📞

Khuôn mặt mới của Trung Á

13:12 | 19/10/2008
Lần đầu tiên trong nhiều thế kỷ, Trung Á được xem như một thực thể. Sở hữu các nguồn tài nguyên thiên nhiên quan trọng và đang trở thành sân sau của các cường quốc, khu vực này có tiềm năng to lớn để phát triển kinh tế nhưng cũng chứa đựng nhiều nhân tố xung đột với các nước láng giềng sở hữu vũ khí hạt nhân.

Ai thống trị Trung Á sẽ thống trị thế giới

 

Năm 1904, Halford Mackinder đệ trình lên Hội Địa lý Hoàng gia một giả thuyết về “Vùng đất trung tâm” (Heartland). Ông tóm tắt lý thuyết bằng một tuyên bố: “Ai thống trị được Đông Âu sẽ làm chủ được Vùng đất trung tâm, Ai thống trị được Vùng đất trung tâm sẽ thống trị được đại lục Á – Âu, ai thống trị được đại lục Á – Âu sẽ thống trị được thế giới”. Vào thời điểm đó, thuyết của Mackinder bị chế nhạo vì vùng đất trung tâm của đại lục Á – Âu đã bị chia cắt bởi nhiều cường quốc. Sau một thế kỷ, học thuyết của Mackinder đang được xem xét lại. Đông Âu hiện đã hội nhập sâu rộng vào EU nhưng vùng đất trung tâm của châu Á, trải dài từ Tây Trung Quốc tới Iran, từ Nga đến Bắc Ấn Độ, lần đầu tiên trong nhiều thế kỷ lại đang gây được sự chú ý của thế giới.

 

Thực thể chính trị mới

 

Sự xuất hiện trở lại của Trung Á được xem như trung tâm của đại lục Á – Âu bắt đầu khi các đế chế lớn của châu Âu diệt vong, tiểu lục địa Ấn Độ độc lập và sự “tái xuất” của đất nước Ba Tư thống nhất. Sự tan rã của Liên bang Xô viết, sự xuất hiện của các nước cộng hòa độc lập ở vùng Kavkas và Trung Á, sự nổi lên của Trung Quốc và Ấn Độ như các cường quốc kinh tế và chính trị, sự hồi sinh của LB Nga tạo điều kiện cho thực thể chính trị mới của vùng đất trung tâm được hoàn chỉnh. Afghanistan ở vị trí trung tâm đã trở thành tiêu điểm cho các cuộc xung đột giữa các cường quốc tìm kiếm sự thống trị lục địa này trong nhiều thế kỷ.

 

Các nhà phân tích về sự thay đổi địa chính trị kể từ khi Chiến tranh Lạnh kết thúc đã xem xét sự phát triển ở châu Á như những thực tế rời rạc. Các nước Cộng hòa Xô viết cũ ở Kavkas và Trung Á được xem xét dựa trên các cuộc xung đột và những nỗ lực của các nước này để củng cố nền độc lập về kinh tế và chính trị. Nga được phân tích trong mối quan hệ  với châu Âu và Mỹ. Trung Quốc và Ấn Độ thường được xem xét riêng rẽ như là các cường quốc kinh tế hay trong mối cạnh tranh tiềm tàng giữa hai nước. Pakistan được xem xét trong mối liên hệ với cuộc xung đột đang diễn ra ở Afghanistan và mối quan hệ với Ấn Độ. Iran, đặc biệt đối với Mỹ, được coi là một quốc gia Trung Đông. Đáng tiếc là có rất ít phân tích sự ảnh hưởng, tác động lẫn nhau tiềm tàng giữa các quốc gia này nhằm giành được sự thống trị vùng đất trung tâm.

 

Các “diễn viên” chính

 

Caucasian Review of International Affairs: “Trung Á là khu đệm, là nơi giáp ranh hội đủ các nền văn minh chính giáo, Hồi giáo, Trung Hoa và Ấn Độ. Một bãi đáp tuyệt vời để kiểm soát vùng Âu – Á từ cả bốn phía của thế giới” (Zbigniew Brenzinski -Bàn cờ lớn)

Đứng về phương diện chính trị, sự cân bằng sẽ sụp đổ khi quốc gia quyền lực nhất trong khu vực có ý định củng cố vị trí thống trị của mình. Cuộc cạnh tranh này chưa thực sự bắt đầu nhưng tất cả cường quốc khu vực đều đang có ý định ngăn cản bất cứ cường quốc nào giành được sự thống trị đó. Nền kinh tế đang tăng trưởng mạnh của Trung Quốc cần tới các nguồn tài nguyên của khu vực. Ấn Độ cũng cần các nguồn tài nguyên này và vẫn quan tâm đến sự gia tăng ảnh hưởng của Pakistan ở khu vực này sẽ phá hoại cân bằng chiến lược giữa hai nước. Nga có những nguồn tài nguyên mà nước khác thèm muốn. Iran cũng giàu tài nguyên nhưng dính líu vào bất ổn trong và ngoài nước.

