📞

Khủng hoảng chính sách đối ngoại hết lần này đến lần khác, cử tri Mỹ cho thấy thế nào là một tổng thống 'hấp dẫn'

Hạ Nhi 15:04 | 02/05/2024
Việc nổi lên nhiều câu hỏi lớn về chính sách đối ngoại của đất nước có liên quan đến cuộc bầu cử hiếm khi là một tin tốt cho tổng thống Mỹ đương nhiệm.
Trong nhiệm kỳ của mình, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã đưa ra những chính sách kiểm soát xung đột ở Gaza và Ukraine. (Nguồn: NBC)

Theo bài viết trên trang asiatimes.com, giống như nhiều nhà lãnh đạo trước đây, Tổng thống Mỹ Joe Biden đang phải đối mặt với nhiều câu hỏi hóc búa, trong đó có liên quan đến việc Mỹ rút quân khỏi Afghanistan, căng thẳng Nga-Ukraine, xung đột Israel-Hamas ở Dải Gaza cũng như vai trò của Iran.

Với mức độ nghiêm trọng của các cuộc khủng hoảng đan xen và thực tế là chúng đang diễn ra trong bối cảnh chiến dịch tranh cử tổng thống đầy căng thẳng, không có gì ngạc nhiên khi chính sách đối ngoại của ông Biden đang hứng chịu nhiều soi mói.

Nhiều nhà phân tích cho rằng những rắc rối trong chính sách đối ngoại của Biden bắt nguồn từ việc Mỹ rút quân khỏi Afghanistan một cách “vụng về”. Tuy nhiên, chỉ riêng vấn đề Afghanistan là không thể gây ảnh hưởng đến kết quả bầu cử.

Rất khó để đoán ý định của cử tri, đặc biệt là khi cuộc bầu cử đang đến gần. Nhưng nhìn vào lịch sử tác động của các vấn đề quốc tế đối với quan điểm của cử tri trong cuộc bầu cử có thể giúp chúng ta hiểu được người Mỹ nghĩ như thế nào về vai trò của họ trên thế giới cũng như ảnh hưởng có thể có đối với sự lựa chọn nhà lãnh đạo của họ lần này.

Tác động từ bối cảnh xung đột khác nhau

Năm nay, Đại hội Toàn quốc Đảng Dân chủ (DNC) một lần nữa được tổ chức tại Chicago, Illinois, tương tự như năm 1968, có vẻ rất đáng quan ngại. Năm 1968, chính sách đối ngoại của Mỹ nằm ở tâm điểm của nhiều cuộc khủng hoảng nghiêm trọng đan xen. Đảng Dân chủ đã tới Chicago trong tình thế hỗn loạn khi chịu ảnh hưởng từ vụ ám sát Martin Luther King Jr (nhà đấu tranh nhân quyền cho người Mỹ da màu) và Robert F. Kennedy (ứng viên được đề cử hàng đầu của Đảng Dân chủ) cũng như phong trào phản đối chiến tranh leo thang ở Việt Nam.

Trước sự can thiệp thô bạo của Mỹ vào Việt Nam, nhiều người biểu tình đã tập hợp tại Chicago với hy vọng tác động đến kết quả đề cử. DNC đã rơi vào tình trạng hỗn loạn và bạo lực, phần lớn do cảnh sát gây ra khi họ bắt giữ 650 người biểu tình. Ứng viên của Đảng Dân chủ, Phó Tổng thống đương nhiệm Hubert Humphrey, đã thua Richard Nixon trong cuộc bầu cử.

Mặc dù lịch sử và bối cảnh về vai trò của Mỹ ở Trung Đông rất khác so với Việt Nam, song vẫn có những điểm tương đồng quan trọng ở trong nước.

Tương tự như chiến tranh Việt Nam, Đảng Dân chủ hiện nay bị chia rẽ sâu sắc về phản ứng của chính quyền ông Biden đối với tình hình ở Dải Gaza. Tại cuộc bầu cử sơ bộ ở bang Michigan hồi tháng 2 vừa qua, hơn 100.000 cử tri của Đảng Dân chủ đã bỏ phiếu “không cam kết” như một phần trong chiến dịch phối hợp nhằm gửi thông điệp tới Biden, yêu cầu ông phải hành động mạnh mẽ hơn nhằm ngăn chặn vụ thảm sát người dân Palestine tại Dải Gaza. Trong cuộc bầu cử năm 2020, ông Biden đã thắng cử tại Michigan nhưng với số phiếu chỉ hơn 150.000.

Các cuộc biểu tình hòa bình làm gián đoạn các sự kiện vận động tranh cử của Đảng Dân chủ sẽ tiếp tục diễn ra, thậm chí có thể kéo dài tới tháng 8/2024. Khả năng cao là sự chia rẽ nội bộ Đảng Dân chủ sẽ bị các phương tiện truyền thông diễn giải theo chiều hướng tiêu cực.

