📞

Kinh nghiệm phát triển xanh: Cần sự tham gia tích cực của người dân, khu vực công nên là hình mẫu

Minh Vương 06:00 | 28/09/2023
Đại diện thành phố Porto (Bồ Đào Nha), Leipzig (Đức) và Hàn Quốc đã chia sẻ một số kinh nghiệm quý báu về phát triển xanh với TP. Hồ Chí Minh.
Ông Ricardo Vallente chia sẻ kinh nghiệm của Porto trong phát triển kinh tế xanh. (Ảnh: Bến Thành)

Porto (Bồ Đào Nha): Lĩnh vực công cần “mở đường”

Chia sẻ bên lề Diễn đàn CEO TeaConnect 100 ngày 14/9 tại TP. Hồ Chí Minh, ông Ricardo Vallente, Ủy viên Hội đồng thành phố Porto (Tây Ban Nha) chịu trách nhiệm về các hoạt động tài chính, kinh tế, việc làm và doanh nghiệp, nhận định phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn là một nhiệm vụ không hề dễ dàng, nhất là với quy mô của các thành phố lớn nói riêng và Việt Nam nói chung.

Tuy nhiên, ông khẳng định: “Hiện các bạn đang đi đúng hướng”. Bởi kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn sẽ là “nền tảng cho sự phát triển của thế giới trong tương lai” và quốc gia nào không phát triển xanh sẽ khó có thể tồn tại.

Đánh giá cao việc tổ chức các diễn đàn để chia sẻ kinh nghiệm về phát triển xanh, ông cho biết Porto là một trong những địa phương đi đầu trong lĩnh vực này ở châu Âu, đặc biệt là thúc đẩy phát triển xanh ở trong khu vực công. Ông cho biết: “100% máy bay và xe bus của thành phố đều sử dụng điện, khí tự nhiên. Chúng tôi sẽ có xe buýt đô thị đầu tiên bằng khí Hydrogen ở Bồ Đào Nha và châu Âu.

Đồng thời, đô thị, cộng đồng của chúng tôi chỉ sử dụng năng lượng tái tạo. 100% điện trong thành phố, các tòa nhà, trường học, trường đại học đều sử dụng năng lượng tái tạo. Chúng tôi đang cố gắng trở thành hình mẫu, đồng thời khuyến khích cho doanh nghiệp để cùng hướng tới những mục tiêu chung”.

Theo ông Lee Man Ee, chính phủ cần thay đổi nhận thức và phương pháp xử lý rác thải hàng ngày của người dân. (Ảnh: Bến Thành)

Đại diện Hàn Quốc: Cần hiện đại hóa cách xử lý rác thải

Trong khi đó, phát biểu bên lề Diễn đàn Kinh tế TP. Hồ Chí Minh ngày 15/9, ông Lee Man Ee thuộc Hiệp hội về Tái chế, Giảm khí thải nhà kính, Tài nguyên Thiên nhiên và Môi trường Hàn Quốc (CICON), hiện triển khai hoạt động tại thành phố Jeju, Mokpo và Yeocheon (Hàn Quốc) đánh giá cao việc TP. Hồ Chí Minh tổ chức các diễn đàn trao đổi kinh nghiệm, vạch ra định hướng về phát triển xanh cho Thành phố trong thời gian tới.

Chia sẻ một số bài học về phát triển kinh tế tuần hoàn, ông cho biết có hai điểm lớn. Đầu tiên, người dân cần ghi nhớ rằng phải tiết kiệm năng lượng. Họ cần tích cực tham gia vào quá trình giảm thiểu phát thải CO2 và phát xạ. Thứ hai, người dân cần cố gắng tái chế những gì có thể trong cuộc sống hàng ngày, bằng những công nghệ mới hay biện pháp khác nhau.

Theo ông, đốt rác thải không còn phù hợp trong giai đoạn hiện nay. Các nước nên lựa chọn tái chế vật liệu phế thải, đồng thời chính phủ cần góp phần cải thiện cách người dân xử lý rác thải hàng ngày. Ông Lee nhận định: “Kinh tế tuần hoàn cần được cá thể hóa bởi mọi người dân trong cuộc sống hàng ngày”.

Về kinh nghiệm xử lý rác thải của Hàn Quốc, ông cho biết: “Chính quyền từ trung ương đến các địa phương ở Hàn Quốc, bao gồm Busan, thành phố kết nghĩa với TP. Hồ Chí Minh, đã cố gắng nâng cấp công nghệ và phương pháp tái chế rác thải.

Tôi đã hợp tác với nhiều doanh nghiệp để nâng cao công nghệ tái chế. Ví dụ, một chai nước nhựa được thải ra có thể biến thành một chiếc áo thể thao đẹp, hay nhiều thứ khác. Vậy nên nếu người dân không tham gia vào các chương trình kể trên, những chất thải không thể được xử lý và nâng cấp giá trị”.

Ông Sebastian Krastch mong muốn Leipzig và TP. Hồ Chí Minh có thể tiến hành tiếp xúc, trao đổi đoàn về phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn hơn nữa. (Ảnh: Bến Thành)

Leipzig (Đức): Tự hào về hợp tác phát triển xanh với TP. Hồ Chí Minh

Về phần mình, ông Sebastian Kratsch thuộc Văn phòng Phát triển Kinh tế của thành phố Leipzig (Đức), phụ trách quảng bá thương mại và công nghiệp, bày tỏ sự vui mừng khi tham dự, chia sẻ kinh nghiệm tại diễn đàn về phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn ở TP. Hồ Chí Minh, thành phố kết nghĩa với Leipzig.

Ông cho rằng để phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, cần vạch rõ khái niệm của các cụm từ này. Đồng thời, phát triển xanh là quá trình đòi hỏi sự tham gia của nhiều bên liên quan, từ chính phủ trung ương, chính quyền địa phương, doanh nghiệp và người dân, với mục tiêu và tầm nhìn chung. Chi phí hỗ trợ, công nghệ tái chế và phát triển xanh, cũng như nỗ lực chuẩn hóa và đặt ra các chứng chỉ về phát triển xanh cũng đóng vai trò quan trọng. Trong bối cảnh đó, ông cho biết Leipzig cam kết phát thải bằng 0 vào năm 2030. Thành phố đã xây dựng nhiều quy định, hệ thống tái chế rác thải áp dụng các công nghệ mới.

Đặc biệt, ông Kratsch bày tỏ sự tự hào khi Leipzig đã triển khai hợp tác chặt chẽ với TP. Hồ Chí Minh và mong muốn có thể duy trì sự hợp tác đó trong lĩnh vực kinh tế tuần hoàn và kinh tế xanh. Cụ thể, hai bên có thể tăng cường trao đổi, tiếp xúc, chia sẻ kiến thức giữa các đơn vị quản lý, chuyển giao công nghệ tái chế rác thải, vật liệu nhựa và nhiều phế phẩm khác.

Về TP. Hồ Chí Minh, ông cho rằng khu vực công nên là “hình mẫu” về phát triển kinh tế xanh nhằm thu hút các doanh nghiệp lớn và mới nổi. Đồng thời Thành phố cần xây dựng các chính sách, luật và khuôn khổ để phát triển xanh, bao gồm áp dụng công nghệ mới để xử lý rác thải. Quan trọng hơn, các chính sách, luật và khuôn khổ này phải phù hợp với sự phát triển chung. Đồng thời, Thành phố có thể nghiên cứu xem lĩnh vực nào tác động lớn nhất tới phát triển xanh, lấy đó làm điểm xuất phát để tạo ra động lực cần thiết cho quá trình lâu dài.