Lãnh đạo tỉnh chụp ảnh lưu niệm với các kiều bào và thân nhân dịp Tết Nguyên đán Quý Mão 2023. |
Đẩy mạnh hội nhập quốc tế
Xác định hội nhập quốc tế là động lực phát triển xã hội, trong đó, lấy hội nhập kinh tế làm trọng tâm, tỉnh Đắk Lắk kịp thời quán triệt, cụ thể hóa các chủ trương, chính sách của Trung ương, cam kết hội nhập kinh tế quốc tế, mang lại nhiều kết quả tích cực.
Thời gian qua, công tác thu hút đầu tư của tỉnh ngày càng linh hoạt, cởi mở, góp phần khai thác tốt hơn các nguồn lực. Các thành phần kinh tế ngoài quốc doanh từng bước phát triển, tạo ra nhiều việc làm cho lao động tại địa phương.
Trong 10 năm (từ năm 2013-2023), tỉnh đã thu hút được 382 dự án (ngoài khu công nghiệp), với tổng vốn đầu tư đăng ký hơn 110.007 tỷ đồng, trong đó nhiều dự án đi vào hoạt động hiệu quả.
Hoạt động đối ngoại, đối ngoại đa phương được mở rộng, nhiều chuyển biến tích cực, góp phần đẩy mạnh hội nhập quốc tế. Tỉnh tích cực quảng bá hình ảnh Đắk Lắk giàu truyền thống lịch sử, văn hóa, tiềm năng thế mạnh, kêu gọi hợp tác đầu tư, phát triển kinh tế - xã hội. Trong 10 năm qua, tỉnh thu hút được 21 dự án ODA với tổng mức đầu tư khoảng 4.363 tỷ đồng, tập trung vào các lĩnh vực như giáo dục, giao thông, nông nghiệp.
Tỉnh chú trọng tổ chức và hỗ trợ doanh nghiệp tham gia hội chợ, triển lãm trong và ngoài nước nhằm tiếp cận thị trường quốc tế, đẩy mạnh xuất khẩu ra thị trường lớn. Bên cạnh đó, Đắk Lắk nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh theo hướng thông thoáng và tổ chức hội nghị giao ban hiệp hội, hội doanh nghiệp, doanh nhân định kỳ hàng tuần để lắng nghe ý kiến của doanh nghiệp, doanh nhân.
Qua 10 năm hội nhập quốc tế, tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân của tỉnh tăng 6,8%/năm. Tổng sản phẩm trên địa bàn (theo giá so sánh năm 2010) của 10 năm đạt 505.366 tỷ đồng. Về quy mô nền kinh tế, GRDP năm 2023 ước đạt 61.854 tỷ đồng, tăng gấp 1,8 lần so với năm 2013. Tổng kim ngạch xuất khẩu 10 năm của tỉnh đạt 9.435 triệu USD, trong đó, kim ngạch xuất khẩu năm 2023 ước tăng gấp 2,6 lần so với năm 2013.
Tận dụng nguồn lực kiều bào
Cơ đồ, tiềm lực, vị thế, uy tín quốc tế của đất nước ngày càng được nâng cao, cộng đồng NVNONN ngày càng lớn mạnh về số lượng và mở rộng hơn về địa bàn với khoảng 6 triệu người sinh sống, làm việc trên 130 quốc gia và vùng lãnh thổ. Tại Nghị quyết số 36-NQ/TW ngày 26/3/2004 và Chỉ thị số 45-CT/TW ngày 19/5/2015 của Bộ Chính trị khẳng định nhất quán: “NVNONN là bộ phận không tách rời và là nguồn lực của cộng đồng dân tộc Việt Nam”.
Trước tình hình, yêu cầu mới đặt ra đối với sự phát triển đất nước, Đại hội lần thứ XIII của Đảng đã đề ra nhiệm vụ “triển khai toàn diện và mạnh mẽ hơn công tác NVNONN”, đồng thời, hỗ trợ NVNONN củng cố địa vị pháp lý vững chắc, phát triển và hòa nhập xã hội sở tại, đóng góp tích cực vào thực hiện tầm nhìn, mục tiêu phát triển đất nước. Trên cơ sở đó, Bộ Chính trị ban hành Kết luận số 12-KL/TW ngày 12/8/2021 về công tác NVNONN trong tình hình mới. Có thể nói, đây là một trong những dấu mốc quan trọng đối với công tác về NVNONN trong bối cảnh hội nhập quốc tế.
Xác định rõ vị trí, vai trò và tầm quan trọng của cộng đồng NVNONN trong việc phát triển kinh tế xã hội đất nước, những năm gần đây, tỉnh Đắk Lắk đã chú trọng, đẩy mạnh và dành nhiều sự quan tâm đến công tác NVNONN, đặc biệt là những người có quê hương gốc Đắk Lắk; UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 67/KH-UBND ngày 24/3/2022 để triển khai các nhiệm vụ và phân công các cấp, các ngành, các địa phương trong tỉnh phối hợp làm tốt công tác tuyên truyền, kết nối, phổ biến chủ trương, đường lối của Đảng, Nhà nước, chính sách của tỉnh đến với kiều bào qua các kênh thông tin khác nhau
Qua đó, tỉnh thu hút kiều bào ở nước ngoài quan tâm, có nguyện vọng được kết nối, tìm hiểu thông tin, cơ hội hợp tác đầu tư, thúc đẩy thương mại và quảng bá hình ảnh văn hóa, con người Đắk Lắk ra môi trường quốc tế, góp phần xây dựng quê hương ngày một phát triển.
