh, những chiếc thuyền bị hư hại do cơn bão càn quét qua Bridgetown ở Barbados. (Nguồn: AP)

Thủ tướng Grenada Dickon Mitchell cho biết đảo quốc này đã ghi nhận 3 người thiệt mạng do bão Beryl và lo ngại thiệt hại về người trên thực tế có thể còn lớn hơn nữa. Trong khi đó, St Vincent & Grenadines cũng ghi nhận một trường hợp tử vong. Venezuela thông báo đã có 2 người thiệt mạng và 5 người mất tích, hơn 600 ngôi nhà bị ảnh hưởng do mưa lũ. Trong ảnh, nhiều chiếc xe bị hư hại sau trận lũ lụt xảy ra ở Cumanacoa, sau khi cơn bão Beryl xuất hiện ngoài khơi bờ biển Venezuela. (Nguồn: Reuters)

Thủ tướng Jamaica Andrew Holness tuyên bố toàn bộ đảo quốc này là khu vực thảm họa, đồng thời ban bố lệnh giới nghiêm từ 6h sáng đến 18h giờ ngày 3/7. Hình ảnh vệ tinh cho thấy Argyle ở Carriacou tan hoang sau khi bão Beryl đi qua Grenada. (Nguồn: Reuters)

Cơn bão nhiệt đới trên phá vỡ một loạt kỷ lục cả về tốc độ hình thành và đạt tới cấp mạnh nhất ngay từ đầu mùa bão ở Đại Tây Dương. Đây là cơn bão có cường độ tối đa được ghi nhận sớm nhất từ trước đến nay trong mùa bão ở Đại Tây Dương, kéo dài từ ngày 1/6 đến ngày 30/11 hằng năm. (Nguồn: Reuters)

Siêu bão Beryl chuyển cường độ từ cấp 1 lên cấp 4 chỉ trong vòng chưa đầy 24 giờ và hôm 2/7 đã được tuyên bố là cơn bão cấp 5, cấp cao nhất trong thang cảnh báo bão SAFFIR-SIMPSON, với sức gió lên tới gần 250 km/h. Thủ tướng Grenada Dickon Mitchell dùng từ “ngày tận thế” để mô tả sức tàn phá của bão Beryl. Trong ảnh, những con sóng đập vào bờ khi cơn bão Beryl di chuyển qua. (Nguồn: Reuters)

“Để mô tả mức độ tàn phá của cơn bão, nó gần giống như ngày tận thế khi phá huỷ gần như toàn bộ các toà nhà, bao gồm cả các tòa nhà công cộng, nhà ở hay cơ sở tư nhân. Bão Beryl phá hủy nông nghiệp và toàn bộ môi trường tự nhiên. Thực sự không còn thảm thực vật nào sót lại trên đảo Carriaco. Rừng ngập mặn bị phá hủy hoàn toàn, thuyền bè và bến du thuyền bị hư hại đáng kể. Hệ thống lưới điện ở Carriacou bị phá hủy gần như hoàn toàn", Thủ tướng Grenada Mitchell nói. Trong ảnh, đống đổ nát sau khi cơn bão Beryl đi qua khu vực St. Vincent và Grenadines. (Nguồn: Reuters)

Bão tăng cấp nhanh là kết quả trực tiếp của nhiệt độ nước biển trên mức trung bình cũng như là điềm báo về những gì sẽ xảy ra tiếp theo trong mùa bão năm nay, theo các chuyên gia về bão. Trong ảnh, nhiều toà nhà tại thị trấn Sauteurs, Grenada bị tốc mái sau khi cơn bão đi qua. (Nguồn: Reuters)

Bão tăng cấp chóng vánh rất nguy hiểm vì khiến người dân ở các khu vực ảnh hưởng có ít thời gian để chuẩn bị và sơ tán. Cuối tháng 10 năm ngoái, bão Otis tăng vài cấp chỉ trong một ngày trước khi đổ bộ vào Acapulco, Mexico ở mức độ bão cấp 5 khiến ít nhất 52 người thiệt mạng. Trong ảnh, chiếc thuyền The Pearl bị mắc kẹt trên đá sau khi cơn bão Beryl đi qua Gros Islet, St. Lucia. (Nguồn: Reuters)

