📞

Kiều bào bày tỏ nhiều kỳ vọng vào ngành Ngoại giao

An Bình 13:03 | 24/12/2023
Hội nghị Ngoại giao lần thứ 32 vừa được tổ chức thành công tại Hà Nội đã nhận được sự quan tâm và kỳ vọng của nhiều người Việt Nam ở các nước.

Bà Trần Thị Chang, Chủ tịch Hiệp hội hữu nghị Malaysia-Việt Nam:

Bà Trần Thị Chang, Chủ tịch Hiệp hội hữu nghị Malaysia-Việt Nam. (Ảnh: NVCC)

Là kiều bào tôi rất quan tâm đến Hội nghị Ngoại giao lần thứ 32 vừa diễn ra tại Hà Nội.

Tôi phấn khởi trước những thành tích ngành ngoại giao đạt được trong thời gian khó khăn vừa qua.

Tôi kỳ vọng trong thời gian tới các Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài tiếp tục quan tâm hơn nữa đến công tác cộng đồng, đặc biệt công tác bảo hộ công dân, tăng cường phối hợp với các cơ quan chức năng của sở tại nhằm hỗ trợ cộng đồng người Việt củng cố địa vị pháp lý, ổn định cuộc sống.

Ngoài ra, tôi cũng mong muốn các Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài đổi mới hoạt động nhằm thu hút kiều bào hơn nữa, đặc biệt thế hệ trẻ tham gia xây dựng, phát triển đất nước, thực hiện tốt đường lối chính sách của Đảng và Nhà nước về công tác người Việt Nam ở nước ngoài giai đoạn 2021-2026.

Để đạt được nhiệm vụ đó, rất cần những cán bộ có tâm, có tài, được cộng đồng tin yêu.

TS. Trần Hải Linh, Uỷ viên Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nhân và Đầu tư Việt Nam-Hàn Quốc:

Với góc độ là một kiều bào đã và đang là cầu nối cho việc xúc tiến đầu tư, hợp tác giao thương, phát triển kinh tế và hợp tác địa phương, hợp tác doanh nghiệp hai nước Việt Nam-Hàn Quốc trong thời gian qua, tôi rất kỳ vọng vào ngoại giao kinh tế.

TS. Trần Hải Linh, Uỷ viên Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nhân và Đầu tư Việt Nam-Hàn Quốc. (Ảnh: NVCC)

Việc đưa ngoại giao kinh tế thành một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong công tác đối ngoại nghĩa là Việt Nam đã mở thêm những cơ hội để nền kinh tế hội nhập sâu rộng với thế giới, gia tăng những quan hệ mềm - sức mạnh mềm trong bối cảnh thế giới ngày càng có nhiều sự thay đổi.

Hiện nay, Việt Nam đã và đang đàm phán 17 hiệp định thương mại tự do (FTA), trong đó có 3 FTA thế hệ mới có tiêu chuẩn rất cao. Nói cách khác, chúng ta cần đáp ứng một số tiêu chí mà các FTA cũng như thị trường quốc tế đặt ra, nếu như “không muốn đứng ngoài lề của cuộc chơi”.

Do vậy, ngoại giao nói chung, trong đó có lĩnh vực ngoại giao kinh tế cần không ngừng đổi mới, cập nhật nhanh chóng xu thế trên thế giới, tham mưu nhanh và thật hiệu quả đến Đảng, Nhà nước trên các lĩnh vực liên quan để có đối sách kịp thời, tranh thủ nguồn lực và sự hỗ trợ từ bên ngoài về cả vật chất và tinh thần.

Trong đó, cần chú tâm mạnh mẽ hơn nữa về tiềm năng đóng góp của các kiều bào - những người luôn hướng về quê hương Tổ quốc, góp phần cùng nâng cao sức mạnh tổng hợp của đất nước, nâng cao và tạo vị thế và lực Việt Nam ngay chính tại các nước trên thế giới, khẳng định rõ vị thế Việt Nam và ngoại giao Việt Nam trên trường quốc tế.

Ông Đỗ Quang Ba, Chủ tịch Tổ chức giao lưu quốc tế Việt Nam-Nhật Bản. (Ảnh: NVCC)

Ông Đỗ Quang Ba, Chủ tịch Tổ chức giao lưu quốc tế Việt Nam-Nhật Bản:

Nghành ngoại giao nước ta đang làm rất tốt vai trò giữ vững môi trường hoà bình, bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, đặc biệt thu hút nguồn lực từ bên ngoài phục vụ phát triển đất nước.

Hiện tại, số lượng trí thức trẻ người Việt là nguồn nhân lực chất lượng cao được đào tạo ở môi trường giáo dục của các nước phát triển hiện vẫn đang sinh sống và làm việc tại nước sở tại rất đông.

Cán bộ ngoại giao tại các cơ quan đại diện ngoại giao (Đại sứ quán, Lãnh sự quán) tại các nước chính là sợi dây kết nối kiều bào để thu hút nguồn nhân lực đó cống hiến cho đất nước.

Tuy nhiên, nhiều khi có những trí thức rất muốn đóng góp gì đó về cho đất nước nhưng họ còn không biết cách liên hệ với ai, không có sự hỗ trợ xuyên suốt nên đó cũng là một trong những yếu tố làm “chảy máu chất xám”.

Đối với tôi, yêu nước không có nghĩa là phải trở về trong nước để làm việc. Mà nhiều khi, ngồi tại nước sở tại vẫn có thể đóng góp được về cho đất nước dễ dàng và hiệu quả.