Trong bối cảnh xung đột ở Ukraine, các lệnh trừng phạt của EU, Nga cắt giảm nguồn cung khí đốt, sẽ là lạc quan quá sớm khi cho rằng cuộc khủng hoảng năng lượng ở châu Âu đã được giải quyết. (Nguồn: Reuters) |
Cho đến nay, đã có nhiều ý kiến nhận định rằng, cuộc khủng hoảng năng lượng ở châu Âu hóa ra không tồi tệ như mọi người từng lo ngại.
Sau khi giá khí đốt tăng cao trong bối cảnh Nga triển khai chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine và liên tiếp các đòn trừng phạt-trả đũa được áp đặt, mọi thứ dường như đã ổn định trở lại. Người tiêu dùng đối phó với giá năng lượng tăng vọt bằng cách sử dụng tiết kiệm hơn.
Các quốc gia châu Âu cũng đã xoay sở đủ cách để lấp đầy các thùng chứa khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG). Thêm vào đó, thời tiết ấm áp hơn thường lệ đã khiến mức tiêu thụ khí đốt để sưởi ấm trong các ngôi nhà tương đối thấp.
Theo dữ liệu từ Cơ sở hạ tầng khí đốt châu Âu, các kho dự trữ khí đốt của Liên minh châu Âu (EU) hiện đã đầy hơn 94%, không chỉ cao hơn mức trung bình 5 năm qua mà còn cao hơn nhiều so với mục tiêu ban đầu là đầy 80% vào ngày 1/11.
Trong số các thành viên EU, Đức là một trong các quốc gia phụ thuộc nhiều nhất vào khí đốt của Nga. Mặc dù Moscow cắt giảm 80% nguồn cung khí đốt cho châu Âu trong 8 tháng qua, ngày 15/11, báo cáo cập nhật theo ngày của Cơ quan Mạng lưới Liên bang (Đức) cho biết: “Tổng dự trữ khí đốt của Đức đạt mức 100%”.
Hơn nữa, một số địa điểm lưu trữ có khả năng chứa được nhiều khí đốt hơn và việc dự trữ vẫn có thể tiếp tục ngay cả khi các kho chứa đạt chỉ tiêu 100%.
Tin liên quan |
Kinh tế thế giới nổi bật (11-17/11): Cấm nhập dầu Nga, EU tạo lỗ hổng lớn; Mỹ ‘hạ cánh không nhẹ nhàng’; Đức 'ôm' khí đốt, ung dung đón mùa Đông |
Nhờ những yếu tố trên, giá khí đốt đã giảm từ 100 USD/triệu đơn vị nhiệt của Anh (MMBtu) trong tháng 8 xuống còn 39 USD/MMBtu. Giá dầu thô Brent cũng đã giảm từ mức đỉnh sau đại dịch là 139 USD/thùng vào tháng 3 xuống còn 93 USD/thùng.
Trong bối cảnh đó, đã có nhiều nhận định rằng, cuộc khủng hoảng năng lượng ở châu Âu có vẻ đã kết thúc. Nhưng dường như, mọi người đã lạc quan quá sớm.
Mùa Đông dài và lạnh giá phía trước
Giới phân tích nhận định, khi những ngày mùa Đông trở nên buốt giá hơn, nguồn cung năng lượng của châu Âu một lần nữa sẽ trở nên eo hẹp. Trớ trêu thay, tình hình có thể trở nên tồi tệ hơn chính bởi “thời gian nghỉ ngơi” gần đây của căng thẳng năng lượng.
Một bài báo mới đây trên Economist nhận định: “Phân tích cho thấy rằng, sự tự mãn là nguy hiểm… Mọi thứ có thể trở nên rất tồi tệ, rất nhanh".
Theo Economist, có 3 kịch bản có thể xảy ra đối với thị trường năng lượng châu Âu trong mùa Đông này và không có kịch bản nào được cho là tích cực.
Kịch bản đầu tiên giả định rằng quan hệ căng thẳng giữa Nga và châu Âu không xấu hơn nữa và tình hình ít nhiều vẫn giữ nguyên như hiện tại.
Điều này có nghĩa là đường ống Nord Stream (Dòng chảy phương Bắc) dẫn khí đốt từ Nga đến Đức vẫn bị đóng, trong khi châu Âu tiếp tục thực hiện lệnh cấm vận đối với dầu thô của Nga và các hạn chế về bảo hiểm cho các tàu chở dầu.
Đây là một kịch bản khá lý tưởng cho châu Âu, ở chỗ nó “gây ra một cuộc khủng hoảng nhưng không phải là một thảm họa”. Nguồn cung năng lượng sẽ khan hiếm và giá cả sẽ cao ngất ngưởng, nhưng châu Âu có thể vượt qua mùa Đông mà kinh tế không giảm quá nhiều.
Kịch bản thứ hai giả định căng thẳng Nga-châu Âu leo thang và giả sử rằng Nga cắt đứt hoàn toàn dòng khí đốt đến châu Âu, khiến châu lục này phải mất hàng chục tỷ USD cho chi phí phụ trội.
Kịch bản thứ ba, cực đoan nhất, giả sử rằng Nga cắt đứt hoàn toàn quan hệ ngoại giao với châu Âu, giữ nguyên doanh thu từ nhiên liệu hóa thạch và phá hủy cơ sở hạ tầng nhập khẩu khí đốt của châu lục này dẫn đến “sự siết chặt kinh hoàng”.