 

Bởi thế, có sự cân bằng này là nhờ 4 cường quốc – Nga, Trung Quốc, Ấn Độ và Pakistan – sở hữu vũ khí hạt nhân và Iran, được xem là đang quyết tâm phát triển công nghệ vũ khí hạt nhân.

 

Những “diễn viên”  phụ

 

Các quốc gia nhỏ hơn trong khu vực chung một lợi ích: Đảm bảo rằng họ vẫn độc lập về kinh tế và chính trị. Cho đến nay, nhiều nước trong khu vực này vẫn nhận sự giúp đỡ từ bên ngoài về kinh tế và ủng hộ chính trị, điều thiết yếu đối với sự tồn tại của các nước này. Tuy nhiên, sự giúp đỡ thường kèm theo những điều kiện “bất thường” ngoài tầm kiểm soát của họ. Nhiều quốc gia phải quan tâm đặc biệt tới các mối quan hệ của họ với các cường quốc khu vực có địa lý gần nhất. Bởi thế các nước vùng Kavkas quan tâm nhiều hơn đến các mối quan hệ của họ với Nga và Iran. Turkmenistan cũng quan tâm nhiều hơn tới các mối quan hệ với quốc gia láng giềng phía Nam, trong khi Kyrgyzstan và Tajikistan có quan hệ láng giềng với Trung Quốc.

 

Nhân tố Thổ Nhĩ Kỳ và Mỹ

 

Hai quốc gia quan trọng ngoài khu vực đã và sẽ đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển ở đây. Thổ Nhĩ Kỳ cần mẫn khai thác các mối quan hệ văn hóa với Azerbaijan, Turkmenistan, Uzbekistan, Kazakhstan và Kyrgyzstan, tìm kiếm vật liệu thô và mở rộng thị trường. Nước này cũng có lợi ích trong việc ngăn chặn Nga và Iran thống trị khu vực và vơ vét tài nguyên. Tuy nhiên, nếu Thổ Nhĩ Kỳ tìm thấy tương lai ở phương Tây, là thành viên EU thì lợi ích ở khu vực Trung Á sẽ bị hạn chế.

 

Một “diễn viên” quan trọng khác là Mỹ. Với sự dính líu quân sự ở Afghanistan, Mỹ còn đóng vai trò quan trọng trong việc hình thành sự thống trị chính trị ở khu vực. Nhiều nhà bình luận cho rằng Mỹ sẽ đóng vai trò quan trọng, dài hạn ở khu vực. Tuy nhiên, điều này có vẻ khó thành hiện thực. Trung Á nằm xa Mỹ và nước này với quyết tâm xóa bỏ Al Qaeda, Mỹ có ít lợi ích thiết thực ở khu vực.

 

Về phương diện chính trị, thế kỷ 21 sẽ không thể là thế giới đơn cực, với sự thống trị về kinh tế và quân sự của Mỹ. Hơn nữa, sự xuất hiện của các quốc gia quan trọng khác, khó có thể ngang tầm với Mỹ nhưng có khả năng thống trị khu vực mình. Điều này cho thấy khả năng thế kỷ này sẽ được định hình bởi sự cân bằng quyền lực. Ở vùng đất trung tâm của đại lục Á – Âu, sự cân bằng này sẽ được duy trì bởi các cường quốc châu Á đang nổi với vai trò ít hơn của Mỹ.

 

Xét trong bối cảnh những sự khác biệt về sắc tộc, ngôn ngữ và tôn giáo cùng với sự đa dạng của các thực thể chính trị, Trung Á sẽ phát triển như thế nào trong thời gian tới vẫn chưa thực sự định hình. Nhu cầu đảm bảo các nguồn tài nguyên khan hiếm của các nước dự báo cuộc cạnh tranh vì lợi ích sẽ tiếp tục căng thẳng. Các cường quốc chính của khu vực sở hữu vũ khí hạt nhân có thể là một vấn đề cần quan tâm nhưng cũng đảm bảo rằng sự chia sẻ quyền lực vẫn cân bằng.

 

Người châu Âu học cách sống chung với một sự cân bằng quyền lực giữa các quốc gia đang cạnh tranh, mặc dù không được hòa thuận lắm. Các quốc gia Trung Á đang đối mặt với thách thức tương tự. Để vượt qua thách thức này, cộng đồng quốc tế phải phát triển các tiêu chuẩn mới, hợp lý để đảm bảo cuộc cạnh tranh giành ảnh hưởng ở Trung Á vẫn hòa bình.

 

Mai Thảo