Kho lưu trữ khí đốt Reckrod ở Eiterfeld, Đức. (Nguồn: AP) |
Biện pháp tạm thời trên cho phép 27 quốc gia thành viên EU cung cấp nhiều hình thức hỗ trợ tài chính để bù đắp cho các công ty bị tác động bởi chi phí cho điện và khí đốt tăng cao.
Kế hoạch này được đưa ra 1 tháng sau khi Nga tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine hồi tháng 2/2022, gây xáo trộn nguồn cung năng lượng và khiến giá cả tăng vọt. Kế hoạch này sẽ đáo hạn vào ngày 31/12/2023.
EC cho rằng, mặc dù giá năng lượng đã bình ổn kể từ cuối năm ngoái, “thị trường năng lượng vẫn dễ bị tổn thương”.
Trong một tuyên bố, EC nêu rõ: “Các quốc gia thành viên có thể duy trì các chương trình hỗ trợ của mình để trang trải giai đoạn sưởi ấm vào mùa Đông sắp tới như một mạng lưới an toàn”.
Tuy nhiên, Brussels quy định rằng trợ cấp chỉ được phép "trong chừng mực giá năng lượng vượt quá đáng kể mức trước khủng hoảng”.
Giá khí đốt tự nhiên ở châu Âu tăng do dự báo thời tiết lạnh hơn. Giá khí đốt tăng gần 7% trong phiên ngày 20/11, kết thúc đà giảm 4 phiên liên tiếp. Hợp đồng này vẫn đang giao dịch trong phạm vi hẹp gần 50 Euro/MWh, mức giá được giao dịch trong phần lớn thời gian vài tuần trở lại đây.
Nhiệt độ trên phần lớn vùng Tây Bắc châu Âu dự kiến sẽ giảm xuống dưới mức bình thường vào cuối tháng, điều này có thể thúc đẩy nhu cầu sưởi ấm.
Song song với đó, một chiếc tàu bị phiến quân Houthi do Iran hậu thuẫn bắt giữ ở Biển Đỏ hôm 19/11 đã làm dấy lên lo ngại rằng cuộc chiến Israel-Hamas có thể dẫn đến sự gián đoạn vận chuyển trên diện rộng.
Ông Jonathan Stern, một chuyên gia tại Viện Nghiên cứu Năng lượng Oxford nhận định: “Hiện tại, bất cứ điều gì được cho là biến cố đều có thể gây ra sự tăng giá. Có khả năng xung đột có thể lan rộng và điều đó có thể làm gián đoạn dòng chảy khí đốt từ Qatar sang châu Âu. Nhưng hiện tại, không có dấu hiệu nào cho thấy điều gì điều đó có thể xảy ra”.