Nhỏ Bình thường Lớn

Kinh nghiệm cải cách kinh tế quốc tế và bài học đối với Việt Nam

Trong 2 ngày 24 - 25/3, tại Hà Nội, Bộ Ngoại giao Việt Nam phối hợp với Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam và Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) tổ chức Hội thảo quốc tế “Cải cách kinh tế vì tăng trưởng bao trùm và bền vững: Kinh nghiệp quốc tế và bài học đối với Việt Nam”. Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh đã đến dự và có bài phát biểu.
Hội thảo quốc tế “Cải cách kinh tế vì tăng trưởng bao trùm và bền vững: Kinh nghiệp quốc tế và bài học đối với Việt Nam”.

Hội thảo có sự tham dự của khoảng 180 đại biểu trong và ngoài nước, là đại diện lãnh đạo một số bộ/ngành và các chuyên gia, học giả từ các cơ quan, viện nghiên cứu lớn như Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Phương Nga, TS. Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM); TS. Võ Trí Thành, Phó Viện trưởng CIEM; TS. Đặng Kim Sơn, Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược Phát triển Nông nghiệp Nông thôn; Ông Nguyễn Xuân Thành, Chương trình Fullbright; GS. Rob Lawrence, Đại học Harvard; GS. Shahid Yusuf, Đại học George Washington; GS. Zhang Jun, Đại học Fudan; GS. Gary Jefferson, Đại học Brandeis; TS. Bhanupong Nidhiprabha, Đại học Thammasat…

Xu hướng tái cơ cấu kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng bền vững ngày càng được các nước và các tổ chức quốc tế quan tâm thúc đẩy. Nhiều đối tác phát triển của Việt Nam, trong đó bao gồm các cơ quan thuộc hệ thống Liên hợp quốc như Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) đã có nhiều hoạt động tư vấn chính sách và hỗ trợ các bộ/ngành và cơ quan của Việt Nam trong quá trình triển khai các nội dung tái cơ cấu kinh tế và chuyển đổi mô hình tăng trưởng.

Trong bối cảnh này, việc tổ chức Hội thảo quốc tế “Cải cách kinh tế vì tăng trưởng bao trùm và bền vững: Kinh nghiệm quốc tế và bài học đối với Việt Nam” với sự tham dự của nhiều chuyên gia, học giả quốc tế có uy tín là cơ hội tốt để các đại biểu trao đổi, đối thoại về các nội dung liên quan đến phát triển kinh tế - xã hội theo hướng bền vững. Việc tổ chức Hội thảo cũng là bước đi cụ thể nhằm thúc đẩy tiến trình hội nhập quốc tế của Việt Nam trong quá trình triển khai tái cơ cấu kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng bền vững.

Trong bài phát biểu chỉ đạo, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh thẳng thắn bày tỏ trước các chuyên gia và học giả quốc tế: “Nhìn lại chặng đường phát triển vừa qua, bên cạnh những thành tựu đạt được, chúng tôi ý thức sâu sắc rằng nền kinh tế phát triển còn chưa bền vững, chất lượng tăng trưởng, năng suất và sức cạnh tranh của nền kinh tế còn thấp. Tuy lực lượng lao động dồi dào, song tỷ lệ lao động chưa qua đào tạo còn cao. Đời sống của một bộ phận dân cư còn khó khăn, đặc biệt là đồng bào các dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa. Các thách thức về môi trường, biến đổi khí hậu, thiên tai và dịch bệnh đòi hỏi ngày càng nhiều nguồn lực và công sức ứng phó”.

Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh cũng điểm lại một số kết quả kinh tế-xã hội nổi bật mà Việt Nam đạt được trong công cuộc Đổi mới và chỉ ra các thách thức lớn đang đặt ra để định vị kinh tế Việt Nam trong thang bậc phát triển của thế giới. Ông cho rằng, việc bước vào nhóm nước thu nhập trung bình đang đặt ra những thách thức lớn, trước mắt cho Việt Nam, trong đó nổi lên là thách thức tụt hậu và rơi vào “bẫy thu nhập trung bình”. Vì vậy, quyết tâm cải cách kinh tế đi đôi với chủ động, tích cực hội nhập quốc tế là phương thức cơ bản để tạo “sức bật” mới cho Việt Nam phát triển nhanh gắn liền với phát triển bền vững trong thời gian tới. “Với Việt Nam, đạt được mức thu nhập trung bình là kết quả của nỗ lực rất lớn trong gần 30 năm Đổi mới, nhưng để vượt qua bẫy thu nhập trung bình hướng tới nền kinh tế bền vững và bao trùm đòi hỏi đổi mới mạnh mẽ hơn nữa tư duy và tầm nhìn phát triển cũng như bản lĩnh và quyết tâm lớn của cả nền kinh tế. Nhận thức rõ điều này, trong Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội 2011-2020 của Việt Nam, Đảng và Chính phủ chúng tôi đã khẳng định quyết tâm đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới với ba đột phá chiến lược là hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao và hiện đại hóa cơ sở hạ tầng nhằm phấn đấu đưa Việt Nam cơ bản trở thành một nước công nghiệp hóa theo hướng hiện đại đến năm 2020”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Phó thủ tướng đề nghị, trong khuôn khổ hội thảo, các chuyên gia, học giả quốc tế chia sẻ với Việt Nam những nhận thức mới, kinh nghiệm và thực tiễn tốt trên thế giới về tăng trưởng bền vững và bao trùm. Cụ thể, tập trung vào một số vấn đề như: Tiếp tục phát huy vai trò kiến tạo phát triển của Nhà nước trong tương quan với các chủ thể khác trong nền kinh tế thị trường đang hội nhập quốc tế sâu rộng; xây dựng một cơ cấu kinh tế hiện đại để tăng trưởng bền vững và bao trùm; giải quyết mối quan hệ giữa ổn định kinh tế vĩ mô trong ngắn hạn và cải cách cơ cấu trong trung và dài hạn; vị trí, vai trò mới của nông nghiệp đối với tăng trưởng bền vững và bao trùm; cần làm gì trong xu thế liên kết kinh tế đa tầng nấc để có thể tham gia và tranh thủ tối đa lợi ích của các chuỗi giá trị và mạng lưới sản xuất toàn cầu.

