Lãnh đạo tỉnh Kiên Giang trao Giấy chứng nhận đầu tư cho các nhà đầu tư tại Hội nghị Xúc tiến Đầu tư tỉnh Kiên Giang năm 2019. |
Tỉnh Kiên Giang có địa hình đa dạng, bờ biển dài nhiều sông núi và hải đảo, nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú. Vị trí và điều kiện tự nhiên đã tạo cho Kiên Giang có thêm nhiều tiềm năng và lợi thế kinh tế; đa dạng về lĩnh vực phát triển nông - lâm nghiệp; kinh tế biển; kinh tế cửa khẩu, hàng hải và mậu dịch quốc tế; công nghiệp chế biến nông - thủy sản, thương mại và dịch vụ du lịch, năng lượng...
Các giá trị sản xuất mới
Phát huy lợi thế là một trong 4 tỉnh thuộc Vùng Kinh tế trọng điểm Đồng bằng sông Cửu Long, thời gian qua, tỉnh Kiên Giang đã tranh thủ cơ chế chính sách, nguồn lực phân bổ của Trung ương để đầu tư vào hạ tầng và ban hành nhiều chính sách thu hút các thành phần kinh tế trong và ngoài nước đầu tư vào các lĩnh vực có tiềm năng và thế mạnh; các tỉnh, thành chia sẻ thông tin, liên kết, tiêu thụ sản phẩm.
Tỉnh Kiên Giang có bờ biển dài 200km, ngư trường khai thác 63.290 km2 giàu tiềm năng với nguồn tài nguyên đa dạng, kinh tế thủy sản là thế mạnh với hơn 10.000 phương tiện đánh bắt thủy hải sản, tàu đánh bắt xa bờ gần 4.000 chiếc có công sức lớn. Bên cạnh khai thác nguồn lợi thủy sản tự nhiên, tỉnh còn có tiềm năng lớn trong nuôi trồng các loại thủy sản có giá trị kinh tế cao như hải sâm, bào ngư, trai ngọc…Tổng sản lượng khai thác và nuôi trồng thủy sản hàng năm hơn 750.000 tấn…
Với trên 143 hòn đảo lớn nhỏ thuộc 05 quần đảo, trong đó có trên 43 hòn đảo có dân sinh sống (2 đảo lớn nhất là Phú Quốc và Kiên Hải) với nhiều bãi tắm đẹp và 4 vùng du lịch trọng điểm, nhất là đảo Phú Quốc, Kiên Giang có lợi thế trong phát triển du lịch sinh thái biển; đất đai thích hợp cho phát triển sản xuất nông - lâm - thủy sản, có rừng quốc gia U Minh Thượng, rừng quốc gia Phú Quốc có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, có giá trị to lớn trong việc nghiên cứu các loài động, thực vật, lập các khu bảo tồn, bảo vệ hệ sinh thái, điều tiết khí hậu, là khu dự trữ sinh quyển cho khu vực và thế giới.
Những năm qua, các dự án đầu tư bằng nguồn vốn ngoài ngân sách đặc biệt có nhiều chuyển biến tích cực, quy mô ngày càng lớn, tạo thêm nhiều việc làm, góp phần đảm bảo an sinh xã hội, tăng năng lực sản xuất, sức cạnh tranh, đóng góp quan trọng cho tăng trưởng kinh tế.
Tính đến 2019, Kiên Giang đã thu hút 796 dự án đầu tư, với tổng vốn đăng ký 540.660,6 tỷ đồng. Riêng đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) có 56 dự án, đến từ 19 quốc gia và vùng lãnh thổ, với tổng vốn đầu tư là 2,7 tỷ USD thuộc lĩnh vực chế biến, giao thông, du lịch, sản xuất.
Nhiều dự án lớn trên địa bàn đã tạo ra các giá trị sản xuất mới, góp phần quan trọng chuyển dịch cơ cấu kinh tế, giải quyết việc làm cho hàng chục nghìn lao động tại địa phương, như: Khu du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng cao cấp Vinpearl; Khu nghỉ dưỡng và cáp treo An Thới; các nhà máy chế biến thủy sản xuất khẩu của Công ty Trung Sơn, Thông Thuận, Kiên Hùng; Nhà máy Bia Sài Gòn - Kiên Giang, Nhà máy sản xuất giày dép xuất khẩu TBS Kiên Giang và Công ty TNHH Hwa Seung VINA Kiên Giang, Nhà máy chế biến gỗ MDF, Nhà máy may Vinatex Kiên Giang...
Bí thư Tỉnh ủy Kiên Giang và Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang chứng kiến Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương Mại và Du lịch tỉnh Kiên Giang ký Bản Ghi nhớ với Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương Mại và Du lịch TP. Hồ Chí Minh. |
Sẵn sàng mở rộng hợp tác
Thực hiện đường lối đối ngoại độc lập tự chủ, hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển; đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ, chủ động và tích cực hội nhập, hợp tác quốc tế, thời gian qua, hoạt động đối ngoại tỉnh Kiên Giang đã từng bước được mở rộng và phát triển, đạt được nhiều kết quả đáng kể, góp phần quan trọng vào nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội.
