TIN LIÊN QUAN | |
Hình ảnh ấn tượng Việt Nam tại Liên hợp quốc | |
Thứ trưởng Ngoại giao Lê Hoài Trung: Thành tựu đổi mới của Việt Nam được khẳng định |
Tọa đàm chuyên đề “Việt Nam được bầu làm Ủy viên không thường trực HĐBA LHQ nhiệm kỳ 2020-2021”. |
Sau khi Việt Nam trúng cử Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc với số phiếu cao kỷ lục, ngày 13/6, tại Hà Nội, Vụ Tổ chức Cán bộ và Học viện Ngoại giao, Bộ Ngoại giao đã tổ chức buổi Tọa đàm “Việt Nam được bầu làm Ủy viên không thường trực HĐBA LHQ nhiệm kỳ 2020-2021”.
Buổi Tọa đàm nhằm cập nhật thông tin và bồi dưỡng kiến thức phục vụ công tác của Bộ Ngoại giao đã thu hút sự quan tâm, tham dự của các cán bộ làm nghiên cứu, các cán bộ ngoại giao trẻ mới được tuyển dụng và các sinh viên Học viện Ngoại giao.
Tiến sĩ Phạm Lan Dung, Phó Giám đốc Học viện Ngoại giao chủ trì buổi Tọa đàm cùng các diễn giả chính là ông Đặng Hoàng Giang, Chánh văn phòng Bộ Ngoại giao và ông Đỗ Hùng Việt, Quyền Vụ trưởng Vụ các Tổ chức Quốc tế, Bộ Ngoại giao và TS. Trần Việt Thái, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược Ngoại giao, Học viện Ngoại giao.
Chuẩn bị công phu, bài bản
Tại buổi Tọa đàm, ông Đỗ Hùng Việt, Quyền Vụ trưởng Vụ các Tổ chức Quốc tế, người trực tiếp có mặt tại phiên bỏ phiếu tại Trụ sở LHQ hôm 7/6 đã chia sẻ cảm xúc về giây phút lịch sử khi kết quả bỏ phiếu của Việt Nam được công bố. "Khi nghe công bố: Việt Nam - 192 phiếu, đó là những giây phút tuyệt vời nhất. 192/193 phiếu là gần như tuyệt đối rồi.”, ông Việt chia sẻ.
Có được kết quả này, theo ông Việt, là do vị thế của đất nước trên trường quốc tế đã rất khác trước, sự công phu và bài bản trong quá trình tham dự của Việt Nam vào các diễn đàn đa phương, đặc biệt là tại LHQ cách đây 10 năm khi Việt Nam là Ủy viên Không thường trực lần đầu tiên nhiệm kỳ 2008-2009. Đây còn là thành quả cộng hưởng từ hàng loạt sự kiện lớn mà Việt Nam đã tổ chức trong thời gian gần đây như Hội nghị Thượng đỉnh APEC 2017, Diễn đàn Kinh tế Thế giới về ASEAN (WEF ASEAN 2018) rồi đến Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - Triều lần thứ 2 tại Hà Nội đầu năm nay.
Ông Đỗ Hùng Việt, Quyền Vụ trưởng Vụ các Tổ chức Quốc tế chia sẻ tại buổi Tọa đàm “Việt Nam được bầu làm Ủy viên không thường trực HĐBA LHQ nhiệm kỳ 2020-2021”. |
Ông Đỗ Hùng Việt chia sẻ, để có kết quả phiếu bầu như vậy, Việt Nam đã mở một "chiến dịch vận động" từ rất sớm, bài bản và kiên định, đặc biệt là sự chỉ đạo quyết liệt, rất sát của Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh và Lãnh đạo Bộ Ngoại giao.
“Việt Nam đã vận động sớm tại khu vực ASEAN và châu Á - Thái Bình Dương để trở thành ứng cử viên duy nhất. Trong quá trình vận động, Phái đoàn đại diện Thường trực cũng như Vụ các Tổ chức Quốc tế đã nhận được sự hỗ trợ rất lớn từ các đơn vị chức năng trong Bộ”, ông Đỗ Hùng Việt nhấn mạnh.
