📞

Kinh tế Anh nhuốm màu ảm đạm sau một năm Brexit

Minh Hợp 17:11 | 27/12/2021
Theo tờ The Financial Times (Anh), kết thúc năm đầu tiên của thỏa thương mại mới giữa Anh và Liên minh châu Âu (EU) sau khi Anh rời khối (Brexit), có lẽ điều đáng chú ý nhất là kịch tính đã không xảy ra ở biên giới nước Anh.

Không có cảnh xe tải xếp hàng nối đuôi nhau tại các cửa khẩu hoặc thương mại có những gián đoạn đáng kể. Hoạt động thương mại ít nhộn nhịp hơn nhiều so với dự kiến, ngay cả trước khi khi các biện pháp kiểm soát nhập khẩu được thắt chặt hơn trong năm tới, đặc biệt là đối với hàng nông sản và thực phẩm.

Các nhà kinh tế cho rằng, về tổng thể, Brexit dường như có tác động tiêu cực tới nền kinh tế Anh cũng như tới mức sống của người dân.

Theo các nhà kinh tế, hiện chưa thể xác định chính xác cái giá mà Anh phải trả cho Brexit. (Nguồn: AP)

Tăng trưởng suy giảm

Các quy định mới, được áp dụng từ ngày 1/1 khi Anh chính thức rời EU, đã tác động tới tăng trưởng kinh tế của nước này. Theo Văn phòng Trách nhiệm Ngân sách Anh, Brexit khiến tốc độ tăng trưởng của Anh giảm khoảng 4% so với mức khi nước này vẫn nằm trong EU.

Brexit lẽ dĩ nhiên ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế và mức sống của người dân, song tác động đó lớn tới mức nào vẫn còn là câu hỏi. Theo các nhà kinh tế, hiện chưa thể xác định chính xác cái giá mà Anh phải trả cho Brexit, bởi tác động của việc nước này rời EU chưa thể thấy ngay lập tức, đặc biệt trong bối cảnh đại dịch Covid-19.

Một trong những cách đơn giản nhất để xem xét tác động của Brexit là đánh giá hoạt động kinh tế tổng thể của Anh kể từ cuộc trưng cầu dân ý vào tháng 6/2016 cho đến nay. Tăng trưởng kinh tế Anh đã tụt hậu so với Mỹ và Khu vực sử dụng đồng Euro (Eurozone).

Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của nước này trong quý III/2021 cao hơn 3,9% so với quý II/2016, song vẫn thấp hơn nhiều so với mức tăng trưởng 6,2% của khu vực đồng Euro, và 10,6% của Mỹ trong cùng kỳ.

Tuy nhiên, các nhà kinh tế cho rằng có thể có nhiều nguyên nhân ngoài Brexit gây nên mức tăng trưởng thấp của Anh, một trong số đó là việc Văn phòng Thống kê quốc gia Anh (ONS) thay đổi cách tính GDP, dẫn đến tỷ lệ tăng trưởng của Anh giảm. Ngoài ra, tỷ lệ tăng trưởng cũng có thể bị ảnh hưởng bởi các yếu tố khác nhau liên quan đến dịch Covid-19.

Với những nguyên nhân có thể gây nhiễu số liệu này, các nhà phân tích đã tập trung vào những tác động thương mại để đánh giá hiệu ứng của Brexit. Phó Giám đốc Trung tâm nghiên cứu Cải cách châu Âu John Springford đã tính toán hiệu quả hoạt động thương mại của Anh dựa trên mô hình được xây dựng từ hoạt động của các quốc gia tương tự, theo đó, tính đến tháng 10/2021, xuất nhập khẩu hàng hóa của Anh giảm 15,7% so với mức nếu nước này vẫn nằm trong liên minh thuế quan và thị trường chung EU.

Ông Springford cho biết, cùng với việc các công dân EU rời khỏi Anh, Brexit đã khiến nguồn cung của nền kinh tế nước này khó thích ứng với việc mở cửa trở lại sau khi lệnh phong tỏa được dỡ bỏ.

Bất ổn và đồng Bảng Anh mất giá sau cuộc trưng cầu dân ý đã khiến nền kinh tế nước này mất khoảng 4-5% thu nhập quốc dân so với kỳ vọng nếu Anh vẫn ở lại EU.

Điểm trừ của nền kinh tế

Chuyên gia kinh tế Julian Jessop tại Viện nghiên cứu các vấn đề kinh tế cho rằng Brexit cho đến nay vẫn là một điểm trừ của nền kinh tế, mặc dù ông ủng hộ quyết định rời EU của Anh.

