📞

Khủng hoảng tài chính Châu Á: Trách nhiệm kép

15:38 | 20/12/2008
Trái ngược những dự báo khá lạc quan cách đây nửa năm rằng các nền kinh tế châu Á có nhiều cơ hội tránh được hậu quả của cơn địa chấn tài chính toàn cầu, nay các nước châu Á đang phải hợp sức chống khủng hoảng tài chính.

Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) vừa cho rằng kinh tế khu vực này đang đối mặt với một năm đặc biệt khó khăn, tốc độ tăng trưởng của các nền kinh tế đang phát triển sẽ giảm từ 6,9% năm 2008 xuống 5,8% vào năm 2009.

 

Theo báo cáo mới nhất của ADB, các nước Đông Á mới nổi sẽ tăng trưởng khoảng 5,7% vào năm tới, giảm so với mức 6,9% trong năm nay. Nam Á có thể chỉ tăng trưởng kinh tế 6,8% năm nay và 6,1% năm 2009. Ngày 12/12, Thủ tướng Nhật Bản Aso đã phải công bố gói biện pháp kích thích kinh tế bổ sung, trị giá khoảng 242 tỷ USD nhằm giải quyết những khó khăn của thị trường việc làm, vực dậy thị trường bất động sản đang sa sút và hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Trước đó, Trung Quốc và nhiều nước khác, kể cả Việt Nam đã quyết định kích cầu. Tại Hàn Quốc, tình hình cũng không khả quan khi tốc độ tăng trưởng kinh tế giảm và GDP thực trong quý III/2008 giảm 3,5% so với cùng kỳ năm ngoái.

 

Việc giảm cầu toàn cầu đã gây tác hại lớn đối với cả khu vực vốn coi xuất khẩu có vai trò đặc biệt quan trọng và từ đó tác động mạnh đến các ngành sản xuất công nghiệp. Xuất khẩu của Trung Quốc trong tháng 11 vừa qua đã sụt giảm 2,2% so với tháng trước đó, là mức giảm mạnh nhất trong vòng gần 15 trở lại đây. Kim ngạch xuất khẩu của Hàn Quốc hiện cũng đã giảm xuống mức thấp nhất trong vòng 7 năm qua. Cuộc khủng hoảng tín dụng toàn cầu cũng đang thử thách khả năng của các ngân hàng châu Á trong việc duy trì hoạt động cho vay, mặc dù các nước châu lục này đã tích lũy được một lượng dự trữ ngoại tệ khá lớn kể từ cuộc khủng hoảng tài chính năm 1997.

 

Nhận thức được nguy cơ suy thoái kinh tế, các nền kinh tế mạnh của châu Á đang hợp sức đối phó khủng hoảng tài chính. Ngày 13/12, lãnh đạo cấp cao các nước Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản đã gặp nhau trong Hội nghị thượng đỉnh Bắc Á tại Nhật Bản để bàn biện pháp đối phó. Một trong những kết quả quan trọng của Hội nghị này là 3 bên nhất trí tăng cường các thoả thuận trao đổi tiền tệ song phương trong khu vực và quyết định tổ chức Hội nghị Thống đốc ngân hàng trung ương thường niên nhằm tăng cường ổn định tài chính khu vực.

 

Trong lúc khó khăn, mục tiêu toàn cầu hóa dường như đang nhường chỗ cho các nỗ lực song phương và khu vực. Trung Quốc, Hàn Quốc đã đạt được thỏa thuận trao đổi tiền tệ song phương trị giá 180 tỷ Nhân dân tệ (26,2 tỷ USD), nhằm cung cấp đủ lượng tiền mặt cho hệ thống tài chính của hai nước. Bên cạnh đó, nhiều nước đã thấy cấp bách hơn trong việc hình thành đồng tiền chung Châu Á hoặc tìm cách trao đổi thương mại bằng tiền bản địa. Nhiều nhà phân tích vẫn tin rằng bằng những nỗ lực tập thể, lần này các nền kinh tế châu Á sẽ thoát hiểm nhờ hệ thống tài chính đã được kiện toàn ngay sau thời kỳ khủng hoảng 1997-1998.

 

Còn nhớ cách đây 10 năm, sau nhiều năm tăng trưởng diệu kỳ, các “con rồng, con hổ” Đông Á đã rơi vào khủng hoảng tài chính trầm trọng và suýt nữa đã kéo cả thế giới vào một cuộc khủng hoảng kinh tế. Chính những năm tăng trưởng nóng đó đã làm tích tụ nhiều vấn đề phức tạp. Nhiều giấy tờ có giá và bất động sản đã được mua bán bằng tiền vay nợ. Sự lạc quan thái quá và nguồn vốn giá rẻ đã làm bùng lên bong bóng đầu tư. Theo ước tính, cho đến giữa năm 1997, các nước Đông Nam Á đã vay nợ tới 389,4 tỷ USD. Sau sự suy sụp của các con hổ châu Á và sự đảo lộn của nền tài chính Nga, nhiều nhà dự báo cho rằng nền kinh tế thế giới đã ở bên bờ sụp đổ. May thay, đã có vị cứu tinh xuất hiện, đó là sự bùng phát của thị trường các nước phương Tây nhờ công nghệ mới và Internet xuất hiện.

 

Cuộc khủng hoảng lần này không nổ ra từ châu Á mà là từ Mỹ. Mỹ cũng chưa cứu nổi mình, cho nên châu Á phải tự cứu mình và hơn thế còn phải thực hiện vai trò chia sẻ hiểm họa của cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu.

 

Trong tuyên bố chung về vấn đề tài chính, tiền tệ quốc tế và kinh tế, các nhà lãnh đạo ba nước Trung-Nhật-Hàn nhấn mạnh một loạt hội nghị quốc tế và nỗ lực hợp tác nhằm ổn định thị trường tài chính-tiền tệ, khôi phục tăng trưởng toàn cầu là vô cùng quan trọng và một lần nữa xác nhận ba nước sẽ thực hiện Tuyên bố Hội nghị Thượng đỉnh Thị trường Tài chính - Tiền tệ và Kinh tế thế giới, bao gồm kế hoạch hành động, nguyên tắc chung chỉ đạo cải cách thị trường tài chính-tiền tệ. Các nhà lãnh đạo ba nước cho rằng thế giới bên ngoài trông đợi các nước châu Á - trung tâm tăng trưởng kinh tế toàn cầu - phát huy vai trò, xoay chuyển xu thế đi xuống của kinh tế thế giới và làm cho nó trở lại quỹ đạo phát triển bền vững.

 

Để phản đối chủ nghĩa bảo hộ, các nhà lãnh đạo ba nước tuyên bố sẽ tiếp tục nỗ lực thúc đẩy nghị trình phát triển Doha sớm đạt kết quả đầy đủ, cân bằng và toàn diện. Các nhà lãnh đạo ba nước còn cho rằng trong 12 tháng tới Chính phủ ba nước nên tránh gây ra trở ngại mới cho đầu tư, mậu dịch hàng hóa và dịch vụ, tránh áp dụng biện pháp hạn chế xuất khẩu mới, tránh dùng những biện pháp kích thích xuất khẩu không phù hợp với nguyên tắc WTO.

 

Bằng nỗ lực chung, châu Á đang nỗ lực giảm thiểu tác động của cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu.

 

Xuân Nguyên