📞

Khủng hoảng oxy y tế

Thủy Vy 10:00 | 16/05/2021
Thiếu hụt oxy y tế đang là vấn đề đáng báo động đối với các bệnh viện trên thế giới, nhưng các chuyên gia cho rằng vẫn chưa quá muộn để vượt qua cuộc khủng hoảng này.
Ấn Độ thời gian qua đã phải trải qua tình trạng thiếu hụt oxy y tế trầm trọng. (Nguồn: Tribune India)

Những tuần gần đây, với số ca mắc Covid-19 tăng đột biến, Ấn Độ đang lao đao do các bệnh viện không đủ trữ lượng oxy để cung cấp cho bệnh nhân. Nhiều người dân nước này đã phải chứng kiến người thân ra đi trong vô vọng.

Không chỉ riêng tại Ấn Độ, trong thời gian qua, các bệnh viện ở Brazil, Peru, Nigeria, Jordan, Italy và nhiều nơi khác cũng vướng phải tình trạng đáng báo động này. Tại các bệnh viện thuộc thành phố New York và California của Mỹ, trữ lượng oxy đã có lúc xuống thấp báo động.

Sự thiếu hụt oxy y tế ở Ấn Độ nói riêng và thế giới nói chung không phải là một hiện tượng mới, nhưng tình hình ngày một nghiêm trọng hơn do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19. Các chuyên gia cho biết, đại dịch đã phơi bày ra những “lỗ hổng” trong khả năng tiếp cận oxy y tế, gây ra vô số ca tử vong không đáng có ở các nước thu nhập thấp và trung bình.

Thực trạng này đã dấy lên những hồi chuông cảnh tỉnh về tầm quan trọng của việc cung cấp đầy đủ oxy, một trong những yếu tố cơ bản nhất của sự sống, trong điều trị y tế.

Yếu tố bị lãng quên

Oxy y tế là một dạng đậm đặc hơn oxy có trong không khí. Trên thực tế, nitơ chiếm phần lớn bầu khí quyển Trái đất, chỉ 21% không khí thông thường là oxy. Tuy nhiên, oxy y tế chứa tối thiểu 82% thành phần là oxy tinh khiết, được tạo ra thông qua các quy trình hóa học. Oxy đã được áp dụng như một loại thuốc điều trị cho binh lính tiếp xúc với hơi cay tại các chiến hào trên khắp châu Âu kể từ Thế chiến I.

Liệu pháp thở oxy đặc biệt quan trọng đối với các bệnh đường hô hấp như Covid-19 hoặc viêm phổi. Biến chứng gây tử vong chính của viêm phổi là hạ oxy máu. Đây là tình trạng lượng oxy có trong máu và các động mạch ở dưới mức bình thường, khiến cho các cơ quan trong cơ thể bắt đầu ngừng hoạt động.

Hạ oxy máu có thể là biến chứng của mọi căn bệnh, từ sốt rét ác tính, bệnh tim mạch cho đến chấn thương do mất máu quá nhiều. Việc bổ sung oxy cho cơ thể bệnh nhân sẽ giúp các bác sĩ có thêm thời gian để điều trị tận gốc vấn đề. Ngoài ra, các bác sĩ cũng cho bệnh nhân được gây mê trong phẫu thuật thở oxy.

Michael Hawkes, Phó Giáo sư Nhi khoa tại Đại học Alberta cho biết tế bào con người cần oxy để tồn tại. Đó là lý do các bệnh viện luôn có lượng máu dự trữ, nhằm cung cấp oxy cho các tế bào.

Tuy có vô số công dụng trong điều trị y tế, nhưng oxy không phải lúc nào cũng sẵn có ở các nước có thu nhập thấp và trung bình. Năm 2014, một nghiên cứu tại các bệnh viện ở Malawi cho thấy chỉ có 22% bệnh nhân được thở oxy. Qua một cuộc khảo sát năm 2019, các bệnh viện ở Tây Nam Nigeria cũng cho biết họ chỉ có thể cung cấp oxy cho 20% trẻ em cần.

Nghiên cứu năm 2020 của ông Trevor Duke, bác sĩ Nhi khoa tại Đại học Melbourne kiêm trợ giảng về sức khỏe trẻ em tại Đại học Papua New Guinea, chỉ ra rằng việc cải thiện chất lượng chương trình oxy y tế tại các cơ sở y tế ở Papua New Guinea đã làm giảm tỷ lệ tử vong đến 40% ở trẻ em và 50% ở bệnh nhân viêm phổi.

Thách thức phức tạp

Mặc dù oxy y tế được chứng minh có thể cứu sống được nhiều người, nhưng hiện thế giới đang gặp phải nhiều thách thức để có thể cung cấp oxy đầy đủ tới những bệnh viện cần chúng. Trong đó bắt nguồn từ những khâu cơ bản như thiếu cơ sở sản xuất, nguồn cung không đủ cầu…

Các cơ sở y tế tại các nước đang phát triển, do không có khả năng kinh tế, buộc phải nhập các bình oxy y tế theo các bình riêng lẻ mà không thể tự xây dựng các hệ thống lưu giữ oxy. Tuy nhiên, các bình oxy này có áp suất cao, rất nặng và nguy hiểm, khiến việc vận chuyển rất tốn kém và khó khăn, nhất là đến những bệnh viện nằm xa các nhà máy sản xuất.

Chính vì vậy, việc thu hẹp khoảng cách tiếp cận oxy y tế giữa các quốc gia đòi hỏi sự quan tâm và đầu tư đáng kể từ cộng đồng quốc tế. Tuy nhiên, theo ông Duke, cộng đồng quốc tế đặt ưu tiên cho các loại thuốc và vaccine mới hơn là oxy y tế.

Cuộc khủng hoảng do đại dịch Covid-19 phần nào đưa lại nhận thức mới về tầm quan trọng của oxy y tế đối với việc cứu sống con người. Mùa thu năm ngoái, một liên minh các tổ chức phi chính phủ đã ra mắt Công cụ theo dõi nhu cầu oxy Covid-19, cho phép quan sát số mét khối oxy mà các quốc gia có thu nhập thấp và trung bình cần mỗi ngày.

Kết quả gây sốc đến mức Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã cho khởi động Lực lượng khẩn cấp về oxy y tế vào tháng Hai vừa qua. Mục tiêu của lực lượng là gây quỹ tài trợ 90 triệu USD trong thời gian ngắn nhất, nhằm cung cấp oxy cho các nước có thu nhập thấp và trung bình, đồng thời tiếp tục gây quỹ 1,6 tỷ USD để chuẩn bị cho năm tới.

Robert Matiru, Giám đốc chương trình của cơ quan y tế toàn cầu Unitaid thừa nhận rằng các nhà tài trợ chưa thực sự quan tâm đến việc tăng cường trữ lượng oxy y tế toàn cầu.

Ông nhận định: “Đáng lẽ chúng ta cần hành động từ trước khi Ấn Độ rơi vào khủng hoảng. Người dân đã phải hy sinh quá nhiều chỉ để thế giới nhận thức được tầm quan trọng của việc cung cấp đủ oxy”.

Một số chuyên gia khuyến cáo, Việt Nam cũng cần phải rút ra những bài học từ cuộc khủng hoảng oxy y tế trên thế giới.

Nếu không thực hiện nghiêm các biện pháp phòng dịch cũng như chuẩn bị kỹ càng các vật liệu y tế quan trọng, nguy cơ thiếu hụt nghiêm trọng hoàn toàn có thể xảy ra.

(theo National Geographic)