Hoạt động tặng sách ở quê nhà của TS. Võ Tá Hân. (Ảnh: NVCC) |
Ước vọng thế hệ trẻ đưa sách đi xa hơn
Tình yêu sách của ông bắt đầu từ khi nào?
Ngày còn bé, chúng tôi không có nhiều sách để đọc như bây giờ và chỉ khi lên trung học, tôi mới có cơ hội được đọc sách. Ngoài ba tấm thẻ mượn sách thư viện, vào cuối tuần, tôi có thú đi lùng mua sách cũ trên đường Lê Lợi và trung bình mỗi tuần thì ngốn hai quyển sách về đủ mọi đề tài.
Sách thì thường chỉ đọc một lần nhưng có những quyển gối đầu giường thì đọc đi đọc lại đến nát cả sách! Ngày ấy, tôi đọc rất nhiều sách “Học làm người” của Nguyễn Hiến Lê và Nguyễn Duy Cần. Đó là những quyển sách quý giúp rèn luyện ý chí, hun đúc lớp trẻ về nhiều phương diện, có ảnh hưởng lớn đến cuộc đời mình.
Điều gì thôi thúc ông chuyển sách về giúp Việt Nam bền bỉ trong suốt hơn 30 năm qua?
Ước vọng của tôi là thế hệ trẻ sẽ đưa sách đi xa hơn và rộng hơn nữa, sẽ có thêm nhiều hội sách tại các thành phố, nhiều thư viện tại các vùng xa xôi hẻo lánh để kiến thức mới được lan tỏa khắp nơi.
Trong khi đó, tất cả kiến thức của nhân loại đều nằm trong sách vở và do đó không có gì hiệu quả hơn để giúp đất nước là chuyển kiến thức về Việt Nam.
Tri thức là “chìa khóa vạn năng mở mọi cánh cửa” rồi từ đó có thể giúp cho đất nước chóng giàu mạnh. Người Việt chúng ta vốn rất thông minh, hiếu học, nhẫn nại và nếu có cơ hội thì chúng ta sẽ phát triển không thua kém các nước trong khu vực.
Ông có thể chia sẻ thêm về “hành trình” của một quyển sách ở nước ngoài được ông chuyển về Việt Nam?
Năm 1988, tôi trở lại TP. Hồ Chí Minh sau 20 năm du học. Lúc đó, TP. Hồ Chí Minh vắng vẻ, các hoạt động văn hóa giải trí thưa thớt.
Nhà sách ở ngay trung tâm thành phố tẻ nhạt với một ít sách cũ kỹ, bày biện thô sơ, đơn điệu. Ghé một số viện nghiên cứu, trường đại học hàng đầu ở TP. Hồ Chí Minh, tôi đề nghị được xem thư viện và bàng hoàng vì thư viện chỉ có một ít sách cũ.
Bước ra phi trường, khi máy bay cất cánh trở lại Singapore, tôi đau đáu suy nghĩ, lúc nào trong đầu cũng văng vẳng sự mách bảo “phải làm cái gì đó giúp quê nhà”.
Nghĩ là làm, tôi bắt đầu dịch một số sách về kinh tế, tài chính để gửi về nước. Dịch được một, hai cuốn, tôi giật mình: “Mất bao nhiêu thời gian mới dịch xong một cuốn, vậy thì có thể làm được gì?”.
Từ đó, tôi tìm cách đi xin, đi mua sách khắp thế giới và khởi động chương trình “Books4Vietnam” gửi sách về Việt Nam.
Tôi có niềm tin mãnh liệt rằng, nếu được trang bị kiến thức mới, có cơ hội học hỏi, ứng dụng tri thức mới, Việt Nam sẽ tiến rất nhanh và đó là động lực tôi kiên trì đưa sách về quê nhà.
Ban đầu, tôi viết 100 lá thư gửi đi khắp nơi, quyên được 1.500 cuốn gửi tặng Viện Kinh tế Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh. Từ đó, tôi làm quen với nhà xuất bản Simon & Schuster - Prentice Hall (SSPH). Khi đến thăm kho trung chuyển phân phối sách khắp châu Á của họ tại Singapore, tôi khám phá một “núi sách” nằm ở cuối kho còn mới nguyên nhưng đang chất đồng do nhập dư hoặc không bán hết.
Mất hơn một năm trời thì tôi mới thuyết phục được họ để mua lại với giá rẻ hàng tấn sách về chuyên ngành kỹ thuật, kinh tế, tài chính, y khoa, luật khoa, quản trị kinh doanh, giáo dục với điều kiện duy nhất là sách phải được đưa vào container khóa kín rồi chuyển thẳng về Việt Nam, không để cuốn nào để lại Singapore. Container 20 ngàn quyển sách Singapore buộc phải nộp toàn bộ danh mục số sách này để kiểm duyệt vì lúc ấy Singapore đang còn áp đặt cấm vận với Việt Nam. May mắn có người khuyên tôi nên khai là gửi... giấy vụn, nên container sách ấy và những containers kế tiếp đều đi trót lọt.
