📞

Kinh hoàng thú thôi miên rắn độc

23:48 | 01/12/2009
Manut găm ánh mắt thôi miên lên ba con rắn. Cổ chúng rung lên vì giận dữ. Với một động tác nhanh nhẹn, anh dùng tay túm cổ lũ rắn. Khách chỉ cách sới chừng một mét...

  Những khóa học thôi miên rắn độc

Suất diễn buổi sáng chuẩn bị bắt đầu trong cái trại rắn tồi tàn ở Chiang Mai, một thành phố phía Bắc Thái Lan. Khán giả đang trông chờ màn biểu diễn ngoạn mục của một trong những người dạy rắn giỏi nhất vương quốc, Manut Oemme, 45 tuổi, còn được gọi là Người Rắn, và học trò của anh, Jay Defario, 30 tuổi, một công dân New York nhưng cũng sắp được cấp chứng chỉ huấn luyện rắn.

Trại rắn Mae Rim là cơ sở đầu tiên ở xứ sở này mở các khóa học luyện rắn. Trại cách Chiang Mai khoảng 15km, trên khu đồi Mae Rim xanh tươi, là nơi có vô số trò xiếc thú, từ khỉ, voi, chó, tới rắn với những pha biểu diễn điên rồ của các thầy dạy rắn người Thái và người Mỹ.

Jay là một anh chàng vạm vỡ mang hai dòng máu Mỹ - Ý đến từ Bronx. Anh kể là đang đi chu du thiên hạ “tìm cảm hứng tột đỉnh”. Còn Manut là một người Thái nhỏ bé, trông nhang nhác một anh hề trong phim “Nhà Simpson”, nói rằng anh đối mặt với cái chết mỗi ngày “chỉ để kiếm sống thôi”.

Cạnh sới, một nhóm nhỏ khán giả ngồi trên hàng ghế gỗ, kiên nhẫn chờ xuất diễn. Bên ngoài khu biểu diễn, có hàng tá loại rắn độc – rắn viper, rắn taipan và hổ mang bành – trong các lồng có dây buộc cửa.

“Chào mừng tới Trại rắn Mae Rim,” người dẫn chương trình nói qua chiếc micro hơi rè. “Hôm nay, quí vị sẽ được thấy rắn hổ mang tuyệt vời”. Giọng của cô lẫn vào tiếng nhạc kỳ quặc được tua đi tua trong suốt suất diễn dài nửa giờ. Người dạy rắn nhẹ nhàng bước vào sới như một vị chủ tọa.

“Tôi là người dạy rắn!” người đó hét lên với khán giả và huýt gió ra hiệu cho phụ tá, anh chàng người New York, thả ba con hổ mang từ cái túi gai dầu vào trong sới.

Manut găm ánh mắt thôi miên lên ba con rắn. Cổ chúng rung lên vì giận dữ. Với một động tác nhanh nhẹn, anh dùng tay túm cổ lũ rắn. Khách chỉ cách sới chừng một mét và dĩ nhiên là tha hồ tận hưởng không khí đặc biệt của trại rắn này. Người nghệ sĩ hói đầu cắn mạnh đầu con rắn hổ mang cứ như thể đó là một cục kẹo. “Con rắn sẽ nhả nọc vào miệng anh ấy,” người dẫn chương trình đùa, và để thêm chút hiệu ứng, “nhưng chắc là nó không thích hơi thở của anh ấy đâu.” Đám đông bật cười.

Anh chàng học việc người Mỹ gỡ hai con rắn quấn quanh đầu thầy anh ta ra rồi ném chúng vào lại cái túi gai dầu. Sau màn trình diễn rợn người, ông thầy dạy rắn phun lại nọc độc vào miệng con hổ mang trong khi khán giả đua nhau chụp ảnh “cái khoảng khắc kinh dị mà tôi đã chứng kiến khi ở Thái Lan”.

“Đây”, người dạy rắn nói với anh chàng to mồm lúc nãy. “Chụp cái này này,” rồi anh dí đầu con hổ mang, với nanh nhe ra, vào mặt vị khách.

“Trò đó lúc nào cũng thu hút,” anh chàng cựu kỹ sư thủy quân lục chiến nói. Anh rất mê rắn và tới trại này mỗi tuần 4 lần để học mọi thứ có thể từ thầy anh. “Tôi biết là tôi sẽ không kết thúc khóa học với một cái bằng cử nhân về dạy rắn nhưng ít nhất tôi cũng đủ tiêu chuẩn để xử lý lũ rắn độc”.