Ông chỉ ra rằng, mặc dù thương mại giảm sẽ dẫn đến tăng trưởng thấp hơn, hoạt động thương mại sẽ ảnh hưởng tới nền kinh tế ở mức nào là điều “cực kỳ không chắc chắn”, đồng thời cho rằng ảnh hưởng bất lợi của việc giảm thương mại với EU sẽ giảm dần theo thời gian.

Câu hỏi đặt ra là liệu những tác động thương mại có gây tổn hại cho GDP của Anh hay không?

Giáo sư kinh tế Sarah Hall tại Đại học Nottingham, cho rằng nếu hoạt động thương mại hàng hóa với EU cho đến nay đã chịu những tổn thất, thì tác động đối với ngành dịch vụ chỉ mang tính “tái tập trung về mặt địa lý” hơn là tổn thất lớn.

Theo đại diện IMF, các vấn đề cụ thể hiện tại có thể gây nguy cơ đối với triển vọng trung hạn, song khẳng định hiện chưa thể xác định tình hình này là do tác động của đại dịch hay do tác động của Brexit. (Nguồn: Reuters)

Nghiên cứu của bà cho thấy xuất khẩu dịch vụ của Anh trong quý II năm nay giảm 14% so với hai năm trước đó trên toàn cầu, phản ánh tác động của Covid-19, đặc biệt đối với ngành du lịch. Tuy nhiên, xuất khẩu dịch vụ của Anh sang EU đã giảm 30%, cho thấy Brexit có tác động lớn hơn đối với hoạt động kinh doanh của Anh với châu lục.

Giáo sư Hall hy vọng Anh sẽ tổ chức lại ngành dịch vụ để trở thành một trung tâm toàn cầu, đặc biệt là trong lĩnh vực tài chính, và bà tin rằng điều này có cơ hội thành công.

Tình trạng thiếu hụt tài xế xe tải, lao động nông trại và công nhân lò mổ đã cho thấy những vấn đề phát sinh trong giai đoạn kết thúc quá trình di chuyển tự do của người lao động sau khi Anh rời EU. Tuy nhiên, Anh đã thành công trong việc áp dụng chế độ thị thực mới một cách suôn sẻ để ngăn chặn thiệt hại.

Giáo sư Jonathan Portes tại Đại học King’s College London cho biết không ngạc nhiên khi có sự sụt giảm rất lớn về số lượng nhập cư từ EU sau Brexit, bởi những công dân EU muốn nhập cư tại Anh đều đã xin thị thực trước khi khi nước này áp dụng quy định thị thực mới vào năm 2021.

Giáo sư Portes chỉ ra rằng số lượng thị thực cấp cho lao động tay nghề cao đã tăng đáng kể vào thời kỳ trước đại dịch, đặc biệt là thị thực dành cho những người làm việc trong ngành y tế và chăm sóc sức khỏe. Ông cho hay nguồn nhân lực tại Dịch vụ Y tế quốc gia (NHS) đã chuyển từ EU sang các nước ngoài EU.

Ông Springford cho biết, các quy định nhập khẩu mới được thực hiện vào nửa đầu năm 2022 có nguy cơ gây thêm những tác động tiêu cực, song nhấn mạnh các tác động này chỉ ở mức tối thiểu, bởi Cơ quan Thuế và Hải quan Hoàng Gia Anh (HMRC) đã cam kết ưu tiên đảm bảo thông suốt thương mại giữa Anh và EU hơn là tập trung vào các biện pháp kiểm soát. Ông cho rằng HMRC sẽ thay đổi các thủ tục nếu các quy định mới tạo nên ách tắc ở cửa khẩu.

Nhận định về tình hình kinh tế Anh, Tổng Giám đốc Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) Kristalina Georgieva thừa nhận các vấn đề cụ thể hiện tại có thể gây nguy cơ đối với triển vọng trung hạn, song khẳng định hiện chưa thể xác định tình hình này là do tác động của đại dịch hay do tác động của Brexit.

Vào tháng 12, Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) cũng chỉ ra tầm quan trọng của mối quan hệ với EU đối với triển vọng kinh tế của Anh, nhận định rằng mối quan hệ thương mại xấu đi với EU có thể ảnh hưởng đến triển vọng kinh tế của Anh trong trung hạn.

Vì vậy, các chuyên gia cho rằng trong khi Brexit ít nhiều đã ảnh hưởng tới mức sống của người dân, Anh cần thúc đẩy các nỗ lực để hàn gắn mối quan hệ với EU nhằm giảm thiểu các thiệt hại.

(theo Financial Times)