📞

Kiểm điểm Kế hoạch tổng thể Cộng đồng Chính trị - An ninh ASEAN 2025

22:56 | 22/03/2018
Trong ngày 22/3, tại Jakarta, Indonesia, đã diễn ra Hội nghị Điều phối Cộng đồng Chính trị - An ninh ASEAN (ASCCO) lần thứ 10 với sự tham dự của đại biểu 10 nước ASEAN, Ban thư ký cùng đại diện 14 cơ quan, tổ chức của ASEAN đang tham gia triển khai Kế hoạch tổng thể APSC 2025. 

Hội nghị đã kiểm điểm tình hình thực hiện Kế hoạch tổng thể về Cộng đồng Chính trị-An ninh ASEAN (APSC) 2025 và trao đổi các phương hướng, biện pháp triển khai thời gian tới. Đoàn Việt Nam tham dự Hội nghị gồm đại diện các Bộ Ngoại giao, Quốc phòng, Công an và Tư pháp.

Toàn cảnh Hội nghị Điều phối Cộng đồng Chính trị - An ninh ASEAN (ASCCO) lần thứ 10.

Kiểm điểm tiến độ thời gian qua, Hội nghị ghi nhận hợp tác chính trị-an ninh trong ASEAN tiếp tục đạt những tiến triển quan trọng trên tất cả các mặt.

Về số lượng, trong tổng số 290 dòng hành động nêu trong kế hoạch, đến nay 239 dòng đã được đưa vào thực hiện (đạt tỷ lệ 82%). Quan trọng hơn, hiệu quả và chất lượng hợp tác đã có những chuyển biến rõ rệt.

Trong khuôn khổ xây dựng APSC tới năm 2025, ASEAN tiếp tục ưu tiên đẩy mạnh đối thoại và hợp tác vì hoà bình, ổn định ở khu vực, thúc đẩy xây dựng lòng tin, xử lý hữu hiệu những thách thức nảy sinh cũng như góp phần giảm căng thẳng tại một số điểm nóng khu vực.

Về Biển Đông, ASEAN tiếp tục tái khẳng định những nguyên tắc đã thoả thuận về tầm quan trọng của hoà bình, ổn định, an ninh, an toàn, tự do hàng hàng hải và hàng không ở Biển Đông, tôn trọng luật pháp quốc tế, giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hoà bình, kiềm chế và không có các hành động làm phức tạp tranh chấp, phi quân sự hoá, thực hiện đầy đủ, hiệu quả DOC và sớm đạt được COC. Theo đó, Hội nghị ghi nhận việc Khung COC đã được thông qua và đàm phán giữa ASEAN và TQ về COC đã chính thức khởi động. 

Hợp tác trong các lĩnh vực chuyên ngành thuộc APSC đã đạt nhiều kết quả cụ thể. Trong lĩnh vực chống khủng bố và tội phạm xuyên quốc gia,một số kế hoạch hợp tác đã được xây mới hoặc cập nhật, như Kế hoạch hành động ASEAN trong đấu tranh chống tội phạm xuyên quốc gia giai đoạn 2016-2025, Kế hoạch hành động toàn diện của ASEAN trong đấu tranh chống khủng bố, trong đó bổ sung một số lĩnh vực ưu tiên mới như an ninh mạng, buôn bán trái phép vũ khí nhỏ, động vật hoang dã, gỗ lậu…

Hợp tác quốc phòng tiếp tục đi vào những nội dung thực chất, như việc thành lập trung tâm quân y, tăng cường thông tin liên lạc, xây dựng năng lực và nâng cao khả năng phối hợp giữa lực lượng quân đội các nước thông qua diễn tập chung… Công tác theo dõi và bảo đảm thực thi quy định, luật lệ chung đã được tiến hành thường xuyên và bài bản hơn.

Trong lĩnh vực lãnh sự, nhập cư cũng có một số cải tiến nhằm hỗ trợ cho việc đi lại của công dân các nước, trong đó có việc tại một số sân bay khu vực đã có làn xuất nhập cảnh riêng cho công dân các nước ASEAN.

