Căng thẳng biên giới Ba Lan-Ukraine 'tăng nhiệt', Kiev chỉ trích ba lý do đằng sau, trong đó có yếu tố Nga. Trong ảnh: Đêm 25/2, nông sản Ukraine đã bị đổ từ 8 toa xe lửa xuống sân nhà ga Kotomierz của Ba Lan khiến 160 tấn ngũ cốc bị hư hỏng. (Nguồn: Ukrinform) |
Cuộc khủng hoảng đang diễn ra xung quanh việc xuất khẩu ngũ cốc của Ukraine ở biên giới với Ba Lan là do ba yếu tố gây ra. Đó là tuyên bố mà Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Ukraine Dmytro Kuleba vừa nêu tại cuộc họp chung với người đồng cấp Đức Annalena Baerbock.
Theo đó, ông Kuleba cho rằng, yếu tố đầu tiên gây nên cuộc khủng hoảng ở biên giới Ukraine-Ba Lan là những vấn đề kinh tế mà châu Âu đang phải đối mặt, trong khi Ukraine không phải là vấn đề lớn nhất.
Vấn đề thứ hai là bộ máy tình báo và tuyên truyền của Nga đã khai thác hiệu quả những vấn đề này để hướng sự tức giận của châu Âu vào Kiev.
"Cùng với phía Ba Lan, chúng tôi thấy Nga đang tích cực thúc đẩy khai thác vấn đề này như thế nào. Khiến vì lý do nào đó, những người biểu tình lên tiếng về vấn đề do ngũ cốc Ukraine gây ra, trong khi “im lặng” về ngũ cốc Nga - vẫn tiếp tục chảy vào châu Âu", ông Dmytro Kuleba nói.
Và yếu tố thứ ba, theo Ngoại trưởng Ukraine, là những hành động khiêu khích làm leo thang tình hình. “Nếu không có hành vi khiêu khích liên quan đến việc đổ hoa màu của Ukraine từ các phương tiện vận tải thì những vấn đề này đã có thể được giải quyết một cách bình tĩnh”, ông Kuleba phân tích.
Ngoại trưởng Kuleba tin rằng, chính phủ Ba Lan đang quyết tâm giải quyết vấn đề hiện tại một cách chuyên nghiệp. “Ukraine sẽ không rơi vào tình thế bị khiêu khích, sẽ không ai thành công trong việc khiến Ba Lan và Ukraine chống lại nhau về mặt chiến lược”, ông Kuleba nhấn mạnh.
Tuy nhiên, trước tình hình ngày càng "nóng rẫy" ở biên giới, ngày 26/2, chính quyền Ukraine đã hối thúc Warsaw “truy tìm và trừng phạt” những kẻ chịu trách nhiệm về vụ đổ ngũ cốc ở biên giới Ba Lan-Ukraine. “Những kẻ đã làm hỏng ngũ cốc Ukraine phải bị phát hiện, vô hiệu hóa và trừng phạt”, Bộ trưởng Bộ Cộng đồng, lãnh thổ và phát triển cơ sở hạ tầng Ukraine Oleksandr Kubrakov tuyên bố và cho biết Đại sứ quán Ukraine tại Ba Lan đã gửi công hàm tới chính quyền Ba Lan yêu cầu những kẻ gây ra vụ việc phải bị phát hiện và trừng phạt.
Trước đó, ngày 23/2, Thủ tướng Ukraine Denis Shmigal tuyên bố, quốc gia này có quyền "trả đũa" Ba Lan nếu Warsaw thất bại trong việc thuyết phục nông dân nước mình ngừng biểu tình chặn các cửa khẩu.
Reuters dẫn lời ông Shmigal trên kênh Telegram chính thức, tuyên bố: “Vấn đề phong tỏa biên giới phải được giải quyết trước ngày 28/3 – thời điểm mà chính phủ Ukraine và Ba Lan dự kiến tổ chức một phiên họp chung”.
Thủ tướng Shmigal khẳng định, Ukraine không bán ngũ cốc tại Ba Lan trong vòng 5 tháng qua và đồng thời khẳng định Kiev chỉ sử dụng lãnh thổ Ba Lan để giao hàng sang các quốc gia khác. Vì thế, nếu yêu cầu nói trên của Kiev không được đáp ứng, Ukraine sẽ có quyền ban hành các biện pháp tương ứng liên quan đến các điểm nhập cảnh.
Ngày 19/2, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cũng đã lên tiếng chỉ trích nông dân Ba Lan biểu tình chặn biên giới làm xói mòn tình đoàn kết với Ukraine và đe dọa an ninh nước này. “Những điều đang diễn ra ở biên giới phía Tây với Ba Lan không thể được coi là điều bình thường. Trên thực tế, vấn đề không phải về ngũ cốc mà là về chính trị".