Theo asiatimes.com, vấn đề Iran cũng từng có tác động quan trọng đến kết quả bầu cử tổng thống Mỹ trong quá khứ. Với những sự kiện gần đây, điều đó có thể xảy ra một lần nữa. Cuộc cách mạng hồi giáo Iran năm 1979 và việc xử lý sai cuộc khủng hoảng con tin Iran sau đó đã gây ra một trong những thất bại tồi tệ nhất trong lịch sử nước Mỹ hiện đại đối với Tổng thống đương nhiệm của Đảng Dân chủ Jimmy Carter.

Một năm trước cuộc bầu cử năm 1980 và trong bối cảnh diễn ra cuộc cách mạng hồi giáo Iran, các sinh viên tham gia cuộc cách mạng đã xâm nhập vào Đại sứ quán Mỹ ở Tehran và bắt giữ hơn 50 người Mỹ làm con tin. Cuộc khủng hoảng kéo dài hơn một năm, các quan chức Mỹ dường như trở nên bất lực. Chiến dịch giải cứu quân sự thất bại. Kết hợp với chính cuộc cách mạng Iran và việc Liên Xô đưa quân vào Afghanistan tháng 12/1979, quyền lực của Tổng thống Carter đã bị suy yếu nghiêm trọng.

Đối thủ Đảng Cộng hòa Ronald Reagan đã khai thác thành công những điểm yếu của ông Carter, với cam kết sẽ “làm cho nước Mỹ vĩ đại trở lại”. Các con tin đã được thả vào đúng ngày ông Reagan nhậm chức.

Đây không phải là sự trùng hợp ngẫu nhiên. Vì chính quyền Tổng thống Carter đã tiến hành các cuộc đàm phán gay gắt kéo dài với Iran trong suốt những ngày cuối nhiệm kỳ. Chính những cuộc đàm phán đã dẫn đến thỏa thuận thả con tin. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều nghi vấn về vai trò của chiến dịch Reagan trong việc giải quyết cuộc khủng hoảng này.

Thi thể của những người Palestine thiệt mạng được tập trung ở sân trước của Bệnh viện Al-Shifa ở thành phố Gaza, trung tâm Dải Gaza, vào ngày 17/10/2023. (Nguồn: X/Twitter)

Nhận thức của công chúng Mỹ

Chi tiết lịch sử về các cuộc khủng hoảng trong chính sách đối ngoại kể trên rất quan trọng. Về mặt kết quả bầu cử, cách các chi tiết này được công chúng nhận thức như thế nào là điều quan trọng hơn cả.

Quan điểm cho rằng việc Tổng thống Carter điều hành yếu kém cũng như khả năng tạo dựng uy tín mạnh mẽ của đối thủ Reagan đã khiến Tổng thống Carter thất cử. Tương tự, Tổng thống Biden đã hứa hẹn sẽ khôi phục vai trò của nước Mỹ trên trường quốc tế sau 4 năm “hỗn loạn” dưới thời ông Donald Trump. Ông Biden đã cam kết “ngọn đuốc” lãnh đạo toàn cầu của Mỹ có thể được thắp sáng trở lại.

Rủi ro đối với Tổng thống Biden là ông đã không thể dự đoán được chính sách đối ngoại của mình sẽ ảnh hưởng đến uy tín cá nhân đến mức nào. Các cuộc thăm dò cho thấy khoảng 2/3 người dân Mỹ ủng hộ lệnh ngừng bắn ngay lập tức ở Dải Gaza. Việc ông Biden giữ thái độ do dự “không muốn gây sức ép lên đồng minh Israel” cũng như từ chối “đặt điều kiện viện trợ quân sự” đang gây thất vọng cho liên minh chính trị vốn đã đưa ông lên nắm quyền.

Hơn nữa, nhận thức về sự thiếu đồng cảm của ông Biden trước nỗi đau của người dân Palestine, đặc biệt là trẻ em, có nguy cơ làm hoen ố nghiêm trọng hình ảnh cá nhân của ông như một “người tận tâm, nhân hậu” mà ông đã dày công xây dựng để thuyết phục thành công cử tri hồi năm 2020.

Bên cạnh đó, ông Trump, đối thủ của ông Biden trong cuộc bầu cử 2024, một lần nữa đã và đang tìm cách khai thác nhận thức về một “Biden yếu đuối và dễ bị tổn thương”, trong khi xây dựng hình ảnh của mình là một “ứng viên mạnh mẽ và quyết đoán”. Đó là hình ảnh hấp dẫn đối với một bộ phận cử tri Mỹ, những người muốn thấy “nước Mỹ khôi phục vai trò toàn cầu như thời Tổng thống Reagan”.

Có cảm giác rằng, việc chính quyền ông Biden chuyển từ cuộc khủng hoảng chính sách đối ngoại này sang cuộc khủng hoảng chính sách đối ngoại khác chỉ củng cố thêm câu chuyện trên. Cũng có những lo ngại rằng đội ngũ xây dựng chính sách đối ngoại của chính quyền ông Biden dường như tập trung vào “thắng-thua” hơn là thấu hiểu và giải quyết các yếu tố mang tính cơ cấu, cơ bản đã gây ra những cuộc khủng hoảng đó ngay từ đầu.