Việc đọc song hành cùng việc học
Qua quá trình giảng dạy cả bậc đại học lẫn phổ thông, cá nhân tôi nhận thấy sinh viên, học sinh thời nay có nhiều tài năng (đặc biệt là các tài lẻ) hơn là những gì chúng ta thường hay than phiền về các em. Dù tiềm năng đọc rất lớn, có điều các em chưa ý thức nhiều về tầm quan trọng của việc đọc. Không ít em cảm thấy việc đọc trở nên lỗi thời và xa lạ. Điều đáng nói, một bộ phận giới trẻ dành ít thời gian cho việc đọc sách báo, đọc tài liệu học tập nhưng lại say mê đọc các thể loại bản tin giải trí, tin tức giật gân được chia sẻ tràn lan trên mạng xã hội, hay các dòng trạng thái với hỉ nộ ái ố của bạn bè.
Cập nhật thông tin và giao lưu cộng đồng là rất đáng khuyến khích nhưng thực trạng các em quá sa đà vào thế giới ảo đang là vấn đề khiến cho cả thầy cô lẫn phụ huynh đau đầu. Vậy chúng ta cần làm gì để thay đổi nhận thức về việc đọc của các em? Làm sao để tạo nên sự cuốn hút cần thiết với các ấn phẩm sách báo có giá trị?
Việc đọc sách, trau giồi tri thức phải được diễn ra thường xuyên, hàng ngày. |
Trước hết, cần nhấn mạnh với các em những lợi ích căn bản của việc đọc (và việc đọc ở đây được hiểu là đọc sách báo, đọc tài liệu). Từ việc đọc, chúng ta sẽ tập dần nhiều thói quen hữu ích như: tư duy phản biện, khả năng lập luận, năng lực cảm nhận và trình bày câu chữ. Kết quả của quá trình đọc sẽ được chuyển hóa, ứng dụng và có ích trong cuộc sống hàng ngày.
Thực tế cho thấy, người trẻ có rất nhiều ý tưởng sáng tạo, độc đáo và đột phá. Nhưng các em lại không thể trình bày rành mạch, rõ ràng về ý tưởng đó. Khi không đủ vốn liếng từ ngữ, mỗi người rất khó để có thể diễn đạt chính xác những suy nghĩ, lý luận của bản thân. Từ đó, chúng ta sẽ khó thuyết phục cũng như không kết nối được ý tưởng với người tiếp nhận, vô tình tạo trở ngại không đáng có.
Hãy đọc như thể đi tìm… hạt ngọc
Để người trẻ nỗ lực học tập, đôi khi chỉ cần bắt đầu từ việc nhỏ nhất là khuyến khích việc đọc. Đọc sách không phải và không nên hiểu là nhiệm vụ, nghĩa vụ mà nên cảm nhận là quyền lợi. Việc đọc phải là một trải nghiệm thiết thực của sự hứng thú. Để gây dựng tinh thần hào hứng thú vị đó, công tác khuyến đọc cần được chúng ta triển khai bằng các hình thức phong phú, sinh động.
Rất cần lồng ghép việc đọc với các mô hình trải nghiệm thực tế khác, thiết kế các giờ thuyết trình, chia sẻ về những quyển sách, tác phẩm vừa đọc, hoặc vẽ sơ đồ tư duy về nội dung của một quyển sách đã đem lại cảm giác thú vị khi tiếp xúc. Bên cạnh đó, phụ huynh, thầy cô có thể cùng con cái, học sinh chuyện trò về những thông điệp từ một quyển sách… Đồng thời, rất cần giới thiệu các phương pháp, thủ pháp đọc sao cho hiệu quả. Việc đọc cần có kỹ năng, chứ không thể đọc đơn thuần theo bản năng, thích gì đọc đó, hay thấy thiên hạ chuộng sách gì thì ta cuốn theo trào lưu ấy.
Việc đọc có thể được hiểu như thể đi tìm hạt ngọc. Kết quả của sự đọc ít mang dáng dấp của tính nhất thời. Chờ đợi kết quả từ những trải nghiệm của quá trình đọc là một thứ hạnh phúc thiên về đường dài, là quả ngọt của hành trình đôi khi gian nan, gập ghềnh. Thế nên, sự đọc dạy chúng ta bài học của đức tính kiên trì và nhẫn nại. Trải qua thời gian, sự đọc vun bồi khát khao lĩnh hội tri thức một cách chủ động từ chính ý thức, trách nhiệm đối với cuộc đời của người trẻ. Thông điệp này cần được các em thấu hiểu trong quá trình đọc, để tránh rơi vào trạng thái chán và lười đọc. Cuối cùng, cách để chúng ta khuyến khích người trẻ đọc nhiều không gì thuyết phục bằng việc bản thân người lớn cũng phải đọc nhiều, thậm chí đọc hàng ngày.
Trần Xuân Tiến
Giảng viên Khoa KHXH&NV, Trường Đại học Văn Hiến