📞

Khủng hoảng năng lượng: Không phải Mỹ hay Na Uy, đây mới là những nước kiếm bộn tiền từ xung đột Nga-Ukraine

Hải An 13:29 | 14/11/2022
Các bến du thuyền tại Dubai, hành lang ngoại giao ở Thổ Nhĩ Kỳ và những mỏ dầu của Saudi Arabia đang được hưởng lợi khi xung đột Nga-Ukraine kéo dài.
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan (trái) và người đồng cấp Nga Vladimir Putin trong cuộc gặp bên lề Hội nghị thượng đỉnh lần thứ 6 về Phối hợp hành động và các biện pháp xây dựng lòng tin ở châu Á, tại Astana, Kazakhstan, ngày 13/10. Thổ Nhĩ Kỳ từ chối tham gia cùng các thành viên khác của NATO trong việc trừng phạt Nga và trở thành đầu mối cho thương mại của Moscow. (Nguồn: AP)

Hồi cuối tháng 5, Thư ký Hội đồng an ninh Nga Nikolai Patrushev khẳng định, nhiều công ty, thiết chế tài chính của Mỹ đang mở rộng ảnh hưởng kinh tế sang châu Âu, sử dụng xung đột ở Ukraine để thu lời.

Cụ thể, những công ty của Mỹ đã chiếm giữ, kiểm soát thị phần quan trọng trên thị trường khí đốt châu Âu. Theo Nga, trong bối cảnh thiếu khí đốt, một số nước lục địa này đã phải nhập khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) của Mỹ với giá đắt đỏ.

Trong khi đó, thông tin trên Politico hồi tháng 9, giới phân tích cho rằng, giữa khủng hoảng năng lượng, Na Uy đã thay thế Nga trở thành nguồn cung cấp khí đốt lớn nhất của EU và dòng tiền đang đổ vào nước này. Oslo dự kiến ​​thu về khoảng 94 tỷ Euro từ ngành dầu khí trong năm nay, so với khoảng 65 tỷ Euro vào năm ngoái.

Tuy nhiên, trong bài viết xuất bản ngày 13/11 trên cbc.ca, tác giả Chris Arsenault đưa ra danh sách 4 nước được cho là hưởng lợi nhiều nhất từ cuộc khủng hoảng năng lượng hiện nay trong bối cảnh xung đột.

Theo đó, chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga vào Ukraine cách đây hơn 8 tháng là nguyên nhân chính làm trầm trọng thêm giá lương thực và nhiên liệu tăng cao trên toàn cầu.

Trong bối cảnh đó, một nhóm nhỏ các quốc gia đã tìm thấy những lợi ích tài chính và địa chính trị trong các lệnh trừng phạt và sự xáo trộn kinh tế. Các quốc gia và công ty kinh doanh năng lượng được cho là những đối tượng hưởng lợi lớn nhất, vì xung đột đã đẩy giá dầu và khí đốt tự nhiên lên mức cao gần kỷ lục.

Đầu năm nay, các nhà kinh tế của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) cảnh báo: “Các nền kinh tế phụ thuộc vào nhập khẩu dầu sẽ chứng kiến ​​thâm hụt tài chính và thương mại lớn hơn cũng như áp lực lạm phát nhiều hơn, trong khi một số nhà xuất khẩu như ở Trung Đông và châu Phi có thể được hưởng lợi từ giá cao hơn”.

Từ các bến du thuyền ở Dubai đến các hành lang ngoại giao ở Ankara và các mỏ dầu của Saudi Arabia, đây là những đối tượng đang được hưởng lợi khi xung đột Nga-Ukraine kéo dài.

Các tiểu vương quốc Arab thống nhất

Với các khách sạn sang trọng, bến du thuyền xa xỉ và sân golf vùng sa mạc, Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) đã chứng kiến ​​một cú hích lớn trong ngành du lịch và đầu tư từ Nga kể từ khi chiến dịch quân sự bắt đầu vào ngày 24/2.

Theo các nhà phân tích và môi giới bất động sản, khi đối mặt với các lệnh trừng phạt của phương Tây, các nhà tài phiệt Nga từng neo du thuyền trên bờ biển Amalfi của Italy, dự tiệc trong hộp đêm ở Anh hoặc mua nhà trị giá hàng chục triệu USD ở nơi mà người ta gọi là “Londongrad”, đã chuyển đến UAE.

Một báo cáo được công bố vào tháng 10/2022 từ công ty tư vấn bất động sản Betterhomes cho thấy, người Nga đã trở thành những nhà đầu tư bất động sản hàng đầu ở Dubai, UAE.

Báo cáo của Betterhomes có đoạn: “Xung đột đã đặt người Nga lên đầu bảng xếp hạng với tư cách là những người mua không cư trú số một ở Dubai”.

Theo đó, một nửa số căn hộ trong thành phố được đổi chủ bằng các giao dịch hoàn toàn bằng tiền mặt. Dubai đang mang đến cơ hội hoàn hảo cho những người mua giàu có bị đóng băng tài sản ở các ngân hàng bởi các lệnh trừng phạt của phương Tây.