Nhiều đợt sóng cao đập vào bờ kè biển sau khi cơn bão Beryl đổ bộ vào đất liền, tại cảng Tây Ban Nha, Trinidad và Tobago. (Nguồn: Reuters)

Beryl - cơn bão đầu tiên của mùa bão Đại Tây Dương tàn phá đáng kể cơ sở hạ tầng và tàu thuyền ở một số quốc gia Cộng đồng Caribe (Caricom), khiến khối này phải đình chỉ hội nghị thượng đỉnh thường niên và tiến hành họp trực tuyến để đánh giá thiệt hại và lên phương án ứng phó chung. Nhiều công ty du lịch đã chuyển hướng hoặc hủy hành trình của du thuyền qua vùng biển Caribe để bảo đảm an toàn của khách và thủy thủ đoàn. (Nguồn: Reuters)

Tổ chức Khí tượng thế giới (WMO) nhận định bão Beryl đã gây bất ngờ cho các quần đảo nhỏ ở khu vực Đông Caribe với tốc độ hình thành nhanh chóng. Cơ quan khí tượng LHQ nhấn mạnh đây là cơn bão có cường độ tối đa được ghi nhận sớm nhất từ trước đến nay trong mùa bão ở Đại Tây Dương, kéo dài từ ngày 1/6 đến ngày 30/11 hằng năm. Trong ảnh, con phố đầy bùn sau trận lũ lụt quét qua thị trấn ven biển Venezuela. (Nguồn: Reuters)

Trong nhiều năm, các nhà khoa học đã cảnh báo sự nóng lên toàn cầu sẽ làm các cơn bão mạnh lên nhanh hơn do nước biển ấm hơn, khiến con người ít có thời gian chuẩn bị ứng phó với tác động của chúng. Với các chuyên gia về bão, việc bão Beryl mạnh lên nhanh và hoạt động giống như một cơn bão trong giai đoạn cao điểm là điều không bất ngờ. Bão hút nước biển ấm và sử dụng làm nhiên liệu để mạnh lên. Trong môi trường thời tiết tối ưu như cuối tuần qua, nguồn nhiệt dồi dào khiến cường độ của bão Beryl tăng vọt. (Nguồn: Reuters)

Nhiệt độ nóng quá mức ở Đại Tây Dương giúp bão Beryl mạnh lên thành cơn bão cấp 5 sớm nhất ở Đại Tây Dương và là cơn bão mạnh cấp 5 đầu tiên trong tháng 6. Nghiên cứu trên tạp chí Scientific Reports năm 2023 chỉ ra, các cơn bão Đại Tây Dương từ năm 2001 đến năm 2020 có khả năng tăng cấp từ một cơn bão yếu thành bão cấp 3 trở lên trong vòng 24 giờ, cao gấp đôi so với những cơn bão trong giai đoạn từ 1971 đến 1990. Trong ảnh, người dân Jamaica chuẩn bị ứng phó cơn bão Beryl ở Kingston, Jamaica. (Nguồn: Reuters)

Nghiên cứu cho biết thêm, ngày càng nhiều bằng chứng cho thấy dễ xảy ra các cơn bão lớn tăng cấp nhanh. Phó giáo sư Andra Garner tại Đại học Rowan ở New Jersey, tác giả của nghiên cứu gọi đây là một “cảnh báo khẩn cấp”. Trong ảnh, người dân Cancun, Mexico, mua đồ dự trữ để chuẩn bị ứng phó với cơn bão Beryl. (Nguồn: Reuters)

Nhiệt độ đại dương cao là một trong những lý do chính khiến các chuyên gia dự đoán về một mùa bão cực kỳ dữ dội trong năm nay. Đó cũng là lý do các nhà khoa học từ Cơ quan Khí quyển và đại dương quốc gia Mỹ (NOAA) dự đoán, mùa bão năm 2024 có khả năng cao hơn mức trung bình, với khoảng 17 đến 25 cơn được đặt tên, trong đó có tới 13 cơn cuồng phong và 4 cơn bão lớn. Trong ảnh, hình ảnh vệ tinh cho thấy các tòa nhà bị phá hủy sau khi cơn bão Beryl đi qua vùng Đông Bắc Carriacou, Grenada. (Nguồn: Reuters)