Cuộc khủng hoảng người nhập cư tưởng chứng đã ít nhiều lắng xuống sau cao điểm vào những năm 2015 - 2016, thỏa thuận giữa Liên minh châu Âu (EU) và Thổ Nhĩ Kỳ, những hàng rào biên giới dọc các nước Balkan, cũng như hiệp ước song phương giữa Italy và Libya. Trong năm 2018, Cao ủy Liên hợp quốc về Người Tị nạn (UNHCR) ước tính số lượng người tị nạn cập bến Tây Ban Nha là 9.500 người, Hy Lạp là 12.000 người và Italy là 15.300 người.
Con số này tuy thấp hơn nhiều so với thời kỳ cao điểm (1 triệu người riêng trong năm 2015), song cần nhớ rằng con số người tị nạn vào châu Âu tới nay đã đạt mức 1.8 triệu người. Điều này đòi hỏi các nước EU phải có thay đổi mạnh mẽ và quyết đoán trong bộ luật liên quan đến vấn đề di cư, nhằm tháo gỡ tình trạng bế tắc hiện nay, xoa dịu làn sóng bài người nhập cư, sớm đưa người tị nạn ổn định cuộc sống.
Thủ tướng Italy Giuseppe Conte trò chuyện vui vẻ cùng người đồng cấp nước chủ nhà Angela Merkel trong chuyến thăm Berlin ngày 18/6. (Nguồn: TGCOM24) |
Thành trì cuối cùng của châu Âu
Thực trạng này đã được Thủ tướng Đức Angela Merkel nêu ra trong cuộc gặp đầu tiên với người đồng cấp Italy Giuseppe Conte tại Berlin ngày 19/6. Không sai nếu nói rằng Italy là bức tường cuối cùng ngăn người tị nạn đổ về Đức, địa điểm dừng chân lý tưởng của dòng người di cư.
Trong bối cảnh Thủ tướng Merkel vẫn phải đối mặt với những chỉ trích gay gắt liên quan đến chính sách mở cửa nhập cư, điều duy nhất nhà lãnh đạo này có thể làm là tăng cường kiểm soát dòng người đổ bộ vào Italy để tới Đức. Do đó, bà Merkel cùng ông Conte đã cam kết bổ sung lực lượng cho Frontex, cơ quan cảnh sát biên giới của EU, hợp tác với các tổ chức quốc tế nhằm phân tích và giải quyết tận gốc nguyên nhân của cuộc khủng hoảng di cư, mà cụ thể là các xung đột địa chính trị phức tạp tại khu vực Trung Đông và châu Phi. Họ cũng nhất trí rằng hồ sơ đăng ký xin tị nạn cần được thực hiện tại quốc gia gốc/trung chuyển trước khi người tị nạn có thể chính thức tiến vào khối.
Về phần mình, ông Conte cũng mong muốn luật nhập cư EU sẽ sớm thay đổi, nhằm đảm bảo rằng các quốc gia trong khối cùng nhau chia sẻ “gánh nặng”. Bộ luật hiện tại cho rằng người tị nạn cần đăng ký hồ sơ xin tị nạn tại quốc gia EU đầu tiên mà họ tới. Nhà lãnh đạo Italy tuyên bố: “Biên giới Italy là biên giới của châu Âu”. Đáp lại, bà Merkel khẳng định: “Chúng tôi sẵn lòng hỗ trợ Italy và duy trì tính thống nhất ở châu Âu liên quan tới vấn đề người di cư”.
Sóng gió trong lòng Berlin
Tuy nhiên, cam kết phối hợp giải quyết vấn đề người di cư cùng các nước khác của Italy sẽ trở nên vô nghĩa khi mà chính Đức đang có những lục đục nội bộ xung quanh vấn đề này.
Thậm chí, điều này còn đe dọa trực tiếp tới vị thế lãnh đạo của bà Merkel, nhất là sau việc Bộ trưởng Nội vụ Horst Seehofer, người có lập trường bảo thủ và cứng rắn trong vấn đề nhập cư, kêu gọi Đức từ chối người nhập cư ở biên giới quốc gia này. Ông Seehofer là Chủ tịch đảng Liên minh Xã hội Thiên chúa giáo (CSU), đảng “chị em” với Liên minh Dân chủ Thiên chúa giáo (CDU) do bà Angela Merkel đứng đầu. Do đó, mất đi sự ủng hộ của CSU đồng nghĩa với việc Chính phủ của Thủ tướng Merkel có thể đối mặt với nguy cơ “chia năm sẻ bảy”, nhất là khi đảng Dân chủ Xã hội Đức (FDP) chỉ “miễn cưỡng” ở lại trong liên minh.
Về phần mình, Thủ tướng Angela Merkel lại cho rằng Đức cần hợp tác với những quốc gia EU khác nhằm tìm kiếm giải pháp, song tiến trình này hiện chưa đạt được kết quả. Một trong số đó là việc thương thảo với những quốc gia láng giềng nhằm cho phép Berlin từ chối người tị nạn, vốn đã được đăng ký ở một quốc gia EU khác. Tính đến thời điểm hiện tại, đã có Pháp và Italy đồng ý thực thi thỏa thuận này.
Thêm vào đó, Berlin cũng cần xem xét giải quyết những bất đồng còn tồn tại trong “liên minh” giải quyết vấn đề nhập cư Đức – Pháp – Italy. Mối quan hệ giữa Paris và Rome đã ít nhiều căng thẳng sau khi Bộ trưởng Nội vụ Italy Matteo Salvini, người có lập trường cứng rắn trong vấn đề nhập cư, đã từ chối cho cập cảng chiếc thuyền chứa 600 người di cư hoạt động dưới sự bảo trợ của một tổ chức từ thiện. May mắn thay, mọi khúc mắc đã phần nào được tháo gỡ sau khi Thủ tướng Giuseppe Conte có chuyến thăm Paris và gặp gỡ Tổng thống Emmanuel Macron ngày 19/8 vừa qua.
Tuy nhiên, về lâu dài, Đức cần đóng vai trò then chốt nhằm duy trì sự ổn định của liên minh, thúc đẩy việc tìm kiếm giải pháp đồng bộ và toàn diện cho vấn đề người di cư. Song điều này đòi hỏi Berlin cần củng cố vững chắc, bảo đảm tính thống nhất trong Chính phủ để thực hiện tốt vai trò “thuyền trưởng”, dẫn dắt EU vượt qua khó khăn ở thời điểm hiện tại.