Một người đàn ông tại khu chợ ở Ankara, Thổ Nhĩ Kỳ. (Nguồn: Reuters) |
Nền kinh tế chìm trong khủng hoảng
Trong nhiều năm, nền kinh tế Thổ Nhĩ Kỳ đã chìm trong khủng hoảng. Lạm phát ồ ạt gần 40% - tính đến tháng 5/2023. Năm ngoái, có nơi lạm phát tăng vọt lên trên 80%.
Quốc gia nghèo về nguyên liệu thô này có truyền thống nhập khẩu nhiều hơn xuất khẩu và do đó, thâm hụt tài khoản vãng lai luôn ở mức cao. Hiện tại, nhu cầu tài chính bên ngoài của Thổ Nhĩ Kỳ ước tính hơn 200 tỷ USD (183 tỷ Euro).
Đồng thời, nợ quốc gia ngày càng lớn. Theo tính toán của nhà kinh tế Thổ Nhĩ Kỳ Tahsin Bakirtas, trong 4 tháng đầu năm 2023, thâm hụt ngân sách công tại nước này đã bùng nổ ở mức 1.870% so với cùng kỳ năm ngoái. Các hộ gia đình tư nhân cũng mắc nợ rất nhiều, với tỷ lệ khoảng 180% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Thổ Nhĩ Kỳ.
Đồng tiền của quốc gia này cũng sụt giảm nghiêm trọng. Đến cuối tháng 5/2023, so với USD, đồng Lira ở mức 20,75 Lira đổi 1 USD. Do sự mất giá mạnh của tiền tệ, chi phí nhập khẩu nguyên vật liệu và hàng hóa tiếp tục tăng.
Thay vì tăng lãi suất để kiềm chế lạm phát như các Ngân hàng Trung ương trên toàn cầu, Ngân hàng Trung ương nước này đã giữ lãi suất ở mức thấp trong nhiều năm.
Trong khi đó, nhà nước Thổ Nhĩ Kỳ đã phải vật lộn để duy trì hoạt động. Dự trữ ngoại hối gần như cạn kiệt. Chỉ riêng trong năm nay, ngân hàng trung ương đã dành khoảng 25 tỷ USD để tài trợ cho khoản thâm hụt tài khoản khổng lồ và hỗ trợ đồng Lira đang dần suy yếu.
Các khoản vay hiện nay phần lớn được cung cấp bởi các ngân hàng từ các quốc gia Hồi giáo, chẳng hạn như Các tiểu Vương quốc Arab thống nhất (UAE).
Theo báo cáo của Bloomberg News, gần đây, có hai ngân hàng từ UAE - Ngân hàng Thương mại Abu Dhabi và ngân hàng Emirates NBD thuộc sở hữu nhà nước từ Dubai - đã cung cấp cho các ngân hàng Thổ Nhĩ Kỳ hơn một nửa số khoản vay cần thiết.
Đồng thời, các giao dịch tiền tệ - được gọi là thỏa thuận hoán đổi tiền tệ - trị giá khoảng 20 tỷ USD đã được Thổ Nhĩ Kỳ ký kết với UAE và Qatar trong những năm gần đây để bổ sung lượng dự trữ ngoại tệ gần như cạn kiệt của Ngân hàng Trung ương nước này.
"Cơn khát" ngoại tệ
Số liệu chính thức do Thổ Nhĩ Kỳ công bố cho thấy, dự trữ ngoại hối ròng của Ngân hàng Trung ương nước này ghi nhận mức -151,3 triệu USD vào ngày 19/5, do nhu cầu ngoại tệ tăng mạnh. Vấn đề này mang lại không ít rủi ro cho nền kinh tế thuộc nhóm 20 nền kinh tế lớn nhất thế giới.
Giáo sư kinh tế Selva Demiralp tại Đại học Koc ở Istanbul nhận định, Ngân hàng Trung ương đã cố gắng bù đắp những tác động bất lợi của môi trường lãi suất thấp đối với tỷ giá hối đoái bằng cách bán ra ngoại tệ.
Tính đến thời điểm cuối tháng 5, dự trữ ngoại hối của Thổ Nhĩ Kỳ hầu như đã cạn kiệt và sau khi điều chỉnh với các thỏa thuận hoán đổi, dự trữ ngoại hối ròng đã xuống mức âm.
