Nhỏ Bình thường Lớn

Kinh hoàng núi lửa Merapi

Tổng thống Mỹ Barack Obama đã phải rút ngắn hành trình thăm Indonesia; nhiều hãng hàng không quốc tế phải hủy một loạt chuyến bay… khi những dòng dung nham đỏ rực cùng cột khói đen đặc phun trào từ miệng ngọn núi lửa nguy hiểm nhất Indonesia - Merapi. Số lượng người thiệt mạng kể từ khi Merapi thức giấc và gieo rắc nỗi kinh hoàng hôm 26/10, đã vượt qua con số 190 người, cùng với đó là hơn 350.000 người phải đi sơ tán, theo AP.
Khói bốc lên từ núi lửa Merapi.

Trong nhật ký tang tóc của mình, Merapi đã phun trào nhiều lần trong thế kỷ 20 và giết chết hơn 1.400 người. Merapi hoạt động theo chu kỳ 4 năm một lần nhưng đây là lần phun trào dữ dội nhất kể từ năm 1930. Các đám mây tro bụi sẽ phân tán, nhưng theo Jakarta Globe, kinh tế địa phương bị ảnh hưởng nặng nề bởi mất khách du lịch và các chuyến bay quốc tế bị hủy. Merapi nằm ở ngoại ô thành phố Yogyakarta - điểm thu hút khách du lịch thứ hai của Indonesia sau Bali.

Các đợt phun trào chết chóc của Merapi tiếp tục khi Indonesia đang cố gắng khôi phục sau trận động đất 7,7 độ richter, gây ra sóng thần cao 3 mét. Thảm họa kép đã vắt kiệt sức lực của hệ thống khẩn cấp chính phủ. Các nhân viên cứu hộ Indonesia đã buộc phải ngừng các nỗ lực tìm kiếm thi thể các nạn nhân sau đợt phun trào của Merapi hôm 5/11, do nhiệt độ quanh khu vực lên đến 75oC. Trong khi đó, ông Syamsul Rizalcho, một chuyên gia về núi lửa, cảnh báo cùng với Merapi, 21 núi lửa khác cũng có dấu hiệu hoạt động trở lại, trong đó hai núi có khả năng sẽ phun trào trong hai tuần tới và 19 núi đang rung chuyển ngày càng mạnh. "Khi hoạt động của hơn 20 núi lửa tăng lên đồng thời thì đó là hiện tượng mà chúng ta nên chú ý. Sự gia tăng ấy có thể là dấu hiệu của sự thay đổi vị trí các mảng kiến tạo địa tầng, chứ không phải chỉ là sự rung lắc đơn thuần", giáo sư Brent McInnes của Đại học Curtin (Australia) báo động.

Indonesia, quốc đảo rộng lớn với 235 triệu dân, là nơi thường xuyên phải hứng chịu động đất, núi lửa do nước này nằm giữa "Vành đại lửa" Thái Bình Dương và vành đai Alpide. Chỉ riêng năm 2009, Indonesia đã trải qua 469 trận động đất từ 5 độ Richter - nhiều hơn bất kỳ nước nào trên thế giới.

Hà Lan