Theo kịch bản này, hóa đơn khí đốt nhập khẩu hằng năm của châu Âu sẽ tăng vọt lên tới gần 1 nghìn tỷ USD trong khi người dân vẫn phải đối mặt với tình trạng thiếu năng lượng nghiêm trọng cho đến năm 2024.
Như vậy, rõ ràng, ngay cả trong kịch bản tốt nhất, châu Âu vẫn có một mùa Đông dài và lạnh giá phía trước và sau đó là nhiều năm rắc rối về an ninh năng lượng.
Quốc gia nào bị ảnh hưởng nhiều nhất?
Triển vọng được dự báo sẽ vô cùng tồi tệ đối với người dân châu Âu, những người sẽ phải chi trả rất nhiều cho hóa đơn năng lượng để sưởi ấm ngôi nhà của mình trong mùa Đông lạnh giá.
Trạm nén khí đốt OGE ở Werne, Đức. (Nguồn: AFP) |
Các dự báo cho thấy, chỉ riêng ở Vương quốc Anh, 26 triệu người sẽ rơi vào cảnh thiếu năng lượng trầm trọng trong những tháng mùa Đông này, tức là cứ ba hộ gia đình thì có một hộ bị thiếu khí đốt. Tuy nhiên, Anh vẫn có thể vẫn còn đỡ khó khăn hơn so với nhiều nước châu Âu khác.
Trong bối cảnh khủng hoảng hiện nay, việc giá cả tăng vọt sẽ chỉ gây “đau ví” người tiêu dùng ở những quốc gia được cho là giàu có ở châu Âu, an ninh năng lượng của họ không bị ảnh hưởng quá nhiều. Nhưng với các nước nghèo hơn, tình hình lại khác.
Ngay từ trước khi nổ ra xung đột Nga-Ukraine, ở một số nước tại châu lục này, rất nhiều người đã thực sự khó khăn để đảm bảo đủ khí đốt trong sinh hoạt.
Theo báo cáo gần đây của Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF): “Năm 2021, tại các quốc gia thuộc EU, gần 7% dân số không thể sưởi ấm ngôi nhà của họ đúng cách”.
Cụ thể, ngay từ năm ngoái, một bộ phận người dân ở các nước Nam và Đông Âu đã rơi vào tình cảnh thiếu năng lượng để sưởi ấm và năm nay chắc chắn sẽ còn tồi tệ hơn rất nhiều đối với họ.
Theo đó, Bulgaria là quốc gia có tỷ lệ người dân thiếu nhiên liệu cao nhất trong EU với gần 1/4 dân số (khoảng 23,7%) đã phải vật lộn để thanh toán hóa đơn năng lượng. Tiếp theo là Lithuania (22,5%) và Cyprus (19,4%).
Ngược lại, tại các quốc gia giàu nhất EU, chưa đến 1% dân số bị thiếu năng lượng, chẳng hạn như Thụy Sỹ (0,2%) và Na Uy (0,8%).
Báo cáo của Ngân hàng Thế giới (WB) gần đây nêu rõ: “Khi dữ liệu tổng kết năm 2022 được công bố, chúng tôi cho rằng, những số liệu về khí đốt sẽ còn tồi tệ hơn”.
Và ngay cả trong trường hợp tốt nhất, theo Economist, các con số của năm 2023 và 2024 có thể sẽ khiến năm 2022 trở thành một điều gì đó thật ngọt ngào!
| Kinh tế thế giới nổi bật (11-17/11): Cấm nhập dầu Nga, EU tạo lỗ hổng lớn; Mỹ ‘hạ cánh không nhẹ nhàng’; Đức 'ôm' khí đốt, ung dung đón mùa Đông Khủng hoảng năng lượng ở châu Âu chỉ hạ nhiệt khi xung đột Nga-Ukraine được giải quyết, tăng trưởng toàn cầu lại bị hạ dự ... |
| Khủng hoảng năng lượng: Đức đạt 'thành công kép', thị trường dầu mỏ gặp áp lực nếu EU làm điều này với Nga Ngày 15/11, báo cáo cập nhật theo ngày của Cơ quan mạng lưới Liên bang (Đức) cho biết, tổng dự trữ khí đốt của nước ... |
| Bất động sản mới nhất: Khách hàng lo bị ‘ngược đãi’ thay vì ‘ưu đãi’, giá chung cư Hà Nội giảm, điều kiện bán nhà cũ thuộc sở hữu Nhà nước Chuyên gia nói doanh nghiệp cần tìm cách bán hàng, không nên đợi được “bơm” thêm tín dụng; giá chung cư Hà Nội có dấu ... |
| Khủng hoảng năng lượng: Không phải Mỹ hay Na Uy, đây mới là những nước kiếm bộn tiền từ xung đột Nga-Ukraine Các bến du thuyền tại Dubai, hành lang ngoại giao ở Thổ Nhĩ Kỳ và những mỏ dầu của Saudi Arabia đang được hưởng lợi ... |
| Khủng hoảng năng lượng: Trả đũa trừng phạt, Nga dùng chiêu bài khí đốt, châu Âu ‘ngấm đòn’, chạy đua tìm 'trái ngọt' ở miền đất hứa Những đòn trừng phạt qua lại trong bối cảnh xung đột Nga-Ukraine gây ra cuộc khủng hoảng khí đốt khiến châu Âu gánh chịu ảnh ... |