Không chỉ có vậy, căng thẳng trên thực tế vẫn đang bị đẩy lên cao, khi đêm 25/2, nông sản Ukraine đã bị đổ từ 8 toa xe lửa xuống nhà ga Kotomierz của Ba Lan khiến 160 tấn ngũ cốc bị hư hỏng. Vụ việc này đã được Bộ Cộng đồng, lãnh thổ và phát triển cơ sở hạ tầng Ukraine đề cập trên trang mạng xã hội Facebook.
“Một hành vi phá hoại mới - vào đêm 24-25/2, nông sản Ukraine đã bị đổ ra khỏi 8 toa xe mui trần tại nhà ga Kotomierz. Số hàng hóa này đang quá cảnh đến cảng Gdansk, từ đó nó được chuyển đến các nước khác trên toàn thế giới”, Bộ trên cho biết.
Bộ trưởng Oleksandr Kubrakov nhấn mạnh, phía Kiev đang thực hiện nghĩa vụ của mình một cách thiện chí. Theo thỏa thuận với chính phủ Ba Lan, một số loại nông sản Ukraine không được xuất khẩu sang Ba Lan. Và điều này cũng đã được xác nhận chính thức - không có ngũ cốc, ngô hoặc hạt cải dầu nào được xuất khẩu sang Ba Lan.
Ông Kubrakov chỉ trích, "Đây là vụ phá hoại thứ tư tại các nhà ga ở Ba Lan. Vụ thứ tư về sự vô trách nhiệm và không bị trừng phạt".
Trước đó, ngày 20/2, nông dân Ba Lan biểu tình đã chặn tuyến đường sắt gần trạm kiểm soát Medyka ở biên giới với Ukraine, đổ ngũ cốc từ một toa chở hàng xuống đường ray.
Vào khoảng 9h00 ngày 23/2, tại trạm kiểm soát đường sắt Dorohusk, những người không rõ danh tính cũng đã đổ hạt cải dầu từ ba toa tàu chở ngũ cốc xuất đi Đức.
Tiếp đó, ngày 24/2, vào khoảng 9h00, tại nhà ga Dorohusk của Ba Lan, những người không rõ danh tính đã làm hư hại các toa xe chở đậu của Ukraine xuất khẩu.
Như vậy, cuộc phong tỏa biên giới của nông dân Ba Lan đã kéo dài từ đầu tháng 11/2023. Theo từng thời điểm khác nhau, nhiều hãng vận tải hàng hóa cũng đã tham gia vào các cuộc biểu tình này. Đỉnh điểm từ ngày 9/2, nông dân Ba Lan đã biểu tình trên các tuyến đường cao tốc ngăn chặn lưu thông hàng hóa tới các trạm kiểm soát ở biên giới với Ukraine. Nông dân phản đối điều mà họ cho là việc nhập khẩu quá nhiều sản phẩm của Ukraine vào thị trường Ba Lan.
Trên thực tế, không chỉ nông dân Ba Lan, làn sóng nông dân châu Âu biểu tình đã kéo dài nhiều tuần nay. Họ lái máy kéo chặn các đường phố, các tuyến đường dẫn về các cảng, khiến giao thông tắc nghẽn, thậm chí lái xe kéo xe tải về bao vây tòa nhà Nghị viện châu Âu.
Nông dân, đặc biệt là ở Đông Âu, tiếp tục lên tiếng bất bình về việc nhập khẩu nông sản giá rẻ từ Ukraine, bao gồm ngũ cốc, đường và thịt. Trước đó, EU đã miễn hạn ngạch và thuế đối với hàng nhập khẩu của Ukraine sau khi xung đột tại Ukraine nổ ra.
Ngoài ra, theo bình luận của CNN, lý do còn là sự bất mãn về các chính sách kinh tế - trong đó có các chính sách về môi trường. Nông dân ở từng nước thành viên cũng lý do riêng để kêu gọi biểu tình. Họ bất bình khi chi phí năng lượng, phân bón, vận tải tăng lên trong khi các chính phủ giảm giá lương thực trong bối cảnh lạm phát.
Dữ liệu của Cơ quan Thống kê châu Âu (Eurostat) cho thấy giá các sản phẩm phục vụ sản xuất nông nghiệp tăng cao đỉnh điểm vào năm 2022. Sau đó giá có giảm trung bình gần 9% từ quý III/2022 đến quý III/2023 nhưng vẫn ở mức cao.