Đến nay, tỉnh Đắk Lắk đã vận động kiều bào về quê hương thực hiện các hoạt động đầu tư, kinh doanh dưới những hình thức khác nhau. Toàn tỉnh hiện có một doanh nghiệp do NVNONN đăng ký thành lập và góp vốn đầu tư hoạt động trên các lĩnh vực: Dịch vụ cung cấp thức ăn và đồ uống; dịch vụ đại lý hoa hồng; bán buôn nông, lâm sản nguyên liệu... Nhìn chung, các hoạt động đầu tư, kinh doanh của kiều bào đóng góp đáng kể cho sự phát triển kinh tế xã hội của địa phương.
Bên cạnh những đóng góp trực tiếp nêu trên, kiều bào ta còn có nhiều đóng góp trong công tác thu hút đầu tư nước ngoài thông qua việc kết nối, giới thiệu các nhà đầu tư nước ngoài đến với Việt Nam, kết nối nhà đầu tư nước ngoài với các đối tác trong nước; đồng thời, góp phần quảng bá, xúc tiến, giúp tăng uy tín, sự hấp dẫn của môi trường đầu tư Việt Nam đối với các nhà đầu tư quốc tế.
Theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh Đắk Lắk, giai đoạn từ 2016-2021, tổng lượng kiều hối do người Đắk Lắk ở nước ngoài chuyển về qua hệ thống các ngân hàng thương mại trên địa bàn tỉnh đạt 156.656.303 USD; chưa kể đến lượng tiền mặt, trang sức, tài sản có giá trị do kiều bào mang theo trực tiếp trong những chuyến về thăm quê; góp phần không nhỏ làm gia tăng nguồn tiền tiết kiệm; đồng thời tạo thêm nguồn lực vào đầu tư, tiêu dùng, nâng cao đời sống nhân dân.
Toàn cảnh Hội nghị kết nối giao thương năm 2023 tại tỉnh Đắk Lắk. |
Lan tỏa hình ảnh Đắk Lắk
Tháng 2/2023, Đắk Lắk đã ban hành đề án “Phát huy nguồn lực người Việt Nam ở nước ngoài góp phần phát triển tỉnh Đắk Lắk giai đoạn 2023-2027” với mục đích tận dụng nguồn lực và vận động kiều bào trở thành cầu nối cho tỉnh trong công tác tuyên truyền, quảng bá hình ảnh vùng đất, văn hóa, con người, thành tựu và tiềm năng phát triển kinh tế xã hội của tỉnh Đắk Lắk ra thế giới, đến với đông đảo NVNONN.
Đồng thời, tỉnh thiết lập quan hệ gắn bó với cộng đồng NVNONN nói chung, người Đắk Lắk ở nước ngoài nói riêng; chú trọng tới những quốc gia, vùng lãnh thổ, khu vực có cộng đồng NVNONN hoạt động sôi nổi hướng về Tổ quốc hoặc những địa phương ở nước ngoài có đông người gốc Việt, được chính quyền nước sở tại quan tâm, tạo điều kiện phát triển. Bên cạnh đó, tỉnh ăng cường kết nối, thu hút, phát huy nguồn lực NVNONN tham gia hợp tác, đầu tư, thương mại, chuyển giao công nghệ, khoa học, kỹ thuật …
Tỉnh Đắk Lắk trao tặng kinh phí hỗ trợ cho Hội Khmer – Việt Nam tỉnh Mondulkiri, Campuchia. |
Tỉnh kết nối với các hội, đoàn NVNONN tham gia hỗ trợ, xúc tiến thành lập các hội đồng hương Đắk Lắk ở nước ngoài; hội thân nhân kiều bào tại những địa phương có đông kiều bào sinh sống; tăng cường tổ chức các hoạt động trao đổi đoàn, giao lưu hữu nghị, kết nối du lịch... để kịp thời nắm bắt tâm tư, nguyện vọng và tiếp thu các ý kiến đóng góp của kiều bào tham gia vào việc xây dựng, phát triển quê hương.
Ngoài ra, tỉnh hoàn thiện và thực thi có hiệu quả cơ chế, chính sách, pháp luật đối với NVNONN; trong đó tập trung xây dựng và thực hiện đồng bộ các chiến lược, giải pháp cụ thể nhằm tiếp cận, khuyến khích, thu hút NVNONN nói chung, người Đắk Lắk ở nước ngoài nói riêng có trình độ chuyên môn cao, có nhu cầu nghiên cứu khoa học, có tiềm lực tài chính, có mối quan hệ quốc tế sâu rộng… về đóng góp cho quê hương.
| Một người Áo gốc Việt lặng lẽ đưa tà áo dài Việt Nam lan toả ra thế giới Tại thủ đô Vienna, có một người Áo gốc Việt từ lâu lặng lẽ nhưng kiên trì theo đuổi đam mê sáng tạo thời trang, ... |
| Tiếng Việt - Nhịp cầu thân thương nối liền đồng bào Việt Nam trên thế giới với nhau và với Tổ quốc Thứ trưởng Lê Thị Thu Hằng nhấn mạnh, đối với cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài, tiếng Việt là phương tiện lưu giữ, ... |
| Đắk Lắk: Dành nguồn lực chăm lo đồng bào dân tộc thiểu số Bám sát chủ trương, chính sách của Đảng về phát triển kinh tế, xã hội, tỉnh Đắk Lắk đã tập trung triển khai đồng bộ ... |
| Đắk Lắk 'bến đỗ' của dòng vốn FDI từ Nhật Bản Đắk Lắk nằm ở trung tâm vùng đất Tây Nguyên, với địa hình đồi núi vẫn giữ được vẻ đẹp thiên nhiên hoang sơ và ... |
| Đắk Lắk: Phát huy vai trò hạt nhân trong xây dựng khối đại đoàn kết Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Đắk Lắk tăng cường sự đồng thuận trong xã hội, củng cố khối đại đoàn kết ... |