Hồ Pangong là một trọng tâm trong hành động can thiệp của Quân giải phóng nhân dân Trung Quốc (PLA) ở Đông Ladakh. (Nguồn: Express Informer) |
Hồ Pangong là một trọng tâm trong hành động can thiệp của Quân giải phóng nhân dân Trung Quốc (PLA) ở Đông Ladakh, với việc Trung Quốc dọa Ấn Độ, đòi phải nhượng lãnh thổ trên cả hai bờ và đẩy chính quyền của Thủ tướng Narendra Modi vào thế phải đáp trả.
Quyết định đưa các tàu vỏ thép đến hồ Pangong do 3 quân chủng đưa ra trong tuần qua, với việc Hải quân đề nghị vận chuyển các tàu bằng máy bay vận tải hạng nặng C-17 đến Leh (thủ phủ Ladakh) trên cơ sở ưu tiên. Qua đây, Ấn Độ muốn phát đi tín hiệu về ý định kiên quyết đối đầu với bất kỳ hành động khiêu khích nào của Trung Quốc.
Liên quan đến cuộc đàm phán thứ 3 giữa các chỉ huy quân sự cấp cao kéo dài tới 12 tiếng đến đêm 30/6 tại Chushul (bên phía Ấn Độ), có thông tin hai bên đã họp trong bầu không khí chân thành, thảo luận về các biện pháp chi tiết để lui quân và xoa dịu căng thẳng dọc Đường kiểm soát thực tế (LAC) dài 3.488 km.
Tuy nhiên, các nhà hoạch định an ninh quốc gia Ấn Độ nhận thức rõ một điều rằng, mặc dù bề ngoài Trung Quốc đang đàm phán về hòa bình và rút quân ở Đông Ladakh, PLA trên thực tế đang củng cố 4 điểm đối đầu dọc tuyến LAC phía Tây dài 1.597 km.
Các hoạt động tăng cường lực lượng ở Galwan, xây dựng đường sá ở Gogra, nâng cấp hệ thống thông tin liên lạc tại Hot Springs và đẩy mạnh xây dựng cơ sở hạ tầng tại hồ Pangong cho thấy PLA không có ý định khôi phục hiện trạng. Thay vào đó, phía Trung Quốc muốn kích động Ấn Độ bằng việc "gặm nhấm" thêm lãnh thổ và đẩy căng thẳng leo thang ở biên giới.