Sau bao vất vả, những cuốn sách đầu tiên được chuyển đến Viện Kinh tế TP. Hồ Chí Minh. Lễ tặng sách, triển lãm sách diễn ra trang trọng vào năm 1990.
Đồng chí Phan Văn Khải, lúc đó là Chủ nhiệm Ủy ban Kế hoạch Nhà nước, ghé thăm triển lãm đã viết một bức thư cảm ơn và khen tặng: “Những cuốn sách mà tôi được thấy tận mắt trong buổi trưng bày đều vô cùng quý giá đối với các nhà nghiên cứu và các nhà quản lý ở TP. Hồ Chí Minh và cả nước”.
Chính bức thư ấy đã giúp chương trình tặng sách được thuận buồm xuôi gió về sau.
Hoạt động tặng sách ở quê nhà của TS. Võ Tá Hân. (Ảnh: NVCC) |
Nâng cao văn hóa đọc cho bạn đọc cả nước
Theo ông, làm gì để có thể phát huy hiệu quả từ nguồn sách quý được đưa từ nước ngoài về Việt Nam?
Trong suốt hành trình dài hơn 30 năm thực hiện Chương trình Books4Vietnam, từ việc tìm sách, mua sách, quyên sách, đóng thùng container sách, chuyển sách về Việt Nam rồi đưa sách đến các trường học..., mỗi công đoạn đều có khó khăn riêng, cho nên khi sách đến được đúng nơi, an toàn, như ý muốn thì lòng tôi luôn rộn lên niềm vui khó tả.
Do đó, tôi mong muốn, ngoài việc nâng cao số lượng đầu sách trong thư viện, các trường hãy tìm giải pháp đưa số lượng sách này đến rộng rãi sinh viên tiếp cận, đưa đến người đọc càng nhiều càng tốt, xa hơn nữa là nâng cao văn hóa đọc cho bạn đọc cả nước.
Để phù hợp với xu thế mới, các trường có thể chuyển đổi các sách khoa học - kỹ thuật này sang sách điện tử (e-book) trong thư viện điện tử của mình để có thể lan tỏa sách rộng rãi hơn đến bạn đọc.
Ngoài sách mang về nước, ông còn “chuyển giao tri thức” cho Việt Nam bằng cách giúp đỡ lưu học sinh Việt ở nước ngoài?
Năm 1988, lần đầu về Việt Nam, nhìn thấy khoảng cách quá lớn giữa hai quốc gia (Việt Nam và Singapore) tuy chỉ cách nhau có hơn một giờ bay thì quả thật rất đau lòng!
Với tư cách là Chủ tịch Hội doanh nghiệp Canada tại Singapore, tôi đưa phái đoàn thương mại chính thức của Singapore thăm Việt Nam vào tháng 12/1991 và một trong mười đề nghị trong bài điều trần viết cho cựu Thủ tướng Lý Quang Diệu, tôi khuyên họ nên trao nhiều học bổng cho sinh viên Việt Nam sang học tại Singapore.
Năm 2007 thì tôi thành lập Câu lạc bộ Vietnam 2020 (Hội chuyên gia Việt Nam tại Singapore) với thành viên là những lưu học sinh Việt Nam được học bổng sang theo học tại ba trường đại học lớn tại Singapore...
Bên cạnh đó, tôi còn có Quỹ học bổng Võ Tá Hân, nhằm giúp đỡ những học sinh nghèo hiếu học tại các vùng sâu, vùng xa tại Việt Nam.
Năm 1968, khi vừa tròn 20 tuổi, ông Võ Tá Hân nhận học bổng USAID du học tại Viện Công nghệ Massachusetts, Mỹ. Năm 1972, ông tốt nghiệp rồi tiếp tục lấy bằng thạc sĩ. Từ năm 1974, ông trở thành chuyên gia ngân hàng quốc tế của Bank of Montreal (Canada). Năm 1986, ông làm việc cho Tập đoàn Hong Leong, tập đoàn thương mại tư nhân lớn nhất Singapore, giữ những chức vụ cao cấp trong các công ty bất động sản, đầu tư khách sạn, công nghệ, tài chính của tập đoàn. Sau đó, ông làm cố vấn cao cấp của ngân hàng UBS AG Thụy Sỹ tại Singapore. Ông cũng là thành viên Hội đồng quản trị của Đại học UniSIM - Học viện Quản lý Singapore. Năm 2010, ông về hưu, định cư tại Mỹ và tiếp tục công việc giảng dạy. Ngoài ra, ông còn tham gia các lĩnh vực như âm nhạc, xuất bản như xuất bản sách “Cánh hoa trước gió” (2004), sáng tác hơn 500 ca khúc phổ và phát hành 30 CD... Năm 2022, TS. Võ Tá Hân được TP. Hồ Chí Minh tuyên dương tại chương trình “Những tấm gương thầm lặng mà cao cả” lần thứ năm. Tính đến nay, ông đã tặng gần 2 triệu quyển sách cho quê nhà. |