Điểm nữa, theo ông Việt, là Việt Nam đã có chiến dịch truyền thông bài bản, cụ thể và rất sớm, từ chuyện logo cho đến truyền thông trước, trong và sau khi bỏ phiếu đều rất hiệu quả. Ví dụ như tuyến bài trước và trong khi diễn ra phiên bỏ phiếu mà Báo Thế giới & Việt Nam, cơ quan truyền thông của Bộ Ngoại giao đã triển khai, đặc biệt là những thông tin trực tuyến về kết quả bầu cử, các đoạn video, các tin bài rất nhanh... Sự kiện Việt Nam trúng cử cũng được báo chí quốc tế đưa tin đậm nét, các hãng lớn đưa tin về kết quả bỏ phiếu cũng như đánh giá cao việc Việt Nam trúng cử ủy viên không thường trực HĐBA LHQ lần này.
Giữ vững lập trường, đường lối
Buổi Tọa đàm thực sự “nóng” lên khi ông Đặng Hoàng Giang, Chánh Văn phòng Bộ Ngoại giao chia sẻ kinh nghiệm, kỷ niệm khi ông là Điều phối viên chính trị tại HĐBA LHQ, thời điểm Việt Nam là Ủy viên Không thường trực nhiệm kỳ 2008-2009.
“Cảm nhận đầu tiên đó là “trường đời mà ở đó bạn như học ở 10 trường đại học” với mỗi một ngày là một trải nghiệm và thực sự là trải nghiệm vô cùng đáng quý, được cọ sát, làm việc với những người xuất sắc của thế giới” ông Đặng Hoàng Giang nói. Ông cũng bày tỏ niềm tự hào, vinh dự khi là người đầu tiên bước vào HĐBA với vai trò điều phối viên chính trị, được ngồi cạnh các “cường quốc năm châu” theo đúng nghĩa đen để cùng bàn, thảo luận về các vấn đề nóng bỏng của quốc tế.
Vì vậy, kinh nghiệm quan trọng nhất, theo ông Đặng Hoàng Giang là mỗi cán bộ cần thực hiện theo đúng “đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ” khi bước vào HĐBA. Bởi lẽ, “xuyên suốt, những vấn đề khi Việt Nam tham gia HĐBA, đôi khi có những vấn đề rất xa xôi với Việt Nam, nếu không có lập trường, nguyên tắc sẽ rất dễ “ngả nghiêng” trước các nước lớn và khi giải quyết các vấn đề, khó có thể hoàn toàn tự tin”.
Ông Đặng Hoàng Giang, Chánh Văn phòng Bộ Ngoại giao - người từng là Điều phối viên chính trị tại HĐBA LHQ nhiệm kỳ 2008-2009. |
Một kinh nghiệm quan trọng khác, theo ông Giang, chúng ta cần có sự chuẩn bị kỹ khi tham gia HĐBA, từ việc lên hồ sơ, cho đến khâu dự báo phát sinh cho cả quá trình 2 năm... Đây là kinh nghiệm tốt bởi hầu như các vấn đề diễn ra nếu nằm trong những dự trù sẽ dễ hơn khi phải xử lý.
Rồi cơ chế phân cấp, ra quyết định cũng là yếu tố quan trọng, “việc gì cũng phải xin ý kiến ở nhà thì rất mất thời gian”. Mỗi một năm HĐBA có khoảng 1.700 cuộc họp (hiện nay số lượng cuộc họp đã tăng 20-30%) và có rất nhiều vấn đề xin ý kiến nhưng hầu như các công việc được “định đoạt” ngay tại chỗ.
Sự đoàn kết và tâm huyết của các cán bộ tham gia vào HĐBA cũng là yếu tố quan trọng dẫn đến thành công. Ông Giang cho biết, thời điểm đó, các cán bộ của Phái đoàn hầu như là cán bộ trẻ nhưng đã tạo thành một tập thể thống nhất, phối hợp nhuần nhuyễn với nhau, làm việc tận tụy và quan trọng nhất là thông tin phải thông suốt để có thể phối hợp với nhau một cách thật chặt chẽ.