Bà Helen Clark, Tổng giám đốc UNDP phát biểu.

Đồng tình với ý kiến của Phó thủ tướng Phạm Bình Minh, bà Helen Clark, Tổng giám đốc UNDP khẳng định, những thành tựu kinh tế-xã hội mà Việt Nam đạt được trong gần 30 năm qua là rất ấn tượng. Hiện nay, Việt Nam đang bắt đầu xây dựng và thực hiện các bước tiếp theo của các biện pháp cải cách cơ cấu và thể chế nhằm bảo đảm tiếp tục những tiến bộ về phát triển và tăng cường năng lực để hội nhập sâu rộng hơn với nền kinh tế toàn cầu.

Bà Helen Clark cũng đưa ra một số lĩnh vực để Việt Nam cân nhắc trong quá trình cải cách để thúc đẩy tăng trưởng bao trùm và bền vững tại Việt Nam, bao gồm: Thực hiện các biện pháp để cải thiện năng suất lao động và chất lượng sản xuất trong ngành nông nghiệp và nuôi trồng thủy sản; nâng cấp mạnh mẽ nền kinh tế hướng tới các ngành có giá trị cao hơn để giúp Việt Nam có thể xác lập được lợi thế so sánh mới trong nền kinh tế khu vực và thế giới và tạo ra được nhiều việc làm tốt; mở ra nhiều cơ hội thông qua khả năng tiếp cận nền giáo dục có chất lượng và phù hợp có vai trò then chốt; phải có hệ thống bảo trợ xã hội hiện đại; đầu tư vào giảm nhẹ rủi ro thảm họa và thích ứng với biến đổi khí hậu; phân bổ và quản lý nguồn lực công một cách minh bạch và có trách nhiệm giải trình hơn./.

Hội thảo bao gồm ba phiên thảo luận chính:

+ Phiên thảo luận với chủ đề “Cải cách kinh tế: Các thách thức cho tăng trưởng bao trùm”. Nội dung thảo luận tập trung vào việc nhấn mạnh tầm quan trọng của tăng trưởng bao trùm, cũng như xác định mối liên hệ giữa tăng trưởng kinh tế, bất bình đẳng và thể chế kinh tế.

+ Phiên thảo luận với chủ đề “Cải cách kinh tế vì tăng trưởng bao trùm và bền vững”. Nội dung thảo luận tập trung vào tiến trình triển khai các lĩnh vực cải cách ưu tiên của Việt Nam, kinh nghiệm quốc tế trong việc cân bằng giữa ổn định kinh tế vĩ mô ngắn hạn với các giải pháp cải cách cơ cấu và thể chế trung/dài hạn. Phiên thảo luận sẽ được chia thành 03 phần: (i) Thúc đẩy lĩnh vực tài chính; (ii) Nâng cao năng lực cạnh tranh: Vai trò của cải cách doanh nghiệp nhà nước; (iii) Nâng cao năng lực cạnh tranh: Phát triển công nghiệp, nông nghiệp và nông thôn.

+ Phiên thảo luận với chủ đề “Khai thác tiềm năng từ hội nhập quốc tế và khu vực hướng tới phát triển bao trùm và bền vững”. Nội dung thảo luận tập trung vào phân tích các thay đổi trong các chuỗi giá trị và mạng sản xuất toàn cầu và hàm ý chính sách cho Việt Nam. Các diễn giả sẽ trao đổi và đưa ra các khuyến nghị chính sách liên quan đến tiến trình hội nhập quốc tế của các nước và Việt Nam, bao gồm việc tham gia các hiệp định thương mại tự do như Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP).


Minh Anh