Đến nay tỉnh Kiên Giang đã thiết lập quan hệ hợp tác hữu nghị với 12 tỉnh/ thành của các nước như Campuchia, Thái Lan, Lào, Hàn Quốc, Pháp và Nhật Bản; mở rộng thị trường xuất khẩu qua 38 quốc gia và vùng lãnh thổ; tăng cường đẩy mạnh các hoạt động ngoại giao văn hóa, chính trị, kinh tế và đối ngoại nhân dân, giúp bạn bè quốc tế ngày càng hiểu hơn về đất nước, con người, phong tục tập quán, truyền thống của Việt Nam và tỉnh Kiên Giang.
Kiên Giang xác định mục tiêu huy động các nguồn lực, khai thác tiềm năng, lợi thế của tỉnh để phát triển kinh tế - xã hội là khâu quan trọng, được nêu rõ trong các nghị quyết chủ trương của tỉnh. Theo đó, tỉnh đã xây dựng các quy hoạch, dự án; đề xuất và hoàn thiện cơ chế, chính sách ưu đãi đầu tư; tập trung đầu tư kết cấu hạ tầng; cải cách mạnh mẽ các thủ tục hành chính liên quan đến doanh nghiệp, nhà đầu tư theo quy trình một cửa, một cửa liên thông trên các lĩnh vực đầu tư, kinh doanh, đất đai, xây dựng, môi trường, thuế… Qua đó, môi trường đầu tư, kinh doanh được cải thiện, thu hút các nguồn lực cho đầu tư phát triển bền vững.
Để tiếp tục đón làn sóng đầu tư về Kiên Giang, thời gian qua, UBND tỉnh đã quy hoạch và xây dựng 5 khu công nghiệp với tổng diện tích là 770ha, có kết cấu hạ tầng thuận lợi về giao thông, điện nước, viễn thông, ngân hàng... Trong đó, đang tiếp tục đầu tư các giai đoạn mở rộng tiếp theo với quy mô 250 ha. Các khu vực này đều đã thu hút hàng chục dự án đầu tư của các doanh nghiệp quy mô lớn về giày da, chế biến gỗ, bia, chế biến hải sản xuất khẩu,... góp phần lớn kích hoạt môi trường đầu tư.
Phấn đấu huy động các nguồn vốn đầu tư phát triển đến năm 2020 ước đạt 222.666 tỷ đồng, qua rà soát danh mục dự án kêu gọi đầu tư vào Kiên Giang trong giai đoạn 2018-2020 thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau, gồm 108 dự án, trong đó, ngoài các dự án về phát triển giao thông - vận tải, nhà ở-đô thị, thương mại, tỉnh còn tập trung vào các lĩnh vực nông nghiệp sạch, nuôi biển công nghệ cao; chế biến nông thủy sản giá trị gia tăng cao; đánh bắt và bảo quản hải sản; khu hậu cần nghề cá; xử lý môi trường; các dự án khu, cụm công nghiệp; du lịch,…
Sự kỳ vọng của Kiên Giang là hoàn toàn có cơ sở, khi nhiều dự án cơ sở hạ tầng động lực đã sẵn sàng, như sân bay nội địa Rạch Giá, sân bay quốc tế Phú Quốc, cảng biển hành khách quốc tế Dương Đông, cảng hàng hóa An Thới, cửa khẩu quốc tế Hà Tiên, cửa khẩu chính Giang Thành; thời gian di chuyển từ TP. Hồ Chí Minh đi Kiên Giang chỉ còn 3,5 giờ ô tô… Tất cả đều mang đến những điều kiện thuận lợi để thu hút đầu tư mạnh mẽ vào Kiên Giang.
Kiên Giang có diện tích 6.349 km2, dân số trên 1,8 triệu người, tốc độ tăng trưởng 7,3%. Kiên Giang nằm ở phía Tây Nam, phía Tây giáp vịnh Thái Lan với chiều dài bờ biển 200km, phía Bắc giáp Campuchia với đường biên giới trên 58km; có tuyến R10 (tuyến hành lang ven biển phía Nam) nối Thái Lan-Campuchia và Việt Nam qua cửa khẩu quốc tế Hà Tiên; là địa điểm thuận lợi kết nối giao thương với các nước khu vực Đông Nam Á (ASEAN) bằng đường bộ, đường biển và hàng không. Phát triển thương mại biên giới sôi động hơn, hàng năm kim ngạch xuất nhập khẩu biên mậu đạt trên 130 triệu USD, trong đó kim ngạch xuất khẩu đạt trên 60 triệu USD và kim ngạch nhập khẩu trên 70 triệu USD. |