📞

Khủng hoảng Syria: Liệu 'ngôi sao hy vọng' có xuất hiện sau 12 năm?

Hạnh Lê 21:06 | 19/03/2023
Theo một số chuyên gia, bước sang năm thứ 13, cuộc khủng hoảng Syria đang nhận được một số tín hiệu tích cực.
Sau 12 năm, tình hình tại Syria dường như đang đứng trước những tín hiệu khả quan, cho thấy những căng thẳng có thể giảm đi trong năm 2023 - Ảnh minh họa. (Nguồn: AFP)

Cách đây 12 năm, ngày 15/3/2011, biểu tình đã đồng loạt nổ ra trên đường phố tại Deraa, Aleppo và thủ đô Damascus của Syria, nhằm phản đối chính quyền Tổng thống Bashar al-Assad, kêu gọi cải cách dân chủ, và trao trả tự do cho các tù nhân chính trị.

Trước phản ứng dữ dội và cuộc đàn áp mạnh tay từ chính quyền Syria, tháng 7/2011, một nhóm người tách khỏi quân đội nước này và tuyên bố thành lập Lực lượng quân đội Syria tự do (FSA), biến những cuộc biểu tình trở thành cuộc nội chiến.

Các cuộc biểu tình và xung đột tiếp tục diễn ra vào hai năm sau đó, kéo theo nhiều nhóm nổi dậy, cùng các thế lực từ bên ngoài vào cuộc. Trong đó, tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) đã nổi lên ở miền Bắc và miền Đông Syria, sau khi chiếm được phần lớn lãnh thổ ở Iraq vào cuối năm 2013.

Trong suốt 12 năm qua, đã có hàng triệu người phải di dời, hàng trăm nghìn người thiệt mạng tại quốc gia này, khiến Syria đã trở thành một điểm nóng, và một “bài toán chưa có lời giải” ở Trung Đông.

Những cơ hội hòa giải

Hy vọng đã dấy lên về khả năng căng thẳng lắng dịu vào năm thứ 13 của xung đột, sau khi một số sự kiện quan trọng đã diễn ra trong những tháng đầu năm nay. Trong đó, đáng chú ý là nỗ lực của Nga cùng Iran đã góp phần làm "tan băng" quan hệ giữa hai nước láng giềng Syria và Thổ Nhĩ Kỳ - quốc gia được cho là có ảnh hưởng đáng kể đối với các nhóm nổi dậy chủ chốt ở miền bắc Syria.

Dự kiến các thứ trưởng ngoại giao của 4 nước trên sẽ sớm gặp nhau, “mở đường” cho cuộc gặp đầu tiên của ngoại trưởng Syria và Thổ Nhĩ Kỳ kể từ khi bắt đầu cuộc khủng hoảng Syria. Trước đó, vào tháng 12 năm ngoái, bộ trưởng quốc phòng của hai bên đã có cơ hội gặp mặt và trao đổi tại Moscow.

Đặc biệt, ngày 15/3 vừa qua, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã tiếp đón người đồng cấp Syria Bashar Assad. Theo một số nguồn tin, hai vị lãnh đạo này đã thảo luận về vấn đề hòa giải Syria-Thổ Nhĩ Kỳ trong buổi hội đàm.

Việc nối lại quan hệ giữa Damascus và Ankara được coi là yếu tố quan trọng trong việc xoa dịu cuộc khủng hoảng Syria.

Trong khi đó, sự hòa giải do Trung Quốc làm trung gian giữa Saudi Arabia và Iran vào ngày 10/3 đã gửi đi dấu hiệu tích cực, cũng như món quà đầy bất ngờ cho Trung Đông. Đây đều là những nước lớn trong khu vực, đồng thời là bên chủ chốt tại xung đột Syria, trong đó Iran đứng về phía chính quyền Tổng thống Bashar al-Assad, còn Saudi Arabia ủng hộ phe đối lập chính.

Một diễn biến khác là trận động đất kinh hoàng làm rung chuyển Syria vào ngày 6/2 năm nay cũng đã đưa các nước Arab đến quyết định thay đổi các chính sách trước đây đối với quốc gia này, khi thực hiện "ngoại giao động đất".

Lần đầu tiên sau hơn mười năm, các máy bay Saudi Arabia đã đáp xuống sân bay của Syria để chuyển hàng cứu trợ cho các nạn nhân trận động đất.

Ngoài ra, Ngoại trưởng Ai Cập Sameh Shoukry cũng đã có chuyến thăm "phá băng" tới Syria sau thảm họa, khẳng định cam kết ủng hộ của Cairo đối với Damascus.

Lan tỏa 'bầu không khí tích cực'

Ông Mohammad Al-Omari, nhà nghiên cứu chính trị Syria cho rằng, “bầu không khí tích cực” hiện nay có thể cảm nhận được từ trong nước tới khu vực và toàn cầu.

Nhà phân tích này cũng chỉ ra rằng, những tín hiệu tích cực hiện tại có thể thúc đẩy những cuộc đàm phán chính trị đang bế tắc. Đồng thời, ông nhấn mạnh, một giải pháp chính trị toàn diện đòi hỏi liên kết khu vực và quốc tế rộng lớn hơn, dựa trên sự hợp tác và ổn định.

Tuy nhiên, trong khi diễn biến chính trị đang chuyển hướng tích cực, tình hình tài chính của Syria dường như không khả quan, do lệnh trừng phạt của Mỹ được áp dụng từ năm 2011 đang "bóp nghẹt" nền kinh tế nước này.

Ông Al-Omari nhận định, ngay cả khi Washington dỡ bỏ các lệnh trừng phạt và cấm vận - một viễn cảnh khó xảy ra trong tương lai gần, các tác động tiêu cực vẫn sẽ tiếp tục kéo dài, do những biện pháp của Mỹ đã tạo ra một “vết rạn nứt” tại Syria.

Bên cạnh nền kinh tế bị ảnh hưởng nặng nề, các lĩnh vực khác, đặc biệt là giáo dục, y tế và an ninh lương thực của Syria trong tương lai vẫn sẽ chịu nhiều tác động.

Theo báo cáo từ Chương trình Lương thực thế giới (WFP) của Liên hợp quốc, hiện 90% người dân Syria sống trong cảnh nghèo đói, và phần lớn không thể xoay sở đủ để trang trải cho cuộc sống, do cạn kiệt tài nguyên, cơ hội việc làm hạn chế, giá cả tăng vọt và thiếu hụt các nguồn cung cơ bản.

Ông Osama Danura, một nhà phân tích chính trị khác cho biết, những động thái tích cực trong quan hệ của Syria với các nước tại khu vực, cũng như quá trình kết nối trở lại gần đây giữa các bên sau thảm họa động đất, sẽ giúp xoa dịu căng thẳng tại các điểm nóng ở Trung Đông.

(theo Al Jazeera/Tân Hoa Xã)