Người cựu binh dạy rắn xứ Thái thì đã chơi trò này từ hơn 30 năm qua và có vẻ như chẳng hề lúng túng với những chuyện ở trại. “Tôi chỉ muốn truyền lại hiểu biết của mình”, anh nói qua một phiên dịch viên. Anh đã đào tạo 5 người nước ngoài kể từ khi “trường” bắt đầu nhận học viên hồi năm 2001.

Tuy nhiên, Manut nhanh chóng nhấn mạnh thêm rằng dù trại rắn đã được đăng ký nhưng trường học thì chưa. “Chỉ là nói mồm thôi,” anh nói. “Khả năng xấu nhất là chính quyền đóng cửa trại vì chúng tôi không có giấy phép dạy nghề rắn.”

Theo truyền thống ở Thái Lan thì nghề luyện rắn là nghề cha truyền con nối, từ thế hệ này qua thế hệ khác. Và mặc dù phiên bản Thái Lan của nghề luyện rắn không giống tý nào hình ảnh những ông thầy quấn khăn huyền bí thôi miên lũ rắn bằng tiếng sáo kiểu Ấn Độ, thì nó vẫn cứ là một tiết mục thu hút khách nước ngoài. Boonlert Ekachai, chủ trại rắn Mae Rim, khẳng định như vậy.

“Vì thế, ít nhất thì chính phủ cũng nên công nhận là chúng tôi đang bảo tồn một nghề cổ truyền đang chết dần chết mòn với cái trường rắn này,” ông nói. “Chúng tôi đâu chỉ cho du khách thấy một khía cạnh khác của văn hóa Thái, chúng tôi còn tuyên truyền, còn đóng thuế và là một phần trong đó nữa”.

Nào, ngẩng mặt lên, rắn độc!

Các khóa học của Học viện Rắn bắt đầu từ khóa 3 ngày, giới thiệu cho học viên những điều cơ bản, như làm sao xử lý được rắn không độc và cả cách thôi miên một con rắn nhảy. Khóa học ba tháng, có giá 300 đô la Mỹ, thì dạy đủ mọi khía cạnh của nghề này, từ cách đánh vật với một con trăn dài ba mét trong hồ bơi đến cách lấy nọc rắn hổ mang.

Phần hay nhất của khóa học là chơi đùa vài hiệp trong sới với loài rắn kinh khủng nhất châu Á – rắn hổ mang chúa – nhưng rất ít học viên đạt tới trình độ luyện rắn đó.Jeremy Cook, 25 tuổi, người Vương quốc Anh, vừa mới xong khóa học 3 ngày, nói rằng các khách du lịch bụi không chỉ tìm các tour du lịch trên lưng voi hay lớp dạy nấu món ăn Thái.

Anh chàng người Anh đánh giá khóa học luyện rắn ngang với “trò bắn rocket trong trường bắn Cam-pu-chia”. “Du lịch mạo hiểm là át chủ bài thu hút khách du lịch bụi như tôi đây, tôi tìm cái gì đó khác lạ hơn mấy ngôi đền tuyệt diệu.”

Jay, người đã học được hai tháng, nói rằng đây quả là du lịch mạo hiểm cấp độ cao nhất: “Nhưng bạn phải luôn luôn nhớ rằng chỉ một bước sai thôi thì sẽ thấy sự khác biệt giữa sống thêm một ngày nữa hoặc không. Và đó là mục đích của khoá học!”Cựu nhân viên SEABEES tự tin phô diễn kỹ năng của mình và dẫn chúng tôi tới xem chuồng rắn hổ mang phun độc Miến Điện. Trước khi bạn kịp nói tới Indiana Jonesthì anh đã nhảy qua nức tường cao khoảng 1,2 mét vào trong cuồng với 5 con rắn độc. Biển báo ngoài chuồng cho biết loài rắn này có thể phun nọc độc xa tới 2 mét. Thêm nữa, nếu nọc bắn vào mắt thì bạn mù là cái chắc. “Tôi đeo kính rồi,” Jay nói, có vẻ chẳng quan tâm lắm.

Manut quan sát chăm chú học trò cưng của mình và động viên. “Vững vàng lên.” Trong chuồng, lũ rắn đang phun phì phì tứ phía. “Bạn phải thực sự vững vàng khi tiến vào trong sới,” Jay khuyên khi anh bước ra khỏi chuồng. “Nếu bạn run khẽ thôi thì chúng sẽ chớp thời cơ tấn công ngay.”

Manut quấn một con trăn quanh cổ Jay - ở đây, đó là một cử chỉ thân thiện. “Giỏi đấy Jay, tôi nghĩ là sẽ thêm hổ mang phun vào xuất diễn.” Jay phì cười. “Ông ấy lúc nào cũng bảo tôi ở lại đây làm việc,” Jay nói. Nếu so với học trò đầu tiên của trường thì anh chàng cứ như là một vị thánh ấy.