Nirvana, siêu du thuyền dài 88 mét trị giá khoảng 300 triệu USD, cập cảng Port Rashid ở Dubai, UAE, tháng 6/2022. Du thuyền thuộc sở hữu của Vladimir Potanin, một tỷ phú người Nga, người đứng đầu nhà sản xuất niken và paladi tinh chế lớn nhất thế giới. (Nguồn: AP)

Khi các hãng hàng không châu Âu và Mỹ ngừng bay đến Nga thì Emirates, một trong những hãng hàng không chính của UAE, tiếp tục khai thác 17 chuyến bay hằng tuần giữa Moscow và Dubai.

UAE, một nhà sản xuất dầu lớn, cũng được hưởng lợi từ việc tăng giá năng lượng do xung đột. Nơi đây là “thiên đường” cho các nhà đầu tư Nga “lách” các lệnh trừng phạt của phương Tây.

Thổ Nhĩ Kỳ

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan đã tự định vị mình là nhân vật trung gian giữa Nga và Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO). Ankara cũng gặt hái được những thành quả kinh tế trong quá trình này.

Thổ Nhĩ Kỳ từ chối tham gia cùng các thành viên khác của NATO trong việc trừng phạt Nga. Thay vào đó, Ankara (cùng Liên hợp quốc) đóng vai trò trung gian trong thỏa thuận ngũ cốc với Moscow để cho phép Kiev xuất khẩu lương thực. Việc này góp phần xoa dịu cuộc khủng hoảng lương thực đang diễn ra trên toàn cầu.

Theo dữ liệu được trích dẫn bởi tổ chức tư vấn Carnegie Endowment for International Peace, trong 9 tháng đầu năm 2022, Thổ Nhĩ Kỳ đã trở thành điểm đến nổi tiếng với cát trắng nắng vàng của 4 triệu người Nga.

Xu hướng này dự kiến ​​sẽ gia tăng mạnh khi khách du lịch Nga không được cấp visa tới các nước châu Âu do lệnh trừng phạt liên quan xung đột ở Ukraine.

Ankara cũng đã trở thành một đầu mối xuất nhập khẩu cho ngành ngoại thương Nga khi Moscow bị cắt đứt khỏi các nhà cung cấp truyền thống ở châu Âu.

Ngày 8/11, Alexandra Prokopenko, một nhà phân tích làm việc tại Carnegie Endowment for International Peace, cho biết: “Trong 9 tháng đầu năm nay, kim ngạch thương mại giữa Nga và Thổ Nhĩ Kỳ đạt 47 tỷ USD, tăng gấp đôi so với cùng kỳ năm ngoái. Ankara có thể trở thành một trong ba đối tác thương mại hàng đầu của Moscow”.

Venezuela

Xung đột ở Ukraine đã giúp Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro xoa dịu những mối quan hệ căng thẳng trước đây.

Theo Cơ quan Thông tin năng lượng Mỹ, Venezuela kiểm soát trữ lượng dầu lớn nhất thế giới và các công ty năng lượng cũng như các nhà hoạch định chính sách Washington đang muốn xây dựng lại ngành sản xuất của quốc gia Mỹ Latinh nhằm hạ giá dầu thế giới.

Hiện các công ty dầu mỏ của Mỹ, đặc biệt là Chevron, muốn bắt đầu khai thác nhiều dầu thô của Venezuela hơn. Hai bên đã thảo luận về việc nới lỏng các biện pháp trừng phạt và các mối quan hệ hợp tác khác.

Saudi Arabia

Năm 2020, quan hệ Mỹ và Saudi Arabia trở nên căng thẳng liên quan tới vụ sát hại nhà báo Jamal Khashoggi.

Mặc dù vậy, tháng 7/2022, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã tới Riyadh trong chuyến công du Trung Đông mà trọng tâm là đề nghị Saudi Arabia tăng sản lượng dầu trước cuộc bầu cử giữa kỳ Mỹ vào tháng 11 này.

Thái tử Saudi Arabia Mohammed bin Salman (phải), chào đón Tổng thống Mỹ Joe Biden tại Jeddah, Saudi Arabia, tháng 7/2022. (Nguồn: Associated Press)

Tuy nhiên, Saudi Arabia đã làm điều ngược lại. Theo các quan chức Washington, Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) và OPEC+, trong đó Saudi Arabia là thành viên chủ chốt, đã cắt giảm sản lượng vào tháng 10, dẫn đến giá cả cao hơn.

Dữ liệu từ IMF công bố vào tháng 8 cho thấy, các nhà xuất khẩu dầu ở Trung Đông, bao gồm cả Saudi Arabia và UAE, dự kiến ​​sẽ thu về thêm hơn 1 nghìn tỷ USD doanh thu từ dầu mỏ trong 4 năm tới so với dự kiến khi không có xung đột Nga-Ukraine.

Một báo cáo của Hội đồng Quan hệ đối ngoại - một tổ chức tư vấn có trụ sở tại Mỹ, ghi nhận: “Chiến dịch quân sự của Nga ở Ukraine, kết hợp với lạm phát tại Mỹ, đã góp phần đẩy giá năng lượng tăng mạnh. Điều này thu hút sự chú ý của Saudi Arabia như một trong những nhà sản xuất dầu hàng đầu thế giới và là nước duy nhất có năng lực đáng kể để tăng sản lượng nhanh chóng”.

Các nhà phân tích cho biết, Riyadh đã duy trì mối quan hệ thân tình với Moscow trong suốt xung đột ở Ukraine.

Giới quan sát nhận định, giá dầu cao cũng cho phép quốc gia Trung Đông tăng áp lực lên Washington.

(theo cbc.ca)