📞

Khủng hoảng tài chính Mỹ đã kết thúc?

15:54 | 05/08/2011
Ngay sau tuyên bố nâng trần nợ của chính phủ Mỹ, một loạt các báo hàng đầu của nước này như New York Times, Washington Post ... đều lên tiếng phản đối.

“Có" còn hơn “không"

Cuối cùng thì trần nợ của Mỹ sẽ thêm 2.100 tỷ USD, đủ để đảm bảo cho nhu cầu của nước Mỹ đến năm 2013. Họ cũng nhất trí giảm khoảng 917 tỷ USD chi tiêu trong 10 năm và yêu cầu 1 Ủy ban đặc biệt tìm cách giảm thêm 1.500 tỷ USD thâm hụt ngân sách trước thời điểm cuối năm 2011.

Tuy nhiên, để chào mừng sự kiện này tờ New York Times đăng bài viết "To Escape Chaos, a Terrible Deal” (tạm dịch: Tránh khủng hoảng, một thỏa thuận tồi tệ) với nhận định, thỏa thuận cắt giảm chi tiêu của chính phủ có thể giúp Mỹ tránh nguy cơ vỡ nợ tức thì hay đến hết năm 2012 nhưng là sự thỏa hiệp với đòi hỏi của những thành phần cực đoan thuộc Đảng Cộng hòa. Rõ ràng, thỏa thuận này sẽ ảnh hưởng đến các chương trình dành cho tầng lớp trung lưu và người nghèo, cũng như cản trở đà phục hồi của nền kinh tế.

Washington Post cũng cho rằng "Đây chỉ là giải pháp tạm thời và không phải là giải pháp được đánh giá cao". Và đặt ra nghi ngại: "Liệu Chính phủ có thể có một hệ thống chính trị hạng AAA để phù hợp với xếp hạng tín dụng AAA? Liệu cắt giảm chi tiêu quân sự có thực sự thích đáng trong bối cảnh tham chiến ở Afghanistan?"

Có cùng những quan điểm trên, tờ USA Today viết: "Thỏa thuận này chỉ khiến Mỹ dấn sâu hơn vào con đường cũ, và không thể giải quyết được vấn đề thực sự của mình". Tuy nhiên, tờ này cũng rất khách quan mà nói rằng: "Tránh được một cuộc khủng hoảng nợ, dù sao vẫn tốt hơn là không".

Reuters dẫn nhận định của các nhà đầu tư và chuyên gia kinh tế rằng, thỏa thuận nâng trần nợ và cắt giảm có thể giúp Mỹ tránh nguy cơ vỡ nợ, và khôi phục niềm tin vào đồng USD nhưng vẫn có nguy cơ bị hạ bậc tín nhiệm. Các nhà kinh tế dự đoán, một lộ trình cắt giảm ngân sách nhanh và mạnh hơn có thể gây lên một cú sốc đối với nền kinh tế đang gánh chịu nhiều tác động từ việc tăng giá nhiên liệu, nguyên liệu, chi phí đầu vào tăng cao trong khi doanh số sụt giảm, thị trường nhà đất ảm đạm.

Không giúp ích nhiều

Tuy nhiên, bất chấp nhiều hứa hẹn từ phía Chính phủ và các nhà lập pháp Mỹ, nhìn vào thực trạng nền kinh tế Mỹ, ít người có thể lạc quan về viễn cảnh trong tương lai.

Nền kinh tế Mỹ gần như bị đình trệ trong suốt 6 tháng đầu năm, tốc độ tăng trưởng trong quý 1 và quý 2 lần lượt chỉ là 0,4% và 1,3%, thấp hơn nhiều so với kì vọng và dự báo trước đó. Tỷ lệ thất nghiệp cao (9,2%), doanh số bán lẻ chiếm tỷ trọng tới 70% của nền kinh tế Mỹ lại chỉ tăng có 0,1%,...

Thêm vào đó, việc chính phủ thông qua thỏa thuận cắt giảm chi tiêu sẽ tác động đến tâm lý người tiêu dùng theo hướng tiêu cực. Người tiêu dùng sẽ giảm mua sắm các tài sản lớn như xe cộ và nhà đất. Đối với một quốc gia có tỷ trọng dịch vụ - tiêu dùng lớn nhất thế giới như Mỹ, đây là một vấn đề nghiêm trọng cần được cân nhắc giải quyết ngay lập tức.

Việc cắt giảm chi tiêu nhiều hơn và nhanh hơn có thể gây ra một cú sốc lớn đối với một nền kinh tế đang bị ảnh hưởng bởi giá nhiên liêu tăng cao, thời tiết xấu, động đất ở Nhật Bản và thị trường nhà đất ảm đảm, thêm vào đó là thị trường lao động không hề có dấu hiệu phục hồi. Tuy nhiên, ông Obama hy vọng thỏa thuận là bước đầu để tháo gỡ tình hình khó khăn.

Bên cạnh đó, nguy cơ bị hạ xếp hạng tài chính AAA đã được duy trì từ năm 1941 của nước Mỹ gần như vẫn còn nguyên. Nếu nguy cơ bị các hãng xếp hạng tín dụng lớn như Moody's hay Standard & Poor's hạ mức xếp hạng tín dụng cao nhất trở thành hiện thực thì lãi suất và chi phí vay vốn đối với các doanh nghiệp sẽ tăng cao, khiến tương lai của các doanh nghiệp Mỹ càng mờ mịt hơn.

Các nhà bình luận cho rằng việc cắt giảm chi tiêu là điều cuối cùng mà nền kinh tế Mỹ nên thực thi trong thời điểm này. Số liệu về việc làm công bố ngày 29/7 có thể thêm một lời nhắc nhở đối với nền kinh tế hiện còn rất yếu của Mỹ. Theo khảo sát của Reuters, tỷ lệ thất nghiệp vẫn duy trì ở mức 9,2%.

Tuy nhiên, ít nhất thỏa thuận đạt được tại Oasinhtơn có thể đẩy lùi nỗi lo sợ về khả năng xảy ra vỡ nợ của Mỹ cho tới sau cuộc bầu cử tổng thống sẽ diễn ra vào năm 2012. Nhưng các nhà đầu tư trên toàn thế giới vẫn lo lắng về khả năng Mỹ bị hạ bậc xếp hạng tín nhiệm do khoản nợ của nước này gây ra trong tương lai. Nếu điều này xảy ra, chi phí đi vay của Mỹ sẽ tăng lên và tạo ra một vật cản mới đối với nền kinh tế Mỹ.

Minh Anh