Quan hệ đối ngoại của ASEAN tiếp tụclà một điểm sáng với những phát triển mạnh mẽ. Ngoài các Đối tác đối thoại đã có (10 Đối tác đầy đủ và 1 Đối tác theo lĩnh vực#_ftn1), ASEAN hiện đã thiết lập quan hệ với 4 đối tác mới (trong đó, Na-uy, Thuỵ Sỹ và Thổ Nhĩ Kỳ được cấp quy chế Đối tác đối thoại theo lĩnh vực và Đức được cấp quy chế Đối tác phát triển), đồng thời mở rộng hợp tác với nhiều tổ chức khu vực. Bên cạnh đó, hiện đã có 90 nước và tổ chức cử Đại sứ tại ASEAN, cũng như 53 Uỷ ban ASEAN tại nước thứ 3 được thiết lập tại thủ đô các nước ngoài khu vực và những nơi có trụ sở các tổ chức quốc tế lớn.    

Về phương hướng thời gian tới, Hội nghị nhất trí trên cơ sở kết quả đã đạt cùng với những bài học rút ra trong quá trình thực hiện Kế hoạch tổng thể APSC 2025 giai đoạn 2016-2017, các nước thành viên cũng như các cơ quan cần tiếp tục nỗ lực nhằm nâng cao hơn nữa chất lượng thực hiện Kế hoạch tổng thể APSC 2025, trong đó cần chú trọng công tác phối hợp giữa các cơ quan, nhất là trong triển khai các vấn đề liên ngành, liên trụ cột, đồng thời xây dựng kế hoạch tuyên truyền, quảng bá, nâng cao nhận thức người dân về những lợi ích từ hợp tác chính trị-an ninh ASEAN.Dự kiến kết quả thảo luận cùng các khuyến nghị đưa ra tại hội nghị sẽ được đưa vào báo cáo kiểm điểm 2 năm thực hiện Kế hoạch tổng thể APSC 2025 trình các nhà lãnh đạo xem xét dịp Hội nghị Cấp cao ASEAN sắp tới.

Được thông qua ngày 21/11/2015, Kế hoạch tổng thể APSC 2025 là một trong 7 văn bản thuộc bộ văn kiện “ASEAN 2025: Cùng vững vàng tiến bước”. Nội dung chính của Kế hoạch bao gồm 290 dòng hành động với mục tiêu xây dựng một Cộng đồng Chính trị-An ninh ASEAN vào năm 2025 với 4 đặc điểm chính: i) Một Cộng đồng dựa trên luật lệ, hướng tới người dân và lấy người dân làm trung tâm; ii) Một khu vực hoà bình, an ninh và ổn định; iii) ASEAN giữ vai trò trung tâm trong một khu vực năng động và rộng mở hợp tác với bên ngoài; iv) Năng lực thể chế được tăng cường thông qua việc cải tiến bộ máy, phương thức hoạt động, nâng cao nhận thức người dân… Tuỳ nội dung, mục đích và thời hạn thực hiện, các dòng hành động này được phân thành các nhóm cấp bách (immediate), trung hạn (2-5 năm) và dài hạn (trên 5 năm), và được triển khai cả ở cấp độ quốc gia và khu vực. Trách nhiệm thực hiện Kế hoạch tổng thể APSC 2025 thuộc về các nước thành viên và các cơ quan chuyên ngành liên quan của ASEAN, gồm cả các cơ quan thuộc trụ cột chính trị-an ninh (ngoại giao, quốc phòng, an ninh, chống tội phạm xuyên quốc gia, tư pháp, xuất nhập cảnh…) cũng như trụ cột khác (thanh niên, quản lý thiên tai…).

Thành lập năm 2006, Hội nghị ASCCO nhằm mục đích tạo diễn đàn để các cơ quan chuyên ngành chia sẻ thông tin, kinh nghiệm và phối hợp hoạt động trong quá trình xây dựng Cộng đồng Chính trị-An ninh. Tương tự như ASCCO, ASEAN đã lập các cơ chế điều phối của trụ cột Kinh tế AEC (COW) và trụ cột Văn hoá-Xã hội ASCC (SOC-COM).


#_ftnref110 Đối tác Đối thoại gồm: Úc, Canada, Trung Quốc, EU, Ấn Độ, Nhật Bản, Niu Di-lân, Hàn Quốc, Nga và Mỹ. Pakistan là Đối tác đối thoại theo lĩnh vực.