Chia sẻ về một số kinh nghiệm cụ thể khi tham gia HĐBA, ông Đặng Hoàng Giang nhấn mạnh, đối với mỗi cán bộ là độc lập tác chiến, một mình đi họp, xử lý công việc, vì vậy cần nắm vững chuyên môn, ngoại ngữ, nắm vững vấn đề, phải tìm tòi, đọc tài liệu để đưa ra ý kiến, lập trường đúng đắn...
Các cán bộ cũng cần nắm vững được thủ tục của HĐBA, có thể “có vài chuyên đề về vấn đề này”, ông Giang kiến nghị với Trung tâm FOSET của Học viện Ngoại giao. Bởi lẽ công việc hàng ngày của cán bộ là “chiến đấu” với các nước về thủ tục họp như: họp tham vấn phòng kín, họp rộng không phát biểu... mà mỗi hình thức lại mang thông điệp riêng của HĐBA. Rồi các hình thức tuyên bố cũng khác nhau, nghị quyết cũng khác nhau... Cán bộ trực chiến tại HĐBA cũng cần nắm vững thông tin, lập trường các nước về vấn đề đang xử lý cũng như nắm vững tập hợp lực lượng tại HĐBA.
Cuối cùng, theo ông Đặng Hoàng Giang, tháng làm Chủ tịch HĐBA là tháng vất vả nhất, nặng nề nhất. Đầu tiên là xây dựng chương trình, thống nhất các vấn đề thảo luận, làm sao điều hòa, “né” những vấn đề phức tạp, nhạy cảm. Với tháng làm Chủ tịch HĐBA, Đại sứ phải đi tham vấn Tổng Thư ký LHQ, tham vấn Đại sứ các nước...rồi đưa ra ưu tiên trong tháng, rồi thảo luận mở, thảo luận cấp cao... rất nhiều vấn đề phải xử lý.
Đánh giá lại nhiệm kỳ Việt Nam làm Ủy viên Không thường trực HĐBA LHQ 2008-2009, ông Đặng Hoàng Giang khẳng định, Việt Nam đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trong giai đoạn đó;. Ông Giang đồng thời bày tỏ tin tưởng với kinh nghiệm qua một lần đảm nhiệm vai trò Ủy viên không thường trực, cùng với các cán bộ ngoại giao giỏi hiện nay, Việt Nam hoàn toàn đảm nhiệm xuất sắc vai trò Ủy viên Không thường trực HĐBA LHQ nhiệm kỳ 2020-2021.
Cũng tại Tọa đàm, Tiến sĩ Trần Việt Thái, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược Ngoại giao, Học viện Ngoại giao cũng chia sẻ về “Cơ hội và thách thức của Việt Nam khi trúng cử Ủy viên Không thường trực HĐBA LHQ”; nghe các diễn giả chia sẻ kinh nghiệm về các vấn đề liên quan, trong đó có kỹ năng của người làm Ngoại giao đa phương: kỹ năng đàm phán, chủ trì hội nghị,vận động hành lang... Tiến sỹ Trần Việt Thái đồng thời cũng giải đáp nhiều thắc mắc, câu hỏi của các cán bộ trẻ liên quan đến nhiệm kỳ sắp tới của Việt Nam tại HĐBA LHQ.
Đại sứ các nước tại Liên hợp quốc đăng Twitter chúc mừng Việt Nam trúng cử HĐBA LHQ TGVN. Ngay sau khi Việt Nam trúng cử Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2020-2021 với số ... |
Niềm vui của Việt Nam khi trúng cử Ủy viên không thường trực HĐBA LHQ TGVN. Tối 7/6 (giờ Việt Nam), tại trụ sở Liên hợp quốc tại New York (Mỹ), Việt Nam đã chính thức trở thành Ủy viên không ... |
Việt Nam có thể đảm nhận tốt vai trò Ủy viên không thường trực HĐBA LHQ và cho thấy tầm ảnh hưởng ngày càng lớn Ngày 7/6, tại khóa họp thứ 73 Đại Hội đồng Liên hợp quốc, Việt Nam, quốc gia đại diện duy nhất cho nhóm các nước ... |
Thứ trưởng Lê Hoài Trung họp báo ngay sau khi Việt Nam trúng cử Hội đồng Bảo an TGVN. Ngay sau khi Việt Nam được Đại hội đồng LHQ bầu làm Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an LHQ nhiệm kỳ ... |