Steve Curry, 47 tuổi, người Luân Đôn, là học sinh đầu tiên của Manut. “Đây, nhìn này,” ông thầy người Thái nói và rút ra một bức ảnh của người cựu sinh viên từ trong ví. “Anh này quậy nhất.”

Anh chàng đang sống đời biệt xứ xở Chiang Mai kể rằng đó là trải nghiệm kinh hoàng đến mức gần như làm anh mất trí. “Tôi thoát được với nhiều hơn mức tôi có thể đòi hỏi,” Steve rụt rè nói, người anh chi chít những vết cắn. Anh kể anh là sản phẩm của thập niên 1970. “Trong khi lũ bạn tôi lao vào trào lưu punk thì tôi quyết tâm làm điều gì đó khó một chút.”

Steve sống ở ngoại ô Chiang Mai, thiết kế trang phục punk và bán hàng trên eBay. Anh nhận lời phỏng vấn tại nhà chứ không muốn tới trại rắn. “Đó là một câu chuyện dài,” anh nói qua điện thoại, với chất giọng Viễn Đông đặc sệt.

Không phải học viên nào cũng qua được, và Steve là người đầu tiên rời Học viện Rắn. “Nhưng tôi cũng là người tiên phong,” anh nói thêm rất nhanh. “Tôi học rất tốt, cho tới tuần thứ ba, khi thầy dạy tới hổ mang bành,” anh kể. “Đầu tiên, thầy sẽ dạy về rắn chuột, bọn này không hề độc. Một con rắn chuột đã cắn tôi không biết bao nhiêu lần. Nó làm tôi rất tức nên tôi đập vỡ đầu nó. Manut chỉ cười và lôi ra một con khác.”

Nhưng ngày hôm sau thì anh phải chịu thua sau một đêm vất vả bên chuồng rắn.

“Thầy tôi biết tôi không còn sức mà luyện với rắn hổ mang và bảo tôi về nhà.” Thế rồi anh học viên ương ngạnh đòi chơi với thùng thuốc súng thật. ““Lôi con hổ mang chúa ra đi, cứ để nó tới đi,” tôi bảo Manut thế đấy.” Ông ấy ném cho tôi ánh mắt “chú mày định làm trò quái gì thế?” nhưng vẫn cho tôi thử.”

“Mấy con hổ mang chúa đó kinh khủng. Khi chúng vươn đầu lên, chúng cách mặt đất tới cả mét rưỡi. Tôi chưa chuẩn bị gì để đối mặt với hổ mang chúa. Một cú cắn thôi là đi đời cả trâu nước cơ đấy.”

Khi Manut thả hai con chúa vào sới, anh chỉ nghe được “Ra mau Steve!” và mọi thứ mờ đi. Steve chỉ còn nhớ là mình tỉnh dậy trên giường bệnh. Anh bị con hổ mang chúa cắn vào mắt cá chân. “Và nếu Manut không nhanh trí,” Steve nói, “thì tôi đã chẳng ngồi đây kể chuyện nữa rồi.”

Manut kể lại tai nạn cứ như chuyện mới xảy ra hôm qua, nhưng không hề tỏ ra tức giận. “Đó là ý kiến tồi, tôi đã nói với cậu ấy. Nhưng cậu ấy không chịu mà nằng nặc đòi huấn luyện con hổ mang chúa. Hôm đó thái độ của cậu ấy rất lạ nhưng kiên quyết nên tôi theo dõi sát từng bước một. Nhưng cú đớp thì hoàn toàn bất ngờ. Sau vụ đó, chúng tôi gọi con rắn ấy là ‘Đột kích’.”

Manut nhớ lại 4 lần bị rắn cắn trước đó ở trại rắn. Không có thuốc giải độc, bệnh viện thì cách đó 40 phút lái xe (bị hổ mang chúa cắn thì bạn sẽ chết sau chưa đầy nửa giờ), anh đã làm đúng lời dạy của thầy mình trong tình huống khó khăn: dùng thuốc sơ cứu của người luyện rắn. Hiện nay, các khóa sơ cứu của bệnh viện Thánh John không công nhận thứ thuốc này.

“Phụ tá của tôi nhốt con rắn vào túi,” Manut kể về cái ngày tồi tệ có thể đánh sập ngôi trường của anh trước khi nó được dựng xong. “Tôi rút con dao săn vẫn đeo quanh cổ ra. Tôi nói với Steve là sẽ đau chút thôi và khoét một lỗ quanh vết rắn cắn.”.   Theo Vietimes