Đó là nhận định của Thống đốc Ngân hàng trung ương Anh (BoE) Mark Carney ngày 18/9, trong bài phát biểu tại Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) ở Washington, Mỹ.
Thống đốc Ngân hàng trung ương Anh Mark Carney phát biểu tại Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) ở Washington, Mỹ, ngày 18/9. (Nguồn: Reuters) |
Ông Mark Carney cho biết, Brexit đang khiến cho các hộ gia đình hạn chế chi tiêu và các doanh nghiệp đầu tư ít hơn thường lệ. Hệ quả là kinh tế Anh nhìn chung đã tăng chậm lại trong nửa đầu năm 2017, dù các nền kinh tế G7 còn lại đều cải thiện, và nhịp độ tăng trưởng của kinh tế Anh dự kiến sẽ vẫn yếu hơn mức trung bình của G7 cho đến giữa năm 2018.
Trước khi cử tri Anh bỏ phiếu rời khỏi EU hồi tháng 6/2016, "xứ sở sương mù" vẫn là một trong những nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất G7. Tuy nhiên, năm 2017 có thể chứng kiến mức tăng trưởng chậm nhất trước những bất ổn liên quan đến Brexit.
Chính phủ Vương quốc Anh đã khởi động tiến trình Brexit kéo dài 2 năm, song những cuộc đàm phán với EU không mấy tiến triển đã làm dấy lên những lo ngại rằng London có thể sẽ tay trắng rời khỏi “mái nhà chung” châu Âu vào tháng 3/2019 mà không đạt được một thỏa thuận thương mại nào.
Ông Carney cho biết, sự yếu kém của nền kinh tế Anh như hiện thời hiếm khi xảy ra trong suốt 30 năm qua, trừ thời kỳ cao trào của cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008 - 2009.
Dù tăng trưởng trì trệ, Thống đốc Mark Carney nhấn mạnh rằng, BoE sẵn sàng nâng lãi suất trong những tháng tới để kìm hãm lạm phát. Theo ông Carney, Brexit sẽ gây áp lực lạm phát cho nền kinh tế Anh, khi sự hội nhập thương mại với EU cũng như lượng di cư ròng (số người nhập cư trừ số người xuất cư) sẽ suy giảm trong thời kỳ hậu Brexit. Tỷ lệ lạm phát của nước Anh đã chạm mức 2,9% trong tháng 8, vượt xa mức mục tiêu 2% của nước này.