Theo GS. Demiralp, đối với một nền kinh tế có thâm hụt tài khoản vãng lai mỗi tháng khoảng 8 tỷ USD, việc dự trữ ngoại hối ròng rơi xuống mức âm là rất báo động.
Nguyên nhân là do nó có thể gây gián đoạn hoạt động thương mại, cắt đứt chuỗi cung ứng và làm đình trệ sản xuất không chỉ của Thổ Nhĩ Kỳ mà còn của cả các đối tác trong mạng lưới sản xuất toàn cầu hiện nay.
Gần đây, Nga đã phải đồng ý cho Thổ Nhĩ Kỳ lùi thời gian thanh toán 600 triệu USD nhập khẩu khí đốt tự nhiên sang năm 2024. Trước đó, hồi tháng 3, Saudi Arabia cũng phải gửi 5 tỷ USD vào Ngân hàng Trung ương nước này để hạ "cơn khát" ngoại tệ.
Đồng tiền của Thổ Nhĩ Kỳ sụt giảm nghiêm trọng. (Nguồn: sailblogs.com) |
Không để người dân bị lạm phát 'đè bẹp'
Mới đây, Thổ Nhĩ Kỳ tuyên bố sẽ tăng lương tối thiểu hàng tháng thêm 34% bắt đầu từ ngày 1/7, đánh dấu mức tăng thứ hai trong năm nay trong nỗ lực bảo vệ các hộ gia đình khỏi lạm phát nghiêm trọng.
Bộ trưởng Lao động và An sinh xã hội Thổ Nhĩ Kỳ Vedat Isıkhan cho biết trong một bài phát biểu trên truyền hình rằng, mức lương ròng tối thiểu hàng tháng sẽ tăng lên 11.402 Lira (gần 483 USD). Mức tăng này sẽ giúp tăng sức mua của người lao động, từ đó, giúp giải quyết vấn đề lạm phát đối với các hộ gia đình.
Tổng thống Recep Tayyip Erdogan cam kết, chính phủ sẽ không để người lao động "bị đè bẹp bởi" lạm phát cao.
Là người chỉ trích chi phí đi vay cao, trong hai năm qua, ông Erdogan đã tán thành một “mô hình kinh tế mới” và ưu tiên lãi suất cực thấp. Mô hình nhằm đạt được sự ổn định giá cả bằng cách cắt giảm chi phí vay, thúc đẩy xuất khẩu và biến thâm hụt tài khoản vãng lai thành thặng dư.
Tuy nhiên, gần đây, vị Tổng thống này đã báo hiệu rằng, Ankara có thể thay đổi chính sách tài khóa và quay trở lại tăng lãi suất để chống lạm phát, cải tổ các chính sách tập trung vào kích thích tiền tệ.
Lãnh đạo đảng Phong trào Dân tộc chủ nghĩa (MHP) của Thổ Nhĩ Kỳ Devlet Bahceli cũng cho rằng, chính phủ cần thực hiện các biện pháp kinh tế "đau đớn" bao gồm thắt chặt tiền tệ.
Ông nhấn mạnh: "Quan điểm của MHP về lãi suất rất rõ ràng: Nó không thay đổi. Về lý thuyết và thực tế, việc tăng lãi suất là một lựa chọn chính trị không khuyến khích đầu tư, cản trở sản xuất và khiến nhu cầu tín dụng trở nên đắt đỏ hơn. Tuy nhiên, có những biện pháp ngắn hạn và đôi khi đau đớn cần được thực hiện để Thổ Nhĩ Kỳ đạt được sự ổn định kinh tế".
Các nhà kinh tế tại JPMorgan Chase kỳ vọng, Ngân hàng Trung ương Thổ Nhĩ Kỳ sẽ tăng khoảng ba lần mức lãi suất cơ bản hiện tại là 8,5% trong cuộc họp tới.
Trong khi đó, nhiều ngân hàng Mỹ dự đoán, lãi suất tại Ankara có thể sẽ tăng lên 25% vào ngày hôm nay (22/6). Đến cuối năm, các nhà phân tích của JPMorgan thậm chí còn kỳ vọng lãi suất sẽ đạt 30%.