📞

Khủng hoảng tài chính thế giới: Nguyên nhân & hệ lụy

11:51 | 15/05/2009
Gulnara Karimov, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu chính trị ở Tashkent, vừa có bài phân tích về cuộc khủng hoảng tài chính thế giới hiện nay. TG&VN trích giới thiệu cùng bạn đọc.

Về tính chất của cuộc khủng hoảng

 

Không ít các nhà kinh tế, trước hết là ở phương Tây, ủng hộ ý kiến rằng cuộc khủng hoảng hiện nay là hiện tượng bình thường trong khuôn khổ dao động chu kỳ của sự tăng trưởng kinh tế. Những người thuộc trường phái này cho rằng trong cuộc khủng hoảng hiện nay không có bất kỳ sự bất thường gì, vì sự hoạt động của kinh tế thường được phát triển theo đường cong hình sóng, nơi các thời kỳ phát triển cùng với thời gian được thay bằng các thời kỳ suy giảm và đình trệ, mà sau đó lại thúc đẩy sự tăng trưởng nhất định của nền kinh tế. Chu kỳ vận động này phát triển như thể theo hình xoáy trôn ốc, khi không ngừng đưa nền kinh tế đến giai đoạn tăng trưởng tiếp theo.

 

Bản thân những người ủng hộ lý thuyết chu kỳ cũng phân chia làm hai nhóm. Nhóm thứ nhất, chiếm đa số cho rằng những vấn đề của cuộc khủng hoảng hiện nay sẽ kéo dài lâu nhất là từ 3-4 năm, sau đó sự cân bằng trên thị trường tiêu dùng và đầu tư sẽ được khôi phục. Còn theo nhóm thứ hai, do cuộc khủng hoảng hiện nay xuất phát từ nước Mỹ, có tính chất suy thoái tương tự như cuộc đại suy thoái những năm 1930, cho nên sẽ kéo dài ít nhất là từ 8-10 năm. Hai nhóm này có cùng quan điểm cho rằng mô hình phát triển kinh tế thế giới hiện nay vẫn tiếp tục tồn tại.

 

Đối lập quan điểm này là những người theo lý thuyết hệ thống. Họ cho rằng cuộc khủng hoảng thế giới hiện nay không phải là cuộc khủng hoảng chu kỳ, mà là cuộc khủng hoảng mang tính chất cơ cấu. Trong cuộc khủng hoảng này sẽ xuất hiện các tiền đề để thay đổi cơ bản mô hình phát triển kinh tế. Những người ủng hộ lý thuyết cơ cấu - hệ thống nhấn mạnh, khi nào mà cơ cấu tự do - dân chủ đang ngự trị ở phương Tây chưa nhường chỗ cho các hình thức mới về tổ chức và điều tiết nền kinh tế và các luồng tài chính, thì cuộc khủng hoảng vẫn chưa có lối thoát. Ngược lại, cuộc khủng hoảng ngày càng trở nên gay gắt hơn. Bằng chứng cho kết luận này là các cuộc khủng hoảng cơ cấu hay “chu kỳ bước sóng dài” với độ kéo dài đến 50 năm đã diễn ra trong lịch sử phát triển của mô hình kinh tế tư bản phương Tây.

 

Về tương lai của đồng đôla Mỹ

 

Các học giả theo trường phái ủng hộ đồng đôla Mỹ cho rằng trong tương lai sự chi phối của đồng tiền này không hề bị đe dọa. Họ chỉ ra rằng vào giữa những năm 1980, đồng USD đã bị mất giá đến 2 lần, nhưng vị thế của nó không hề suy giảm. Hiện nay, các diễn viên lớn trong nền kinh tế thế giới như Nhật Bản, EU có quan hệ kinh tế thương mại chặt chẽ với Mỹ và có đồng tiền, dự trữ ngoại tệ gắn chặt với đồng USD không quan tâm tới việc đồng tiền này bị giảm giá mạnh. Trung Quốc là nước đứng đầu trong việc mua chứng khoán của Mỹ cũng không quan ngại tới điều này. Hơn nữa, các chủ thể này của nền kinh tế thế giới lại mong muốn ổn định hệ thống tài chính - tiền tệ, khi họ hậu thuẫn cho đồng đôla Mỹ.

 

Những người có quan điểm ngược lại thì nhấn mạnh trong thời gian tới cuộc bàn luận xung quanh triển vọng hệ thống tài chính thế giới sẽ được triển khai sôi nổi hơn và chính tại các cuộc bàn luận này sẽ xuất hiện điểm tới hạn của mâu thuẫn có thể có giữa Mỹ và các lực lượng kinh tế - chính trị hàng đầu khác, đang muốn thiết lập một trung tâm phát hành tiền toàn cầu siêu quốc gia.

 

Về số phận của quá trình toàn cầu hóa

 

Động cơ chính của toàn cầu hoá trong các thập kỷ gần đây là Mỹ, các nước châu Âu, Nhật Bản và Trung Quốc. Sự tăng trưởng kinh tế của các nước này đã thúc đẩy quá trình chuyển dịch toàn cầu về vốn, nguồn lực lao động, công nghệ, hàng hóa, di chuyển cơ sở sản xuất, thúc đẩy phân chia lao động thế giới, chuẩn mực hóa về pháp luật...

 

Thực tế ngày nay, toàn bộ thế giới đã bị cuốn hút vào các quá trình kinh tế - chính trị, văn hóa và khoa học toàn cầu. Một trong những hệ quả của các quá trình này là sự tăng trưởng không ngừng kể từ Thế chiến II của GDP thế giới và khối lượng thương mại toàn cầu. Tuy nhiên, cuộc khủng hoảng hiện nay đang đe dọa làm thay đổi quá trình toàn cầu hoá. Năm nay, nền kinh tế thế giới có chiều hướng tăng trưởng âm đầu tiên kể từ sau Thế chiến II, cũng như thương mại thế giới có sự giảm mạnh nhất trong 80 năm qua. Quá trình toàn cầu hoá còn bị giáng một đòn nữa bởi chủ nghĩa bảo hộ mậu dịch đang có chiều hướng tăng trong thời gian gần đây.

 

Các nhà kinh tế, chính trị và chuyên gia có ý kiến khác nhau về vấn đề này và cuộc tranh luận chính đang diễn ra xung quanh chủ đề là trong điều kiện khủng hoảng nên ưu tiên hướng nào: cứu nguy nền kinh tế toàn cầu hay cứu nguy các nền kinh tế quốc gia-dân tộc. Nếu quá trình toàn cầu hoá bị dừng lại do sự thắng thế của chủ nghĩa bảo hộ, thì chúng ta sẽ phải đối mặt với giả thuyết mới về hiện tượng của chủ nghĩa khu vực về kinh tế. Điều này có nghĩa là một mặt các nước phát triển sẽ đóng cửa với nhau bằng các biện pháp bảo hộ, mặt khác  sẽ cố gắng thiết lập vùng ảnh hưởng kinh tế riêng của mình. Về lý thuyết, có thể nói trên thế giới đã có tiền đề cho sự xuất hiện các thị trường khu vực khép kín như vậy, mà trục của chúng có thể là Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản, EU và ở mức độ nào đó là Nga.

 

Các chuyên gia ngày càng nói nhiều về tính chất khu vực của các vùng kinh tế và thị trường tương tự, khi cho rằng các vùng và thị trường này sẽ được hình thành chủ yếu trên cơ sở địa lý.

 

Duy Hưng